Lời thỉnh cầu "bữa trưa cho học trò nghèo" trường Pa Ủ nơi biên cương Mường Tè

19/01/2022 13:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau những ngày đắn đo, suy nghĩ, các thầy cô giáo nơi biên giới Pa Ủ đã dồn hết dũng cảm biên những lời thỉnh cầu xin bữa cơm trưa cho học trò

Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), một trong những xã biên cương xa xôi nhất của vùng đất cuối trời Tây Bắc của Tây Bắc . Những ngày giáp Tết, khi sương mờ bao phủ trắng xóa trên những ngọn đồi, lớp học của các thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ ngày càng hiu quạnh, lạnh lẽo khi học trò bỏ lớp. Nhiều buổi học, các thầy cô giáo phải bỏ lớp đi “nhặt” học sinh.

Từ năm học 2021- 2022, dân tộc La Hủ đã có quyết định ra khỏi mức độ dân tộc còn dưới 10.000 người nên chế độ của Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 bị cắt.

Các em học sinh người dân tộc La Hủ cách trường dưới 4 km bị cắt hỗ trợ nên nhiều em học sinh nhà còn khó khăn nên đã bỏ lớp giữa chừng.

Lớp học vắng học trò của các thầy cô giáo trường Pa Ủ

Lớp học vắng học trò của các thầy cô giáo trường Pa Ủ

Trong những ngày giáp Tết, các thầy cô giáo nơi biên giới xã Pa Ủ vẫn đang miệt mài kêu gọi sự ủng hộ để có thêm bữa cơm trưa cho trẻ em nghèo...

Sau nhiều ngày suy nghĩ, đắn đo, các thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ đã quyết định viết lời kêu gọi xin bữa cơm trưa cho học sinh nghèo của nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Bùi Minh Khuyên cho biết năm học này, do chế độ bị cắt, học sinh nghèo ở Pa Ủ không còn thiết tha đến trường, các thầy cô phải đi từng nhà, vào từng cánh rừng, mảnh nương để tìm các em đưa về trường.

Năm học này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ có gần 250 học sinh không còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến việc vận động học sinh đến lớp càng khó khăn gấp bội.

“Buổi sáng các em đến lớp tương đối đầy đủ nhưng buổi trưa lại phải về nhà, về lán nương ăn cơm vì không còn được ăn cơm ở trường. Vì thế đến buổi chiều, hầu hết các em không trở lại lớp học mà ở nhà đi lấy củi hoặc đi nhặt đồ phế liệu để bán kiếm tiền. Thậm chí có những lớp vắng đến mức chỉ có 1/25 học sinh đến trường. Chúng em còn đùa nhau phải đi tìm học sinh không có bị xóa sổ trong hành chính của trường” – Cô Khuyên nói.

Những giáo viên vùng cao ở Pa Ủ luôn lo lắng trước thực trạng học sinh không đến lớp vì bị cắt bữa cơm trưa theo quy định mới.

Các thầy cô giáo cắt tóc, chăm sóc học trò.

Các thầy cô giáo cắt tóc, chăm sóc học trò.

“Khi mọi người đang lên kế hoạch nghỉ Tết thì em và các đồng nghiệp lại đang lo lắng không biết ra Tết sẽ vận động học sinh trở lại lớp học bằng cách nào khi chưa xin được kinh phí bữa ăn trưa cho các con ở lại trường. Nỗi lo lắng lại càng tăng lên khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến chúng em không có tâm trạng nghĩ đến Tết. Đặc biệt là các em học sinh trong năm học này học theo chương trình mới nên việc học của các em gặp rất nhiều khó khăn” – cô giáo Khuyên chia sẻ.

Nhiều buổi học các thầy cô giáo phải chia nhau vào sâu trong núi để tìm trò về lớp.

Từ những khó khăn tưởng chừng như bế tắc, cô giáo Khuyên và những đồng nghiệp tâm huyết đã tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường viết thư ngỏ gửi đến các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị từ thiện trong cả nước để mong nhận được sự sẻ chia.

“Dịch COVID-19 khó khăn, thế nên các thầy cô giáo cũng cân nhắn vô cùng bởi sợ rằng kêu nhiều quá mọi người

Ngày 17/1, chia sẻ về bức thư, thầy giáo Nguyễn Thành Long – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau nhiều ngày đăn đó, các thầy cô giáo trong trường đã tham mưu cho lãnh đạo viết tâm thư kêu gọi các nhà hảo tâm mong nhận được sự giúp đỡ.

Bức thư ngỏ với những lời kêu gọi xin kinh phí để tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh nghèo gửi đến các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước từ vùng cao, biên giới.

Sau ngày học buổi sáng, buổi chiều chỉ còn vài trò đến lớp.

Sau ngày học buổi sáng, buổi chiều chỉ còn vài trò đến lớp.

Nói cụ thể về tình hình của nhà trường, thầy Nguyễn Thành Long cho biết: “Xã Pa Ủ hiện có khoảng gần 860 hộ dân với hơn 3.600 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc La Hủ đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm đến gần 70%.

Trong năm học 2021 – 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ có 30 lớp học với hơn 560 học sinh, trong đó có 246 học sinh không còn được hỗ trợ nuôi ăn tại trường do có sự thay đổi về đối tượng thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn nên nhiều em học sinh bán trú phải ngủ chung, ngủ ghép trong những phòng tạp hết sức chật hẹp.

Tại nhiều điểm bản vẫn chưa có điện lưới, buổi tối học sinh tranh thủ ôn bài dưới ánh điện chạy bằng năng lượng mặt trời.

Tại nhiều điểm bản vẫn chưa có điện lưới, buổi tối học sinh tranh thủ ôn bài dưới ánh điện chạy bằng năng lượng mặt trời.

Tình trạng học trò bỏ lớp ở Mường Tè cũng đã diễn ra ở một số xã, đầu năm học 2021 – 2022, học sinh ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm cũng đã có tình trạng bỏ trường về bản.

Các thầy cô giáo đi gom học trò.

Các thầy cô giáo đi gom học trò.

Chia sẻ về tình trạng này, ông Tống Thanh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết:

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ/2021, các xã khu vực III, khu vực II được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I.

Cùng với đó, một số xã sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội của người dân.

Để thuyết phục được các gia đình cho con em ra lớp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, các thầy cô giáo ở địa bàn vẫn phải kiên trì vận động.

Bức thư ngỏ với những lời kêu gọi xin kinh phí để tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh nghèo gửi đến các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước từ vùng cao, biên giới.

Bức thư ngỏ với những lời kêu gọi xin kinh phí để tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh nghèo gửi đến các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước từ vùng cao, biên giới.

Nói về các em học sinh người La Hủ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: "Trước đây hưởng theo chế độ 57 (Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 – phóng viên) thì mức độ hưởng đãi ngộ của các em tương đối là cao.

Tuy nhiên, hiện nay, dân tộc La Hủ đã có quyết định ra khỏi mức độ dân tộc còn dưới 10.000 người nên chế độ 57 bị cắt, hiện các em hưởng theo chế độ 116 (Nghị định Số: 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2016).

Chế độ 116 tuy thấp hơn 1 chút nhưng vẫn có cái vướng về quy định số km đối với từng bậc học. Học sinh ở xa quá mới được hưởng chế độ, các cháu ở trung tâm xã thì bị cắt. Do vậy có nhiều gia đình còn có băn khoăn".

Cũng giống như người La Hủ ở những nơi khác của Lai Châu, bà con La Hủ ở Pa Ủ đây từng được biết đến là dân tộc “lá vàng” với phận đời lang thang du mục.

Họ đã từng có một quá khứ dài lay lắt cùng cái đói. Họ sống rải rác thành từng nhóm nhỏ giữa đại ngàn, cuộc sống quanh năm chỉ biết săn bắn, hái lượm.

Bà con tuy có làm nương, rẫy, nhưng do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên nên cái đói luôn đeo bám như một nỗi ám ảnh. Người La Hủ từng bị bị coi là bộ tộc “lá vàng” sống lang thang nay đây mai đó trên khắp các triền núi.

Cuộc sống lay lắt với cái đói triền miên, trẻ em không biết đến sự học hành… Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, người La Hủ đã rời bỏ rừng sâu về các xã ở Mường Tè để lập bản, ổn định cuộc sống.

Người dân cũng bắt đầu biết trồng màu, lúa nước và thảo quả để thay đổi cuộc sống… Trường lớp cũng được dựng lên.

Tuy nhiên, khi bị cắt chế độ 57, nguy cơ bỏ trường, bỏ lớp của học sinh người La Hủ lại hiện hiện khiến các thầy cô giáo lo lắng bộn bề.

"Sau Tết, chẳng biết các thầy cô giáo phải mất bao nhiêu thời gian để đi tìm học trò nữa", cô Khuyên thở dài.

Trong bức thư ngỏ kêu gọi xã hội hóa giáo dục được phát đi sau nhiều ngày, đêm trăn trở của những thầy cô giáo tâm huyết đã được cân nhắc rất chi tiết:

Số tiền cần cho 4 tháng học kỳ II của năm học này như sau: Số tiền ăn bữa sáng là: 246HS x 3.000 x 22 ngày x 3 tháng = 48.708.000đ; Số tiền ăn bữa trưa là: 246HS x 7.000 x 22 ngày x 3 tháng = 113.652.000 đồng; Xây dựng 12 phòng ở kiên cố cho 178 học sinh bán trú ở bản trung tâm với tổng diện tích là 400m2.

* Ảnh: Các thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ

Trần Phương