Nghịch lý ở Tây Nguyên: Nguy cơ thất học vì… xã đã thoát nghèo

11/10/2021 06:50
AN NGUYÊN - MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới, thoát cảnh nghèo đói nên hàng ngàn học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ, không còn được hưởng theo Nghị định 116.

Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ “quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn” đã hỗ trợ cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội đến trường.

Tuy nhiên, khi bước sang năm học 2021-2022, nhiều khu vực ở Tây Nguyên đã chính thức “thoát nghèo”, nhiều xã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới và được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn khiến nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách theo Nghị định này.

Khó duy trì sĩ số lớp vì xã đã… đạt nông thôn mới

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều trường học ở huyện K’bang (Gia Lai) vẫn chỉ có lác đác vài học sinh đến lớp. Ngoài lý do sau kỳ nghỉ hè thì học sinh thường theo cha mẹ đi nương rẫy thì việc nhiều việc học sinh không còn được nhận gạo hỗ trợ theo Nghị định 116 cũng là một lý do khiến các em không đến trường.

Nhiều trường học ở huyện K'bang (Gia Lai) lo lắng vì nguy cơ học sinh bỏ học sau khi bị ngắt chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116. Ảnh: MT

Nhiều trường học ở huyện K'bang (Gia Lai) lo lắng vì nguy cơ học sinh bỏ học sau khi bị ngắt chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116. Ảnh: MT

Anh Đinh Thưng (phụ huynh một học sinh ở xã Krong) cho biết: “Từ nhà mình đến trường phải đi xa hơn 10 cây số đường núi dốc, mà hai vợ chồng đều bận đi nương rẫy kiếm sống nên không thể chở con đi học hàng ngày.

Trước đây, cháu đi học ở lại bán trú, được nhà nước hỗ trợ cho gạo ăn nên phụ huynh không phải lo đón. Giờ nhà nước cắt gạo, cắt hỗ trợ thì mình phải cho cháu nghỉ học, ở nhà đi rẫy thôi”.

Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều học sinh ở các thôn, bản của huyện K'bang. Thống kê sơ bộ của huyện này có đến 558 học sinh các trường bán trú sẽ không còn nhận gạo hỗ trợ theo Nghị định 116 như trước đây.

Thầy Phan Danh – Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Krong (huyện K’bang) cho hay, dù năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều lớp học của trường vẫn vắng bóng học sinh.

“Dù thầy cô đã đến tận bản, vào tận nhà để thuyết phục phụ huynh cho các cháu đến trường nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Bởi dù xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn nhưng hầu hết các gia đình ở bản vẫn còn vất vả, thiếu ăn thường xuyên. Giờ buộc họ phải chi trả tiền ăn uống, học tập cho con cái thì cũng là việc làm quá sức”.

Thầy Danh cũng bày tỏ lo lắng khi nhiều học sinh của trường đang đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng. “Để duy trì sĩ số trong điều kiện có Nghị định 116 hỗ trợ vốn đã khó khăn, giờ không có hỗ trợ thì các trường rất khó để giữ học sinh”, thầy Danh nói.

Tương tự, tại huyện Kon Plông (Kon tum), thống kê của phòng Giáo dục huyện này cho thấy, năm học 2021-2022 có đến 920 học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú.

“Năm nay thì các xã như Măng Cành, Pờ Ê và cả thị trấn Măng Đen sẽ đạt các tiêu chí về nông thôn mới, do đó các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên ở các xã này cũng bị dừng hưởng chế độ theo Nghị định 116.

Tuy nhiên, nếu cắt hỗ trợ, phụ huynh phải đứng ra gánh vác các chi phí học tập, sinh hoạt của học sinh thì nhiều người sẽ không kham nổi.

Dù chúng tôi đã động viên phụ huynh, kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều kênh nhưng nguy cơ các em bỏ học giữa chừng ở các địa phương này vẫn rất lớn”, đại diện phòng giáo dục Kon Plông chia sẻ.

“Làm đủ cách để giữ học sinh”

Ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện K’bang cho hay, việc học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa không còn nhận được hỗ trợ của Nhà nước sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc duy trì sĩ số học sinh. Sắp tới, Phòng sẽ có những kiến nghị với huyện để có chính sách hỗ trợ các em.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Krong (huyện K'bang, Gia Lai) nhận được những gói mỳ tôm hỗ trợ sau khi bị cắt chế độ hỗ trợ. Ảnh: MT

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Krong (huyện K'bang, Gia Lai) nhận được những gói mỳ tôm hỗ trợ sau khi bị cắt chế độ hỗ trợ. Ảnh: MT

Từng bao năm “cắt rừng, vượt suối” để đưa học sinh từ các bản làng xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn về với con chữ nên thầy Danh và các thầy cô trong trường không can tâm để các em phải bỏ học giữa chừng vì những bất cập của chính sách.

Ngoài việc đến từng nhà động viên, các thầy cô còn đi kêu gọi, vận động sự giúp đỡ của các mạnh thường quân để hỗ trợ thêm cho các em về sách vở, áo quần. Nhà trường cũng linh động san sẻ những phần lương thực đã dự trữ để chia sẻ với các em học sinh bị cắt chế độ trợ cấp.

Thầy Danh cũng cho hay, việc san sẻ nguồn lương thực chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài thì cần phải có chính sách hỗ trợ tài chính ổn định của nhà nước.

Tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon tum), ngay vào đầu năm học, ngành đã đứng ra vận động phụ huynh học sinh quyên góp gạo, tiền… để hỗ trợ các bạn học sinh khó khăn tiếp tục được đến trường.

Với số tiền hơn 10 triệu đồng cùng một tấn gạo và các loại nhu yếu phẩm khác đã giúp cho 300 học sinh (bị cắt chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116) được tiếp tục trở lại trường để học theo chế độ bán trú.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thì cơ quan này đã gửi công văn lên Sở Tài chính để xin nguồn kinh phí hỗ trợ các em học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116.

Hiện mỗi địa phương ở Tây Nguyên đang phải xoay sở theo một cách khác nhau để hỗ trợ cho học sinh khó khăn ở các xã vừa "thoát nghèo", giúp các em bám trường, bám lớp. Tuy nhiên, sự bất cập về chính sách cần phải được điều chỉnh để hỗ trợ đúng đối tượng, để học sinh nghèo không lâm vào cảnh thất học như trước đây.

AN NGUYÊN - MINH THẢO