Giáo viên oải vì hơn 2 năm dạy trực tuyến không được quy đổi số tiết

03/03/2022 09:20
Vũ Hoàng
GDVN- Năm học thứ 3 dạy học trực tuyến, nhiều địa phương vẫn còn đang lúng túng về việc quy đổi tiết dạy từ trực tuyến sang trực tiếp.

Đã 3 năm học nay, giáo viên cả nước có những khoảng thời gian khá dài phải dạy trực tuyến cho học sinh.

1 tiết dạy trực tuyến vất vả và tốn nhiều thời gian hơn dạy trực tiếp là điều ai cũng thấy. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc tính tiết dạy trực tuyến quy đổi ra dạy trực tiếp vẫn như “quả bóng” được Bộ, các sở, các phòng và các trường chuyền qua đá lại.

Các trường lúng túng, ngó lơ và giáo viên mãi mỏi mòn chờ đợi còn công việc giảng dạy thì ngày càng khiến giáo viên “lao tâm khổ tứ”.

Dạy trực tuyến đã mướt mồ hôi, dạy “off - on” lại càng lao tâm khổ tứ

Sau Tết, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, tận dụng thời gian “vàng” nhằm tranh thủ hoàn thành tốt chương trình năm học 2021-2022.

Thế nhưng, diễn biến dịch bệnh ở một số địa phương còn khá phức tạp, một bộ phận phụ huynh chưa yên tâm cho con em đến trường nên thầy cô giáo phải vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến.

Mới khoảng 2 tuần thôi song giáo viên đã cảm thấy bơ phờ còn nhà trường thì lại phải căng mình với hàng chục công việc khác.

Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Baogialai.com.vn

Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Baogialai.com.vn

Hiện nay các trường học trên cả nước phải tổ chức dạy bằng 3 hình thức: trực tuyến, trực tiếp, vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Có thể nói, lớp học với hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp đang chiếm tỉ lệ khá cao.

Chỉ cần lớp học có F là giáo viên phải chuyển đổi, gồng mình dạy vừa trực tiếp vừa trực tuyến, dạy off-on “2 trong 1” (2 hình thức trong 1 lớp).

Đó là những trường có đường truyền Internet tốt thì giáo viên dạy song song còn không giáo viên phải dạy trực tuyến trái buổi cho học sinh đối với tiểu học.

Với giáo viên bộ môn ở tiểu học, thầy cô giáo phải thích ứng với việc khi dạy lớp này trực tiếp, lớp khác vừa off-on, lớp thì online cả lớp.

Đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông còn “đuối” hơn khi dạy tiết này trực tiếp, tiết kia trực tuyến, tiết khác lại off-on…

Nhiều nơi đã trang bị máy móc, kĩ thuật hiện đại, thiết bị tiên tiến trong lớp học cho giáo viên nhưng xem ra không thể giải quyết được hết những khó khăn của thầy cô giáo.

Mới chưa đầy 3 tuần dạy trực tiếp, nhưng người viết đã được “trải nghiệm” hết những khó khăn của giáo viên khi vừa dạy on, vừa dạy off.

2 tuần đầu lớp rất ổn, sang ngày đầu tiên tuần thứ 3 mới có 1 học sinh và một số em F1 còn ổn với hình thức dạy song song: lớp online trong lớp off. Thế nhưng ngày tiếp theo có 1 học sinh nữa mắc F0 và 8 em F1 thì quả là nan giải.

Gần nửa lớp phải ở nhà học trực tuyến để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Đến lúc này thì người viết mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, cực nhọc của đồng nghiệp trước đó từng than thở rằng, dạy song song on-off vài ngày thôi đã thấy hụt hơi.

Đúng là “mướt mồ hôi hột” thật bởi phải đánh vật với đường truyền mạng không ổn định, lúc có lúc không, soạn bài sao cho phù hợp với cả on và off, rồi tương tác cùng lúc với học sinh lớp trực tiếp lẫn trực tuyến.

Học sinh trên lớp đang học rất ổn song học sinh lớp online lại nhờ bạn nói với thầy cho vào lớp vì mới bị “văng” ra khỏi lớp (do lỗi mạng).

Rồi đường truyền thầy yếu, lại phải khởi động phần mềm. Học sinh trực tiếp đã hoàn thành bài còn học sinh trực tuyến vẫn chưa xong...

Cứ thế nhiều tình huống khiến thầy quay theo như chong chóng, căng mình để hoàn thành tiết dạy, buổi dạy.

Nói thật lòng, gần 30 năm trong nghề chưa bao giờ tôi cảm thấy “oải” như bây giờ.

Không riêng gì tôi, nhiều đồng nghiệp ở một số địa phương mà tôi quen biết khi lớp xuất hiện F0, F1 chuyển sang vừa dạy off vừa dạy on cũng cảm thấy “đuối” vô cùng.

Vừa xong tiết lớp trực tiếp lại quay cuồng mở laptop, kết nối mạng vào phần mềm dạy lớp online. Rồi chạy qua tiết khác vừa dạy lớp on trong lớp off.

Thực tế, học sinh trở lại trường, thầy cô giáo đã phải làm quá nhiều việc ngoài công tác giảng dạy đang quá áp lực như đo nhiệt độ, sát khuẩn cho học sinh, luôn luôn phải nhắc nhở các em thực hiện 5K, theo dõi xử lý các tình huống trong tiết dạy để phòng chống dịch…

Năm thứ ba, việc quy đổi tiết dạy trực tuyến sang trực tiếp vẫn còn nằm... trên giấy

Nhằm thích ứng với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành giáo dục là một trong những ngành đi đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mở ra nhiều cơ hội trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Những hiệu quả về kinh tế, xã hội và an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh được ghi nhận là vô cùng lớn, vượt xa mong đợi của xã hội.

Để chất lượng học sinh được đảm bảo, hoàn thành tốt chương trình của 2 năm học 2019-2020 và 2020-2021, năm học 2021-2022 cũng vậy, giáo viên đã nỗ lực, vượt khó khăn.

Và giai đoạn dạy học trực tuyến là thời gian thầy cô vất vả, cực khổ nhất, tốn nhiều công sức, thời gian để soạn bài, chuyển đổi hình thức dạy, sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến và vô số công việc phòng chống dịch Covid-19 phải làm nữa.

Chính vì vậy, ngay năm học đầu tiên (năm học 2019-2020) của đại dịch, để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/4/2020 về việc hướng dẫn nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020.

Theo đó, hướng dẫn chế độ làm việc, quy đổi tiết dạy trực tuyến như sau:

1. Chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan (kiêm nhiệm, thừa giờ...) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, trong học kỳ II năm học 2019-2020 Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh học tại nhà (tạm dừng đến trường, không dùng học).

Qua đó, giáo viên thực hiện các công việc như: dạy học, giáo dục trẻ em/học sinh; kiểm tra đánh giá học sinh,...thông qua các công cụ trực tuyến: qua Internet, trên truyền hình.

Do đó, khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý chỉ đạo các trường:

a) Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);

b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tinh chất công việc dễ tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;

c) Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền cho cơ sở giáo dục, các địa phương lại chờ đợi có quy định cụ thể, chi tiết từ Bộ.

2 năm học qua, các địa phương chưa giải quyết chế độ dạy trực tuyến cho giáo viên.

Năm học thứ 3 này, nhiều địa phương vẫn còn đang lúng túng về việc quy đổi tiết dạy từ trực tuyến sang trực tiếp.

Mới đây, vào ngày 18/2, tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông, một số địa phương đã đặt vấn đề này với mong muốn thống nhất cách quy đổi trên toàn quốc, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

“Việc này giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường, vì tổ chức dạy học trực tuyến rất đa dạng. Ở các trường khác nhau, mức độ giao nhiệm vụ cho giáo viên cũng khác nhau.

Nên đề nghị hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế để xác định số tiết dạy thực, tính toán quy đổi các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy để báo cáo cấp có thẩm quyền, thực hiện việc thanh toán giờ giảng cho giáo viên”. Và như thế, một lần nữa Bộ Giáo dục vẫn lại bỏ ngỏ.

Năm học 2021-2022 này, nếu không có sự mạnh dạn hướng dẫn, chỉ đạo từ các sở Giáo dục và Đào tạo xuống các Phòng Giáo dục thì việc quy đổi tiết dạy trực tuyến sang trực tiếp sẽ vẫn còn nằm... trên giấy. Khi đó, hiệu trưởng các nhà trường lại “ngó lơ” và giáo viên vẫn mãi còn phải chịu thiệt thòi... dài dài.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vũ Hoàng