Thưa Bộ Giáo dục, quy đổi tiết dạy trực tuyến cho nhà giáo cấp thiết lắm rồi

11/11/2021 06:28
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp ngày nào, giáo viên và học sinh phải chịu thêm áp lực, mệt mỏi ngày đó.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 8/11/2021, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, dành nhiều sự quan tâm liên quan đến vấn đề giáo dục.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục phối hợp các bộ, ngành có liên quan để quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính số tiết vượt trội cho giáo viên.

Hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp còn chưa rõ ràng

Ngày 22/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020.

Theo đó, Bộ Giáo dục yêu cầu các Sở Giáo dục cần lưu ý chỉ đạo các trường:

- Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng các trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi);

- Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học online, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó, hoặc cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;

- Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), hoặc giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học phổ thông.

(Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn)

Cá nhân người viết cho rằng, những nội dung chỉ đạo của Bộ Giáo dục về quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp còn chưa rõ ràng vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Theo Công văn này, Bộ Giáo dục tinh giảm nội dung, bài học mà vẫn giữ nguyên số tiết nên đa số các nhà trường không thực hiện quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp. Nếu lãnh đạo quy đổi thì tổng số tiết dạy của giáo viên sẽ vượt định mức, không đủ ngân sách chi trả tiết dư.

Thứ hai, nội dung “nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học online, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi…”, cũng chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục.

Bởi, tổ trưởng chuyên môn là người xây dựng kế hoạch, đã được giảm 3 tiết/tuần và hưởng phụ cấp 0,25% tiền lương theo quy định thì sao còn được quy đổi? Có giáo viên được giao nhiệm vụ dạy trên truyền hình nhưng hiệu trưởng cũng không biết quy đổi ra tiết dạy trực tiếp thế nào cho đúng.

Một nhóm giáo viên dạy môn Tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, thầy cô có tham gia ghi hình tiết dạy trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV). Sau đó, hiệu trưởng quy ngày công làm việc theo quy chế chi tiêu nội bộ (theo tìm hiểu của tôi, quy chế chi tiêu nội bộ nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/ngày), phụ cấp tiền xăng xe, ăn sáng nhưng chẳng đáng là bao.

“Nhóm tôi tham gia ghi hình 2 tiết (35 phút/tiết) nhưng mất đến cả tuần soạn bài giảng. Nếu quy đổi, nhóm tôi đã bỏ ra khoảng 50 tiết (45 phút/tiết) nhân cho 3 giáo viên. Tính trung bình, hệ số lương của nhóm tôi khoảng 100 ngàn đồng/tiết, như thế phải nhận tiền thừa giờ khoảng 15 triệu đồng mới đúng”, cô giáo một trường trung học cơ sở chia sẻ.

Thứ ba, Công văn số 1366 yêu cầu, việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng Phòng Giáo dục hoặc Giám đốc Sở Giáo dục, theo tôi, quy trình này còn rườm rà. Tôi lấy ví dụ, ở Thành phố Hồ Chí Minh có 110 trường trung học phổ thông công lập. Giả sử tất cả các trường đều quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp cho khoảng 10 môn học thì mất bao lâu Giám đốc Sở Giáo dục mới duyệt xong?

Tôi cho rằng, chính nội dung này đang làm khó lãnh đạo các nhà trường, cho nên nhiều trường còn thơ ơ trong việc quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp cho giáo viên. Người viết hỏi nhiều giáo viên đồng nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thì được biết, hiện tại thầy cô vẫn chưa nghe hiệu trưởng triển khai quy đổi, mặc dù ngày 14/10/201, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo.

Thay lời kết

Từ năm học 2020-2021, khi ngành giáo dục một số địa phương triển khai dạy học trực tuyến vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người viết đã đề xuất, nên tính thời gian làm việc online cho giáo viên chủ nhiệm gấp rưỡi - 6 tiết/tuần thay vì 4 tiết/tuần; còn giáo viên bộ môn dạy 1 tiết online tính bằng 3 tiết dạy trực tiếp.

Nhiều giáo viên trải lòng, điều thầy cô mong muốn nhất là được quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp để giảm gánh nặng cho cả thầy và trò. Hiện tại, nhiều trường vẫn sắp thời khóa biểu 7-8 tiết/ngày (đối với trường học 2 buổi), mỗi tiết 45 phút khiến việc dạy và học quá căng thẳng.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, đa phần học sinh sử dụng điện thoại thông minh để học trực tuyến, các em phải nhìn vào màn hình cả ngày với những dòng chữ trình chiếu nhỏ xíu, dẫn đến nhức mắt, mỏi lưng, đau đầu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Để có cơ sở quy đổi tiết dạy trực tuyến ngang bằng với tiết chuẩn của giáo viên theo quy định, tôi đề xuất Bộ Giáo dục cần ra văn bản chỉ đạo cắt giảm số tiết/môn và quy định rõ thời gian dạy trực tuyến dao động từ 25 đến 30 phút, mỗi buổi chỉ học 3-4 tiết.

Giả sử, môn Ngữ văn lớp 12 có 105 tiết/năm, được tinh giảm khoảng 35 tiết, như thế việc dạy học chỉ còn lại 70 tiết, mỗi tiết học khoảng 30 phút là khá nhẹ nhàng. Giáo viên sử dụng số tiết giảm tải để đầu tư cho bài giảng, còn học sinh cũng có thêm thời gian chuẩn bị, các em sẽ khắc sâu kiến thức bài học hơn.

Điều tôi mong muốn nhất là Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn chi tiết quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp. Bởi, Bộ Giáo dục chậm quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp ngày nào, giáo viên và học sinh phải chịu thêm áp lực, mệt mỏi ngày đó.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-bieu-de-nghi-som-huong-dan-quy-doi-tiet-day-truc-tuyen-de-tinh-vuot-gio-post222246.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tiet-day-truc-tuyen-bang-bao-nhieu-tiet-day-binh-thuong-post208821.gd

https://www.giaoduc.edu.vn/quy-doi-gio-day-truc-tuyen-thanh-so-tiet-thuc-day-2021-2021.htm

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-truong-tho-o-voi-viec-quy-doi-tiet-day-online-cua-giao-vien-post209166.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương