Dạy song song trực tiếp, trực tuyến cách này sẽ "ngon - bổ - rẻ"

01/03/2022 06:35
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không để bỏ sót học sinh trong dịch bệnh, học sinh bị bệnh vẫn được học, vì vậy, dạy và học trực tuyến vẫn là giải pháp tối ưu hiện nay.

Chuyện giáo viên vất vả dạy trực tuyến nhưng không được nhìn nhận đúng mức trong thời gian qua đã làm buồn lòng không ít thầy cô giáo.

Hi sinh, cống hiến vì học trò, cùng cả nước chống dịch, giáo viên sẵn sàng đồng cam, cộng khổ, thế nhưng hi sinh ấy, phải được công nhận, đánh giá đúng, đó là mong muốn chính đáng của giáo viên.

Ngày 22/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký.

Công văn 1366/BGDĐT-NGCBQLGD nhấn mạnh “hiệu trưởng các nhà trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi) để hưởng lương”.

Nghĩa là, một tiết dạy trực tuyến được quy đổi thành mấy tiết dạy trực tiếp là do hiệu trưởng mỗi trường trao đổi với tổ, nhóm chuyên môn từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên, không có công thức chung, đây chính là “kẽ hở” để các cơ sở giáo dục làm theo ý mình.

Trên thực tế, phần lớn các địa phương trên cả nước chưa thực hiện quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp để cho giáo viên được hưởng tăng tiết, nếu có, nhưng giáo viên cũng đành chịu.

Dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, tính tiết dạy cho giáo viên như thế nào?

Vấn đề mới lại phát sinh, khi học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp, những học sinh bị F0, ở nhà học trực tuyến, giáo viên cùng lúc dạy trực tiếp - trực tuyến.

Vì thế, giáo viên dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, tính tiết dạy cho giáo viên như thế nào?

Với hình thức dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, đang được người trong cuộc lên tiếng “Dạy song song cả trực tuyến lẫn trực tiếp, học sinh đều thiệt thòi”, “Dạy học kết hợp on-off, giáo viên, học sinh Hải Phòng xoay như chong chóng”, ”Một lớp giáo viên vừa phải dạy trực tiếp lẫn trực tuyến là bất khả thi”

Thế nhưng, với phương châm không để học sinh F0 bị bỏ rơi, việc dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến là giải pháp, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả.

Giáo viên dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, có hai hình thức. Thứ nhất, có phòng học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, giáo viên dạy bình thường, bài dạy của giáo viên được camera ghi hình, ghi âm, phát cho học sinh học trực tuyến.

Học sinh ở nhà học trực tuyến, giống như học sinh đang ngồi học trực tiếp trong phòng học, nhưng không tương tác với giáo viên.

Hình thức thứ hai, phải chuẩn bị bài dạy điện tử, kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp.

Với hình thức thứ nhất, giáo viên không hề phải chuẩn bị gì thêm ngoài những quy định trong quy chế dạy học trực tiếp bình thường, nên không thể đòi hỏi thêm chế độ.

Với hình thức thứ hai, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng điện tử, kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp, nhà trường cần phải có chế độ quy đổi tiết dạy, để đảm bảo công bằng, cũng như động viên giáo viên.

Mỗi tiết dạy như thế này, phải được quy đổi thành 04 tiết dạy bình thường mới hợp lý.

Tuy nhiên, người viết đề xuất, các cơ sở giáo dục không nên áp dụng hình thức thứ hai, vì làm như thế, cả thầy và trò đều rất mệt mỏi.

Làm sao dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến vẫn đảm bảo chất lượng và không phát sinh tăng giờ?

Không để bỏ sót học sinh trong dịch bệnh, học sinh bị bệnh vẫn được học, vì vậy, dạy trực tuyến, học trực tuyến vẫn là giải pháp hiện nay.

Việc dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến vẫn đảm bảo chất lượng và không phát sinh tăng giờ không phải không làm được, không phải bất khả thi, càng không phải cả thầy và trò đều thiệt thòi, nếu cán bộ quản lý muốn làm.

Phòng dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu

Phòng dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu

Tất cả các cơ sở giáo dục hiện nay đều có phòng máy tính kết nối mạng, học sinh đã học trực tuyến, nên thiết bị đầu cuối không còn phải lo.

Mỗi khối lớp, cần có ít nhất 01 phòng dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, chỉ cần 01 bộ máy tính để bàn kết nối mạng, 01 bộ loa (có sẵn ở phòng máy nhà trường, chỉ cần chuyển đến, lắp ráp), 01 bộ camera, vài chục mét dây cáp, chúng ta đã giải quyết được cơ sở hạ tầng tối thiểu để dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến.

Gắn camera vào màn hình, đặt màn hình lên bàn giáo viên, điều chỉnh camera thu được 3/4 bảng, giáo viên sẽ viết, vẽ… vào khu vực bảng này, quá trình giáo viên dạy sẽ được thu, phát cho học sinh học trực tuyến. Học sinh có thể tương tác với giáo viên khi cần, chỉ cần bật mic và trao đổi với giáo viên qua loa.

Giáo viên vừa dạy trực tiếp, trực tuyến, nhưng không phát sinh thêm bất cứ sự chuẩn bị nào, học sinh bị F0 vẫn ở nhà tham gia học bài được, không phải lo thêm chuyện tăng giờ.

Bộ camera mà Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu đã lắp đặt có giá 1.000.000 đồng/bộ, 4 tháng nay vẫn chạy tốt.

Với sự chuẩn bị này, tất cả học sinh F0, học sinh có biểu hiện ho, sốt, đều có thể học trực tuyến, đảm bảo tiến độ học tập cho học sinh và phòng chống dịch Covid-19 trong trường học.

Nếu trong phòng dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến có ti vi thông minh, giáo viên có thể thấy được hình ảnh bài dạy trực tuyến của mình dưới góc nhìn của học sinh, để điều chỉnh vị trí viết cho phù hợp.

Thực tế, người viết đã dạy hơn 10 tiết tại phòng học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, có ti vi thông minh, chất lượng bài dạy trực tuyến, trực tiếp không bị ảnh hưởng, khai thác tư liệu dạy học, tiết dạy càng sinh động hơn.

Tuy nhiên vẫn có trở ngại không thể tránh khỏi, ví dụ em A. học lớp 9 B, nay phải học trực tuyến với lớp 9 C và ngược lại, sẽ có trở ngại nhất định, nhưng không đáng kể.

Cùng mô hình này, Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đã được cựu học sinh tài trợ 03 phòng học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, ngoài tivi thông minh có sẵn, mỗi phòng trang bị camera, loa… với kinh phí 7 triệu đồng/phòng.

Em Lê Hà (đã đổi tên nhân vật), học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, bị ho, sốt, ở nhà học trực tuyến, chia sẻ: “Do bị ho, sốt, em ở nhà học trực tuyến, nhưng cảm giác như đang ngồi học trong lớp cùng các bạn, nên tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.

Em có thể trao đổi, tương tác với thầy cô và các bạn, em thấy học trực tuyến với thầy cô đang dạy trực tiếp trên bảng vui hơn so với học trực tuyến trước đây”.

Dịch Covid-19 chưa có hồi kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể về giải pháp thực hiện, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến có hiệu quả, cũng như đề xuất gói đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ sở giáo dục.

Nếu có được chỉ đạo, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có kinh phí đầu tư phù hợp, tôi tin rằng, hình thức dạy học trực tiếp - trực tuyến sẽ là giải pháp tốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến