Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 6, 7, 10; năm học 2023-2024 đối với 6, 7, 8, 11; năm học 2024-2025 đối với toàn bộ học sinh.
Thông tư mới này có rất nhiều điểm mới tiến bộ, phù hợp với việc nhận xét, đánh giá học sinh hiện nay theo xu hướng tiến bộ của thế giới.
Ảnh minh họa - Thùy Linh |
Gần cuối năm học có nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh thắc mắc về việc lên lớp, kiểm tra lại,....
Trong phạm vi bài viết xin được nêu cụ thể về số lượng môn học, quy định đánh giá và quy định việc học sinh lưu ban (ở lại), thi lại,… theo Thông tư mới.
Các môn học ở trung học cơ sở và trung học phổ thông theo chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm các môn học, hoạt động như sau:
Nội dung giáo dục cấp trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo môn
Tại khoản 1 - Điều 9. Đánh giá kết quả học tập của học sinh
“1. Kết quả học tập của học sinh theo môn học
a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét trong một học kì, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
Mức Đạt: Có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư này và tất cả các lần được đánh giá mức Đạt.
Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Đối với việc đánh giá cả năm học, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
Mức Đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Đạt.
Mức Chưa đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Chưa đạt.
b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số
- Điểm trung bình môn học kì (sau đây viết tắt là ĐTBmhk) đối với mỗi môn học được tính như sau:
ĐTBmhk = |
TĐĐGtx + 2 x ĐĐGgk + 3 x ĐĐGck |
Số ĐĐGtx+ 5 |
TĐĐGtx: Tổng điểm đánh giá thường xuyên.
- Điểm trung bình môn cả năm (viết tắt là ĐTBmcn) được tính như sau:
ĐTBmcn = |
ĐTBmhkI + 2 x ĐTBmhkII |
3 |
ĐTBmhkI Điểm trung bình môn học kì I.
ĐTBmhkII: Điểm trung bình môn học kì II.”
Tại điểm này Thông tư mới quy định tính điểm trung bình môn học kỳ, cả năm giống quy định hiện hành.
Về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo học kỳ, năm học
Khoản 2 – Điều 9. Đánh giá kết quả học tập của học sinh nêu rõ:
“2. Kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, ĐTBmhk được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kì, ĐTBmcn được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
a) Mức Tốt: - Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. - Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 8,0 điểm trở lên.
b) Mức Khá: - Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. - Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 6,5 điểm trở lên.
c) Mức Đạt: - Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt. - Có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.
d) Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
3. Điều chỉnh mức đánh giá kết quả học tập Nếu mức đánh giá kết quả học tập của học kì, cả năm học bị thấp xuống từ 02 (hai) mức trở lên so với mức đánh giá quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này chỉ do kết quả đánh giá của duy nhất 01 (một) môn học thì mức đánh giá kết quả học tập của học kì đó, cả năm học đó được điều chỉnh lên mức liền kề."
Theo đó, điểm mới của Thông tư trên với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, chỉ tính điểm trung bình theo từng môn học mà không yêu cầu cộng điểm trung bình của tất cả các môn như trước đây (theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, học sinh sẽ được xếp loại học lực học kỳ, cả năm căn cứ theo điểm trung bình các môn học, trong đó điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ, cả năm của các môn học đánh giá bằng điểm số).
Quy định này hay, tiến bộ ở việc không cần tính điểm trung bình chung tất cả các môn, không phân biệt môn chính, môn phụ, đánh giá không còn loại kém, yếu, không so sánh học sinh này với học sinh khác…
Bỏ phân biệt môn chính, môn phụ theo tôi là một tiến bộ lớn nhất của Thông tư trên, sẽ hạn chế được việc coi trọng môn, cũng như có thể hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Bỏ môn chính, môn phụ sẽ tiến tới không còn phân biệt môn chính, môn phụ, hạn chế học lệch.
Chỉ có hai trường hợp học sinh ở lại lớp hẳn
Điều 12. Được lên lớp, đánh giá lại trong kì nghỉ hè, không được lên lớp quy định:
“1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông:
a) Kết quả rèn luyện cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại sau khi rèn luyện trong kì nghỉ hè theo quy định tại Điều 13 Thông tư này) được đánh giá mức Đạt trở lên.
b) Kết quả học tập cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại các môn học theo quy định tại Điều 14 Thông tư này) được đánh giá mức Đạt trở lên.
c) Nghỉ học không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ học có phép và không phép, nghỉ học liên tục hoặc không liên tục).
Như vậy chỉ có 2 trường hợp học sinh sẽ ở lại lớp hẳn khi nghỉ quá 45 ngày, và cả kết quả học tập và kết quả rèn luyện đều xếp loại chưa đạt.
Quy định mới đã bỏ việc học sinh có điểm trung bình dưới 2,0 phải ở lại hẳn (loại kém).
Dựa trên quy định Thông tư trên, người viết thống kê các trường hợp cụ thể kết quả tập xếp loại chưa đạt sau:
Có từ 2 môn nhận xét (trong các môn Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) xếp loại chưa đạt;
Có từ 07 (bảy) môn có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 5,0;
Có bất kỳ môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình dưới 3,5. Ngoại trừ các trường hợp ở lại hẳn thì học sinh nếu chưa đạt sẽ được thi lại, nếu đạt sẽ được lên lớp.
Quy định về kiểm tra lại
Điều 14. Kiểm tra, đánh giá lại các môn học trong kì nghỉ hè nêu rõ:
“Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có ĐTBmcn dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số).
Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho kết quả học tập cả năm học của môn học đó để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.”
Quy định mới này sẽ hạn chế trường hợp ở lại, kiểm tra lại nhưng nếu thuộc trường hợp kiểm tra lại thì các môn đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét có điểm trung bình dưới 5,0 phải kiểm tra lại, sau kiểm tra lại đánh giá kết quả học tập xếp loại Đạt thì được lên lớp.
Trên đây là những quy định về đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, lên lớp, thi lại,… của Thông tư mới đánh giá, xếp loại học sinh mới nhất mà giáo viên nên biết để áp dụng cho học sinh chương trình giáo dục phổ thông mới.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.