Vì sao đánh giá học sinh chương trình mới không còn điểm trung bình cả năm?

02/05/2022 06:55
Nhật Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ cần tính điểm trung bình của từng bộ môn mà không cần điểm trung bình học kỳ, cả năm là điều đúng đắn.

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021.

Thông tư này được áp dụng từ năm 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10; từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12.

Ảnh minh họa - K.O

Ảnh minh họa - K.O

Thông tư mới không còn tính điểm trung bình học kỳ, cả năm

Hiện nay, đối với các lớp từ 7 đến lớp 12 học sinh được đánh giá theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với các môn học sẽ có tính điểm trung bình môn học kỳ, trung bình bộ môn cuối năm học.

Thông tư này quy định học lực được xếp thành 5 loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Theo đó, quy định Điểm trung bình các môn học kỳ (ĐTBhk) là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ của các môn học đánh giá bằng điểm số; Điểm trung bình các môn cả năm học (ĐTBcn) là trung bình cộng của điểm trung bình cả năm của các môn học đánh giá bằng điểm số.

Dựa vào điểm trung bình học kỳ, năm học sẽ đánh giá học lực của từng học sinh.

Ví dụ như để đạt danh hiệu học sinh giỏi phải đảm bảo các tiêu chí sau:

“Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;

Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;

Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ”

Tuy nhiên, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đang được áp dụng cho lớp 6 năm học này và lớp 7, 10 năm học 2022-2023 có rất nhiều điểm mới so với hiện hành.

Về đánh giá học sinh sẽ đánh giá kết quả học tập và rèn luyện mà không còn khái niệm đánh giá học lực và hạnh kiểm.

Bên cạnh đó về đánh giá kết quả học tập đã không còn điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn năm học.

Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Ví dụ như mức Tốt phải đảm bảo 2 tiêu chuẩn sau:

“Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt;

Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8 điểm trở lên.”

Thông tư 22 mới này có 2 điểm mới rất đáng chú ý về đánh giá kết quả học tập là không còn tính điểm trung bình học kỳ, không phân biệt môn chính, môn phụ.

Hy vọng khi áp dụng quy định này sẽ giải tỏa áp lực, học sinh sẽ tập trung vào học tất cả các môn, không còn khái niệm học lệch và hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân.

Vì sao không còn tính điểm trung bình học kỳ, trung bình năm học?

Khi Thông tư 22 được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến thắc mắc của nhiều người vì sao bỏ tính điểm trung bình chung cho học sinh khi nó đã tồn tại hàng chục năm qua, một số ý kiến vẫn cho rằng nên có điểm trung bình chung để đánh giá kết quả học tập chung của học sinh tốt hơn, định lượng được trung bình kết quả của từng bộ môn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đánh giá học sinh theo chương trình mới không còn tính điểm trung bình học kỳ, trung bình cả năm là quy định hợp lý, phù hợp định hướng đổi mới chương trình và phù hợp xu thế đánh giá của thế giới.

Dưới đây là 2 nguyên nhân mà người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không tính điểm trung bình học kỳ, trung bình năm học là hợp lý vì:

Thứ nhất, quy định không so sánh học sinh với nhau

Theo đó, sắp tới đây chỉ còn đánh giá học sinh theo kết quả rèn luyện, học tập của từng học sinh mà không so sánh học sinh này với học sinh khác, không xếp hạng học sinh.

Cụ thể tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 22 yêu cầu đánh giá có quy định “4. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.”

Và tại Điều lệ trường Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) nêu tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 quy định việc kiểm tra, đánh giá học sinh cấp 02 và cấp 03 phải được thực hiện theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và bảo đảm: không so sánh học sinh này với học sinh khác; không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh;…

Không tính điểm trung bình học kỳ, trung bình cả năm các em chỉ còn được đánh giá, xếp loại mà không còn so sánh với nhau và không xếp hạng I, II,… như quy định trước đây cũng giảm áp lực phần nào cho các em.

Điều này là phù hợp, hướng đến học sinh cố gắng trong học tập và rèn luyện vượt qua bản thân mà không so sánh học hơn bạn nào trong lớp, trong trường.

Thứ hai, phù hợp với việc đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất

Có thể hiểu mỗi môn học trong chương trình mới có năng lực, phẩm chất đặc thù riêng, học sinh có thể có năng lực tốt ở bộ môn này mà chưa tốt ở môn khác là điều hết sức bình thường trong giáo dục.

Do đó, chỉ cần tính điểm trung bình của từng bộ môn mà không cần điểm trung bình học kỳ, cả năm là điều đúng đắn.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 22 có nhiều điểm mới như: đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.

Quy định về thời gian làm bài kiểm tra: Theo đó, thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không tính số tiết của cụm chuyên đề học tập): từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút; trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; môn chuyên tối đa 120 phút.

Thay đổi về quy định điều kiện được lên lớp của học sinh: Thông tư 22 quy định, học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm: kết quả học tập và rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên; nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).

Trên đây là những điểm mới của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 mới trong đó có nguyên nhân vì sao không còn tính điểm trung bình học kỳ, trung bình cả năm giáo viên và học sinh nên biết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nhật Khoa