Không còn môn chính-môn phụ, không còn học sinh yếu kém sau Thông tư 22

23/08/2021 06:54
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với một đứa trẻ thì mọi năng lực ở các môn học đều có vai trò quan trọng. Học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đều phải được giáo dục phát huy năng khiếu đó.

Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với rất nhiều điểm mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/9, ngay với lứa học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022.

Bỏ tính điểm trung bình tất cả môn ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, thay vì được xếp loại giỏi, khá theo điểm trung bình tất cả môn, học sinh sẽ được xếp loại tốt, khá, đạt, chưa đạt theo tiêu chí khác; nhiều môn học không chấm điểm.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên dạy môn Toán Trường trung học Vinschool, thầy Bảo chia sẻ:

“Với góc độ là một giáo viên dạy bậc Trung học phổ thông, tôi thấy hiện tại chương trình Giáo dục phổ thông có sự thay đổi lớn chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá theo năng lực, phẩm chất, có nghĩa học sinh làm được gì sau một tiết học, sau một chương trình học, sau một học kỳ, sau một năm học?

Như vậy, học sinh nên được đánh giá là đạt hay chưa đạt, đạt thì đạt ở mức độ nào? Mục tiêu dạy học của từng môn và mục tiêu rèn luyện của cả học kì, cả năm học. Sự thay đổi đánh giá như vậy sẽ dẫn đến một loạt những thay đổi trong đánh giá từng môn học và đánh giá tổng thể học sinh”.

Theo thầy Bảo: "Với cách đánh giá mới, giáo viên có những phần nhận xét bên cạnh điểm số, học sinh sẽ nhận ra mình tiến bộ như thế nào, có điểm mạnh nào, cần phải khắc phục điều gì để tiến bộ hơn". Ảnh: NVCC.
Theo thầy Bảo: "Với cách đánh giá mới, giáo viên có những phần nhận xét bên cạnh điểm số, học sinh sẽ nhận ra mình tiến bộ như thế nào, có điểm mạnh nào, cần phải khắc phục điều gì để tiến bộ hơn". Ảnh: NVCC.

Thầy Bảo cho biết: “Có thể thấy, Thông tư 22 mang tính nhân văn, vì sự tiến bộ của người học, mang tính giáo dục cao chứ không mang tính quy kết. Đánh giá là cần thiết tham gia trực tiếp vào quá trình dạy học, nó mang tính khuyến khích các em nỗ lực cố gắng hơn chứ không phán xét học sinh.

Theo tôi, một học sinh có một môn học nào đó kỳ này chưa đạt nhưng nếu cố gắng thì kỳ sau sẽ đạt, năm nay chưa đạt thì năm sau vẫn có cơ hội thay đổi để có thể đạt được. Học sinh không bị quy kết là yếu hay kém môn nào vì bị điểm dưới trung bình, mà hiểu rằng mình chưa đáp ứng được yêu cầu đạt của môn học vì những lý do nhất định, sẽ cần phải khắc phục để đáp ứng các yêu cầu này trong thời gian tới.

Đánh giá mang tính nhân văn vì sự tiến bộ của học sinh rất quan trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở. Ở giai đoạn này, các con đang trải qua thời kỳ tuổi dậy thì với sự thay đổi mạnh mẽ, phức tạp về tâm sinh lý. Một sự đánh giá quy kết không khéo cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đã từng có nhiều ví dụ về học sinh suy nghĩ tiêu cực, thậm chí dẫn đến hành động “tiêu cực” chỉ vì một điểm kém.

Với cách đánh giá mới, giáo viên có những phần nhận xét bên cạnh điểm số, học sinh sẽ nhận ra mình tiến bộ như thế nào, có điểm mạnh nào, cần phải khắc phục điều gì để tiến bộ hơn. Và những bạn đạt điểm thấp cũng sẽ nhận ra vì sao mình bị điểm thấp, cần phải làm gì để có thể khắc phục được điểm số này trong những bài kiểm tra sau.

Học sinh cũng nhận ra rằng mình chưa đạt yêu cầu gì của bài kiểm tra để cố gắng hơn chứ không phải bị quy kết gì về mặt năng lực, phẩm chất để dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực. Qua nhận xét của giáo viên, học sinh có động lực cố gắng hơn trong quá trình học tập”.

Xóa bỏ tâm lý môn chính, môn phụ

Theo thầy Bảo: “Một điểm khá hay là không phân biệt môn chính môn phụ, phát huy tối đa các năng lực, phẩm chất của học sinh. Đối với một đứa trẻ thì mọi năng lực ở các môn học đều có vai trò quan trọng. Học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đều phải được giáo dục phát huy năng khiếu đó.

Ví dụ: Lương một cầu thủ bóng đá gấp bao nhiêu lần lương một người giỏi Toán hay Văn, có những ca sĩ có mức thu nhập một đêm diễn bằng cả tháng thu nhập của người giỏi Tiếng Anh. Thế nên, mọi cái tiềm năng của học sinh đều nên được tôn trọng và phát huy. Thông tư đánh giá mới đang theo đúng tinh thần như vậy”.

Để đạt mức Tốt, học sinh cần phải đạt 6/8 môn có điểm trung bình từ 8,0 trở lên, không phân biệt môn học nào, các môn còn lại đạt trên 6,5 và được đánh giá đạt ở các môn không đánh giá điểm. Một số ý kiến cho rằng yêu cầu này là “dễ hơn” cho học sinh so với thông tư cũ. Nhưng khi các giáo viên thực hiện theo thông tư thì yêu cầu này cũng không hề dễ dàng?

Về vấn đề này, thầy Bảo chia sẻ: “Theo lối đánh giá cũ lấy Toán, Văn, Tiếng Anh làm trọng, dẫn đến không ít phụ huynh cho rằng cần phải tập trung vào các môn “chính”, các môn “phụ” có thể học vừa phải thôi. Thậm chí có ý kiến đề nghị giáo viên các môn này cho ít bài tập thôi để các con tập trung vào các môn chính. Một số giáo viên dạy những môn có ít tiết trên tuần bị coi là môn “phụ” chịu ảnh hưởng các quan điểm của xã hội, áp lực từ phía phụ huynh, cũng có những tư tưởng “mặc cảm” về môn học của mình nên khá dễ dãi khi cho điểm.

Nhưng với thông tư này, tầm quan trọng của các môn sẽ đều, tôi nghĩ rằng các thầy cô đều có sự công bằng đối với các môn, có sự đánh giá quan trọng như nhau đối với học sinh. Để đạt điểm giỏi các môn Sử, Địa cũng khó như đạt điểm giỏi môn Toán, Văn. Mọi môn học đều có khả năng đóng góp vào sự thành công của học sinh sau này. Đánh giá theo quan điểm mới sẽ hợp lý hơn so với mục tiêu giáo dục. Quan trọng nhất là học sinh có quyền lựa chọn những năng lực là ưu thế của mình để tập trung phát triển”.

Giáo viên vất vả 1 phần, nhưng sau lại nhàn được 3 phần

Thầy Bảo nhận định: “Một điểm quan trọng của thông tư này là đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với một số môn học. Cùng một điểm số nhưng lời nhận xét của giáo viên bên cạnh điểm số đó có thể rất khác nhau.

Ví dụ, cùng đạt điểm 8, nhưng đối với học sinh A, giáo viên có lời nhận xét “Con cần tính toán cẩn thận và trình bày chặt chẽ hơn”, lý do học sinh A trước đó luôn đạt điểm 9, 10 điểm. Còn với học sinh B, giáo viên nhận xét “Con có nhiều tiến bộ, cần cố gắng hơn dạng bài chứng minh”. Những nhận xét này là vì trước đó học sinh B luôn đạt 5, 6 điểm. Để làm được điều này, giáo viên cần có sự am hiểu sâu sắc hơn, cũng như quá trình rèn luyện, tiến bộ của từng học sinh. Chính vì thế, quan điểm đánh giá này cũng hỗ trợ tích cực dạy học phân hóa”.

Học sinh lớp thầy Bảo trong giờ học Toán. Ảnh minh họa: NVCC.
Học sinh lớp thầy Bảo trong giờ học Toán. Ảnh minh họa: NVCC.

Có giáo viên cho rằng theo cách đánh giá mới, thầy cô sẽ vất vả hơn vì trước đây chỉ cần chấm điểm, còn bây giờ ngoài chấm điểm lại còn phải thêm phần nhận xét, đánh giá học sinh nữa. Như vậy có phải thêm việc?

Thầy bảo nói: “Trước mắt có thể thấy giáo viên vất vả hơn, nhưng nhìn về tổng thể, lâu dài để phục vụ mục tiêu dạy học cũng như công việc của mình, muốn làm tốt việc đánh giá này tuy vất vả một phần, nhưng giáo viên sẽ được “nhàn” hơn hai, ba phần. Khi giáo viên đánh giá bằng điểm kèm nhận xét bằng lời thì bản thân học sinh cũng thấy được sự tiến bộ của mình so với trước hoặc là thấy được nhược điểm của mình nếu như mà bị mắc phải.

Phụ huynh khi nhìn vào nhận xét của thầy cô cũng nhận ra những ưu nhược điểm của con em mình, họ sẽ là người hỗ trợ phối hợp với giáo viên để nhắc nhở con, cùng với con khắc phục để tiến bộ hơn. Có những gia đình thuê gia sư hỗ trợ con học thì gia sư có thể tham khảo lời đánh giá của thầy cô để hỗ trợ tốt hơn cho học sinh. Như vậy, giáo viên cũng đã “lôi kéo” cả học sinh và phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá, giáo dục học sinh. Điều này cũng hướng đến việc đa dạng hóa các đối tượng tham gia vào các quá trình đánh giá học sinh.

Đánh giá chi tiết hơn cho mỗi học sinh thì sẽ vất vả hơn, nhưng so với việc nếu không đạt được mục tiêu dạy học của mình ban đầu, giáo viên sẽ phải dạy đi dạy lại, phải “bơi” một mình sẽ vất vả hơn rất nhiều so với việc có sự chủ động khắc phục, cố gắng của học sinh cùng với sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía gia đình. Trước mắt, giáo viên vất vả một phần nhưng thu lại được hai, ba phần “nhàn” hơn sau này.

Sự tiến bộ của mỗi học sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, ngoài sự giáo dục, dạy dỗ của thầy cô còn có bản thân học sinh, sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè, nhà trường, cộng đồng… Giáo viên không phải siêu nhân mà phải gánh hoàn toàn trách nhiệm như phụ huynh thường kỳ vọng “Trăm sự nhờ thầy”.

Ngoài ra, thực hiện theo tinh thần thông tư, đánh giá được thực hiện liên tục trong quá trình giảng dạy của giáo viên, giáo viên nhận những phản hồi từ phía học sinh để kịp thời điều chỉnh phương pháp, cách thức dạy học phù hợp hơn với học sinh. Qua đánh giá có sự nhận xét, khuyến khích của giáo viên, học sinh luôn có niềm tin và động lực để cố gắng hơn trong rèn luyện và học tập. Đó chính là sứ mệnh của đánh giá trong giáo dục”.

Tùng Dương