Ngày 9/6, Đại học Huế phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học trong nước và đối tác của Vương quốc Bỉ tổ chức hội thảo về quản trị và tự chủ đại học: “bàn về quản trị và tự chủ đại học sau Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP”.
Thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học
Tham gia hội thảo có một số chuyên gia từ đại học Ghent (Bỉ), đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, lãnh đạo Đại học Huế và một số cơ sở giáo dục đại học trong nước, các chuyên gia về giáo dục đại học và các cán bộ quản lý các đơn vị thành viên, trực thuộc và thuộc Đại học Huế.
Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Huế chia sẻ về những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Ảnh: AN |
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Huế thì hội thảo nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học.
Nhất là từ sau khi các văn bản Luật số 34/2018/QH14 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành thì các chuyên gia cũng đã tiến hành thảo luận những vấn đề về tự chủ đại học. Trong đó phân tích và làm sáng tỏ một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ theo tinh thần Luật số 34 và Nghị định 99, nhất là trong cách hiểu, tư duy và sự chưa đồng bộ của các luật, nghị định chuyên ngành khác.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đã đề xuất ý tưởng, giải pháp thực hiện tự chủ đại học tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
“Hội thảo lần này đã kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo và nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu cả chiều sâu lẫn chiều rộng trong lĩnh vực quản trị và tự chủ đại học trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay”, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho biết.
Tự chủ đại học ngày càng mở rộng
Theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong những năm qua, chính sách về giáo dục đại học đã có sự dịch chuyển theo hướng mở rộng dần quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: AN |
Cụ thể, năm 2003, Thủ tướng ban hành điều lệ trường đại học, trong đó cho phép trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2005, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, trong đó trao quyền tự chủ về chương trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức bộ máy, quản lý nguồn lực, hợp tác phát triển.
Sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/2006/NQ-CP, cho phép các trường đổi mới cơ chế quản lý sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ.
Năm 2006, Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 296/CT-TTg chủ trương xây dựng hoàn thiện văn bản về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng. Cũng trong năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí.
Năm 2012, Luật Giáo dục Đại học ra đời, quy định tự chủ trong tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đảm bảo chất lượng giáo dục..,
Năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW ra đời, yêu cầu phát huy vai trò của hội đồng trường, tăng cường hoạt động giám sát nhà nước.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44/NQ-CP về tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP cho phép cơ sở giáo dục công lập khi cam kết bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập có đủ điều kiện, cam kết tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
Năm 2018, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tăng cường sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục...
Để minh chứng cho việc thay đổi chính sách về giáo dục đại học, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy đã đưa hai mốc thời gian để có sự so sánh.
“Trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW thì quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế.
Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa kiện toàn bộ máy quản trị trong điều kiện thực hiện tự chủ, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện.
Sau Nghị quyết 29 thì quyền tự chủ toàn diện được thúc đẩy. Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp lao động, bố trí và tuyển dụng lao động, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu.
Từ đó, đổi mới và mở rộng các hình thức đào tạo để tăng nguồn thu cho nhà trường, hỗ trợ cho tăng cường cơ sở vật chất nhà trường. Qua đó, giúp tăng thu nhập cho người lao động.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng đã quy định mức chi cho hoạt động thường xuyên, từ đó việc sử dụng kinh phí tiết kiệm và hiệu quả hơn, tạo điều kiện để tích lũy cho đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã được chú trọng, rồi xếp hạng quốc tế đã được cải thiện”, Tiến sĩ Huy cho hay.