Thay đổi cơ chế chủ quản, đổi mới chính sách để tự chủ đại học đi vào thực tiễn

25/12/2021 06:41
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục tiêu tự chủ đại học đạt được khi đổi mới đồng bộ các công cụ chính sách, thay đổi cơ chế bộ chủ quản từ trực tiếp lãnh đạo, quản lý sang giám sát, đánh giá.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giảng viên cao cấp - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải cho rằng, chính sách tự chủ đại học đã được hoạch định, xây dựng thực hiện trong thời gian vừa qua và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tự chủ đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải, thực tiễn thực hiện chính sách tự chủ đại học hiện nay còn nhiều hạn chế, khó khăn. Là một chuyên gia chính sách công, theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải: Thực hiện chính sách tự chủ đại học hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là do nhận thức về tự chủ đại học còn chưa có sự thống nhất. Dù có chuyển biến trong nhận thức về vai trò của tự chủ đại học trong lĩnh vực giáo dục và cả hệ thống chính trị cũng như xã hội, tuy nhiên quan điểm và tư duy về tự chủ đại học vẫn còn chưa thống nhất.

Bản thân các cơ sở giáo dục đại học cũng còn những cách hiểu khác nhau về tự chủ, về hệ thống và phương thức quản lý, hay quan điểm xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản cũng còn chưa đồng nhất. Điều này là bình thường bởi vì các quan điểm và ý kiến xuất phát từ lợi ích chính sách, ngay các cơ sở giáo dục còn hưởng lợi từ cơ chế bộ chủ quản.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn nặng về cách tiếp cận từ góc độ phân bổ tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa quản lý theo định hướng kết quả, có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải cho rằng, tự chủ đại học hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải cho rằng, tự chủ đại học hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Nguyên nhân thứ hai là mối quan hệ nhà nước – các đại học chưa được nghiên cứu đầy đủ. Mối quan hệ giữa bộ chủ quản và các trường đại học còn khá nhiều hạn chế, vẫn còn tồn tại cơ chế xin cho, công tác cán bộ và quản lý tiếp cận từ trên xuống. Mối quan hệ này cần được thay đổi: sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thực hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong hội đồng trường.

Nguyên nhân thứ ba là do bất cập công cụ chính sách pháp luật thực hiện tự chủ đại học. Cụ thể, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với mục tiêu tự chủ đại học.

Ví dụ, thực tiễn là Luật Giáo dục đại học điều chỉnh hoạt động của các đại học, tuy nhiên hoạt động đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,…

Các công cụ chính sách cho việc thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể như về tự chủ tổ chức, nhiều trường đại học chưa chủ động ban hành các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể đơn vị sự nghiệp trong các đại học (đã được quy định điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học). Hiện nay, chưa có sự độc lập dân chủ lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành cũng như quyết định thời hạn nhiệm kỳ của người đó không được đảm bảo trong các trường đại học của Việt Nam.

Về tự chủ tài chính, còn nhiều rào cản do thiếu đồng bộ trong các quy định của các luật hay sự nhầm lẫn ‘tự chủ’ đồng nghĩa với ‘tự lo’.

Khả năng tự chủ tài chính của các trường công lập tự chủ còn thấp; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học còn chưa rõ ràng. Tiềm lực tài chính của nhiều cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách ít ỏi của Nhà nước và từ thu học phí là chủ yếu mà chưa có sự tìm tòi, đa dạng hóa nguồn thu cũng như huy động được tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường công lập còn vướng mắc do phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và định mức quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Về tự chủ quản lý nguồn nhân lực, hiện còn vướng mắc về việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản.

Về tự chủ học thuật, theo quy định của luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng quyền tự chủ cao của các đơn vị. Nhiều chính sách liên quan đến các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng,… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật 34.

Nguyên nhân thứ tư là năng lực thực hiện tự chủ của đa số cơ sở giáo dục đại học còn yếu. Nhận thức về vai trò, chức năng của hội đồng trường trong hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học còn chưa được đề cao; thiết chế hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả.

Nguyên nhân thứ năm là do không rõ về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Trách nhiệm giải trình - một nội dung quan trọng của tự chủ đại học chưa được thật sự quan tâm làm sáng tỏ từ phía quản lý nhà nước đến các đại học, nhất là mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo và mức thu học phí.

PV: Ông có đề xuất gì đối với việc đổi mới chính sách tự chủ đại học hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải: Đổi mới các công cụ chính sách tự chủ đại học là vấn đề cấp thiết quan trọng hiện nay. Cần xây dựng đầy đủ hệ thống pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của văn bản. Để làm được điều này, cần rà soát các luật sau: Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền đối với việc thực hiện tự chủ. Bởi thực tế, việc quản lý hệ thống vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị chủ sở hữu nhà trường; sự phối hợp trong quản lý vẫn mang tính hình thức do chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ sở hữu.

Một điều quan trọng là cần tăng cường hiệu lực các công cụ chính sách đối với tự chủ đại học đều ở cả 4 phương diện: Lãnh đạo tổ chức, tài chính, quản lý nguồn nhân lực, học thuật.

Về lãnh đạo tổ chức, cấp bách thay đổi cơ chế bộ chủ quản từ quản lý trực tiếp sang giám sát đánh giá, nhất là công tác cán bộ. Trường đại học với thiết chế hội đồng trường cần chủ động ban hành các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể đơn vị sự nghiệp theo Điều 16 Luật Giáo dục Đại học. Thể chế tổ chức cần làm rõ có sự độc lập dân chủ lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành cũng như quyết định thời hạn nhiệm kỳ của người đó.

Về tài chính, đồng bộ các quy định của các luật về tự chủ đại học trong quản lý tài chính về học phí, về đầu tư, cơ chế quản lý tài chính đối với các đại học, quản lý tài chính theo kết quả đầu ra, chuyển sang cơ chế đặt hàng. Cần áp dụng công cụ chính sách học phí theo giá đối với các đại học được tự chủ theo phương thức tính chi phí đào tạo theo định mức kinh tế xã hội theo hướng tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo đi đôi với trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo.

Cần quy định đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường công lập phù hợp với tự chủ đại học, giải quyết các vướng mắc theo pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Về quản lý nguồn nhân sự, để các đại học có quyền hoàn toàn tự chủ tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức. Các thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động của Luật Viên chức cần điều chỉnh theo tự chủ đại học.

Về học thuật, cần thiết để các đại học tự quyết định các ngành, lĩnh vực học thuật mà các đại học chuyên sâu với nguồn nhân lực tổ chức, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phù hợp. Phải tôn trọng chuyên môn học thuật của các đại học, do đó cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bỏ các hướng dẫn và chỉ thị ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và hoạt động quản lý đào tạo và quản lý cấp bằng, các dàn xếp cho hoạt động học thuật của trường.

PV: Cụ thể hơn, cần phải làm gì để tăng cường thực hiện chính sách tự chủ đại học Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải: Giải pháp xuất phát từ quan điểm của Nghị quyết 19/NQ-TW: “Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là cơ sở giáo dục công lập sang cơ chế tự chủ,, xã hội hóa, trước hết là cơ sở giáo dục công lập…Thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp”.

Theo tôi, để thực hiện tốt mục tiêu chính sách tự chủ đại học, có 4 giải pháp quan trọng cần lưu tâm.

Thứ nhất là truyền thông chính sách đầy đủ nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về chính sách tự chủ đại học. Cần nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị về việc thực hiện chính sách tự chủ đại học đóng góp tích cực thực hiện khâu đột phá mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các nhà quản trị đại học, cả phía cơ quan quản lý nhà nước và quản lý các trường đại học (hiệu trưởng, giám đốc, chủ tịch hội đồng trường) về chính sách tự chủ đại học có tính thứ bậc, những hành động chính sách ở mỗi một cấp độ có vai trò quan trọng hướng đến cung ứng dịch vụ giáo dục đại học chất lượng đạt hiệu quả và công bằng hơn.

Thứ hai là hoàn thiện pháp luật về tự chủ đại học. Sớm hoàn chỉnh pháp luật về tự chủ đại học, trong đó đổi mới quản trị đại học, giải quyết tốt mối quan hệ nhà nước – các trường đại học. Cần thiết đổi mới cơ chế lãnh đạo quản lý của bộ chủ quản đối với các trường đại học về công tác tổ chức lãnh đạo bộ máy, nhân sự, tài chính từ trực tiếp sang gián tiếp giám sát và đánh giá, dần tháo bỏ vai trò bộ chủ quản.

Cần nghiên cứu đánh giá hoàn thiện mô hình hội đồng trường hơn nữa, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, tối ưu hóa quản trị, quản lý đối với các đại học. Mục tiêu này đạt được chỉ khi có sự thoái vai trò bộ chủ quản từ trực tiếp quản lý thực hiện sang vai trò giám sát, đánh giá, và tăng cường dân chủ đại học, cụ thể bầu cử dân chủ lựa chọn người đứng đầu.

Thứ ba, cần tăng cường năng lực các đại học theo định hướng thực hiện tự chủ đại học.

Tăng cường năng lực hội đồng trường trong hoạt động quản trị các đại học, hội đồng trường cần dân chủ thành lập, cần tăng cường sự tham gia của các giảng viên và hoạt động thực chất, hiệu quả theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trong việc tự quản trị các đại học, trong mối quan hệ bên ngoài, thể chế hóa cơ chế phối hợp công tác giữa thiết chế này với cơ quan quản lý trực tiếp, các cơ quan chủ quản; cũng như bên trong các đại học: trong quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng/giám đốc và với đảng ủy và các tổ chức đoàn thể, chính trị khác.

Hội đồng trường cần nhận thức đầy đủ vai trò tự quản đại học, vị trí quyền hạn. Hội đồng trường cần chủ động xây dựng quy chế, quy định hoạt động nội bộ của các đại học. Các thành viên hội đồng trường cần có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò thành viên và nâng cao năng lực quản trị trường bởi vì đa số chưa có kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia hiệu quả đối với công tác quản trị các đại học.

Thứ tư là tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường đại học với nhà nước và xã hội, nhất là về mối quan hệ chất lượng giáo dục và mức học phí. Giải trình mức học phí cần thiết trên cơ sở định mức kinh tế xã hội. Cần các văn bản pháp luật quy định rõ nội dung, phương thức, hình thức đối tượng giải trình, tần suất giải trình. Mấu chốt là mọi hoạt động tự chủ của các đại học và chất lượng giáo dục phải được công khai minh bạch với nhà nước và công chúng.

Cần quy định rõ bắt buộc mọi thông tin của 4 mảng tự chủ phải đưa lên website của các đại học để công chúng tìm hiểu về hoạt động của các trường. Một nguyên tắc cơ bản của công khai minh bạch trong hoạt động là sự thể hiện rõ trách nhiệm của các trường đại học trước xã hội; ngoài ra cũng tăng khả năng giám sát của xã hội và các bên liên quan (giảng viên, cán bộ, viên chức, sinh viên, phụ huynh,…) đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải!

Phạm Minh