Trường đại học thực hiện tự chủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là đúng!

11/02/2022 09:32
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến nay mới có Luật Giáo dục đại học, Luật viên chức, Luật quản lý và sử dụng tài sản công là sửa kịp theo Nghị quyết 19/NQ-TW.

Hiện nay, cách hiểu về tự chủ đại học vẫn còn khác nhau. Ngày 07/02/2022, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nêu quan điểm trên báo Vietnamnet rằng: “Việc thực hiện các đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã được Thủ tướng phê duyệt theo Nghị quyết 77 phải bảo đảm không trái với các luật liên quan. Không nên và không thể hiểu tự chủ là tự quyết cả những vấn đề luật chưa cho phép”. [1]

Tuy nhiên, cách hiểu như trên cũng khiến nhiều ý kiến cho rằng chưa hợp lý vì hiện nay các văn bản pháp lý còn chồng chéo, chưa đồng nhất.

Xung quanh vấn đề tự chủ đại học, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 chỉ đạo các đơn vị liên quan phải chỉnh sửa các quy định pháp luật cũ cho đúng với tinh thần đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thì đã có một số văn bản luật liên quan đến hoạt động tự chủ đại học được chỉnh phù hợp, đã tạo một hành lang pháp lý mạnh hơn để các trường tiếp tục thực hiện hoạt động tự chủ.

Tuy nhiên, đến nay mới có Luật Giáo dục đại học, Luật viên chức, Luật quản lý và sử dụng tài sản công là sửa kịp theo Nghị quyết 19. Còn nhiều luật và văn bản dưới luật khác vẫn chưa sửa kịp.

“Rõ ràng, đối với một việc mới, khi pháp luật chưa đồng bộ thì việc Chính phủ cho thí điểm là điều cần thiết và đúng đắn. Bản thân Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng là văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trong quan điểm của Vụ trưởng đã gián tiếp cho rằng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ là không cần thiết và nội dung sai quy định của luật này luật khác mà chỉ cần làm theo các luật là đủ. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại không nghĩ vậy” – lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Theo quan điểm của lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, khi các luật chưa đồng bộ thì chưa thể thực hiện được nếu không có Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định cho thí điểm của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù Trung ương Đảng và Luật Giáo dục đại học đã có chủ trương và quy định cho làm.

Chưa kể, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cơ chế tự chủ cho các trường đại học đều liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan tham mưu chính. Nếu các Quyết định cho phép các trường đại học tự chủ ấy đã sai (trái với các luật) hoặc không còn phù hợp thì Bộ phải có trách nhiệm trước Chính phủ về công tác tham mưu cho đúng. Còn trong Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vụ nào phụ trách công việc này cũng phải chịu trách nhiệm chính.

“Xin nhắc lại quan điểm của Hiệp hội, việc có các Quyết định cho thí điểm tự chủ đại học là cần thiết và đúng đắn. Nếu cơ sở giáo dục đại học làm đúng với các Quyết định ấy là các nhà trường không sai”, lãnh đạo Hiệp hội khẳng định.

Lãnh đạo Hiệp hội còn cho rằng, vấn đề tự chủ đại học đang là chủ trương lớn, có liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan và cấp quản lý, nên khi thực hiện sẽ có đụng chạm về quyền lực và quyền lợi.

Vì vậy, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần có sự chỉ đạo tập trung của Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ. Để tránh những vướng mắc trong triển khai thực tế và cách hiểu về tự chủ đại học khác nhau thì Hiệp hội kiến nghị, Chính phủ cần khẩn trương ban hành một Nghị định riêng cho những trường thí điểm tự chủ để tránh mỗi người hiểu một kiểu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-giao-duc-tra-loi-nhung-vuong-mac-cua-tu-chu-dai-hoc-812681.html

Minh Ngọc