Lựa chọn tổ hợp môn chương trình 2018 rất "mở" nhưng về trường phải "đóng"

26/07/2022 06:20
NGUYÊN KHANG
GDVN- Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào số lượng chỉ tiêu tuyển sinh mà Sở Giáo dục giao, căn cứ vào nhân lực hiện có của nhà trường để xếp nhóm tổ hợp cho đơn vị.

Kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay rất đặc biệt so với các năm học trước đây vì năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục 2018 ở lớp 10 trên cả nước. Nếu như chương trình 2006, phần lớn các môn học đều là môn bắt buộc nhưng đến chương trình 2018 đã có những môn học, hoạt động bắt buộc và cũng có những môn học thuộc nhóm lựa chọn.

Chính vì vậy, chỉ riêng việc lựa chọn môn trong tổ hợp cũng khiến cho phụ huynh và học sinh rối rắm trong thời điểm đầu năm học bởi không phải học sinh nào thích môn nào là “lựa chọn” mà phần lớn học sinh phải lựa chọn theo tổ hợp mà nhà trường đã định sẵn.

Các tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn được nhà trường xây dựng sẵn (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Các tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn được nhà trường xây dựng sẵn

(Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Học sinh phải lựa chọn theo tổ hợp có sẵn mà nhà trường đã xây dựng từ trước

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban đầu ở cấp Trung học phổ thông sẽ gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.

Trong đó, có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương và hiện nay mới thêm môn Lịch sử.

Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Còn 5 môn học lựa chọn sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (trong nghệ thuật có Âm nhạc và Mĩ thuật).

Từ hướng dẫn của chương trình mới và đặc biệt là Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc triển khai thực hiện chương trình năm học 2022-2023 của Bộ nên trước khi kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra, các trường trung học phổ thông bắt buộc phải có kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho đơn vị mình.

Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường phải căn cứ vào số lượng chỉ tiêu tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo giao, căn cứ vào nhân lực hiện có của nhà trường để xếp nhóm tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn.

Sau đó, các trường trung học phổ thông sẽ đăng tải trên website của đơn vị, đồng thời gửi Kế hoạch tuyển sinh 10 của đơn vị mình đến các trường trung học cơ sở có thí sinh đăng ký dự tuyển để nhà trường định hướng cho học sinh của mình sau này chọn môn tổ hợp.

Khi kỳ thi tuyển sinh 10 có kết quả, những thí sinh trúng tuyển 10 sẽ căn cứ vào nguyện vọng của mình và số tổ hợp mà nhà trường đã lên kế hoạch từ trước để lựa chọn tổ hợp.

Như vậy, mặc dù Bộ hướng dẫn học sinh sẽ có quyền chọn: “5 môn học tự chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học)” nhưng thực tế là học sinh không thể tự chọn theo từng môn mà mình thích để học mà bắt buộc phải chọn theo tổ hợp mà nhà trường đã lên từ trước.

Bởi vì, nếu nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ để học sinh tự lựa chọn môn sẽ dẫn đến “vỡ trận” vì có những môn học được nhiều học sinh chọn để phục vụ cho tổ hợp thi, xét tuyển đại học sau này và cũng chắc chắn một điều có một số môn sẽ rất ít học sinh lựa chọn.

Chẳng hạn như nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) sẽ nhiều thí sinh chọn nhưng nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mĩ thuật) sẽ ít học sinh chọn bởi nhóm môn này có rất ít khối thi, xét tuyển đại học mà nó còn đòi hỏi năng khiếu của người học.

Vì thế, dù là chủ trương của Bộ rất “mở” để học sinh chọn môn theo sở thích, năng lực phù hợp của mình nhưng các nhà trường công lập bắt buộc phải “đóng” vì không đảm bảo nguồn lực để thực hiện.

Cái khó của nhà trường trong việc cho học sinh tự lựa chọn môn

Các trường trung học công lập hiện nay là đơn vị hành chính sự nghiệp, phần lớn chưa thể tự hạch toán được kinh phí hoạt động mà đa phần đang được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động hàng năm.

Bên cạnh đó, nhân sự của nhà trường cũng đều được sở giáo dục và sở nội vụ phân công, điều động về trường nên phải đảm bảo nhân lực theo định mức biên chế giảng dạy. Theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc phân bổ giáo viên sẽ căn cứ vào số lớp học của nhà trường.

Vì thế, dù sao, các nhà trường cũng phải căn cứ vào nguồn nhân lực của đơn vị để xếp lớp tổ hợp. Cũng vì vậy, có trường, có địa phương chỉ xếp lớp tổ hợp cố định cho học sinh đăng ký nhưng cũng có trường, có địa phương chủ trương xếp tổ hợp theo nguyện vọng 1,2,3 để học sinh đăng ký.

Nhưng, dù bằng cách nào đi chăng nữa thì chắc chắn một điều là số lớp không phát sinh thêm và nhân lực trong trường phải được sử dụng hết, không để phát sinh tiền thừa giờ. Việc nhà trường tự xếp tổ hợp trong khả năng, điều kiện của đơn vị thực ra sẽ khó cho học sinh khi lựa chọn môn học trong nhóm tổ hợp mà học sinh yêu thích nhưng dù sao chúng ta cũng dễ dàng thông cảm.

Bởi lẽ, nếu đáp ứng hết việc xếp lớp theo học sinh tự lựa chọn môn, nhóm tổ hợp dễ dẫn đến tình trạng có môn, tổ hợp học sinh chọn nhiều sẽ thiếu giáo viên và môn, tổ hợp học sinh chọn ít sẽ dư thừa giáo viên.

Việc giáo viên dạy thừa định mức bắt buộc nhà trường phải chi trả tiền thừa giờ nhưng những giáo viên dạy thiếu tiết làm sao có thể trừ lương của họ được. Trong khi, kinh phí nhà trường đã được cấp trên cấp về từ đầu năm thì việc chi trả tiền thừa giờ sẽ lấy từ đâu?

Vì vậy, dù là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông nhưng đó là lựa chọn theo kế hoạch phân chia lớp tổ hợp của từng nhà trường. Vậy nên, không phải học sinh thích môn nào là chọn môn đó bởi như vậy sẽ dẫn đến “vỡ trận” và nhà trường sẽ không kiểm soát được. Hay, nói đúng hơn, nhà trường không đủ nguồn lực để đáp ứng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG