Hướng dẫn thực hiện chương trình năm học 2022-2023, giáo viên nên biết

25/05/2022 06:32
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để giảm tải cho giáo viên trong việc soạn các kế hoạch theo Công văn 5512.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã thực hiện ở lớp 6 năm học 2021-2022, tiếp tục thực hiện ở lớp 6,7,10 năm 2022-2023, lớp 6,7,8,10,11 năm 2023-2024 và đến năm 2024-2025 thực hiện toàn bộ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ngày 19/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc triển khai thực hiện chương trình năm học 2022-2023.

Người viết xin được trích lược và phân tích những điểm mới theo hướng dẫn của Công văn 1496 về thực hiện chương trình năm học 2022-2023, cán bộ quản lý và giáo viên nên biết.

Ảnh minh họa - GDVN

Ảnh minh họa - GDVN

Các phụ lục 1,2,3,4 Công văn 5512 dùng tham khảo soạn các kế hoạch lớp 6,7,10

Tại Công văn 1496, Bộ Giáo dục hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường như sau:

Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Công văn này nêu rõ đối với lớp 6,7,10 năm 2022-2023 thực hiện các kế hoạch theo Công văn 5512. Tuy nhiên, các phụ lục 1,2,3,4 của Công văn 5512 chỉ dùng để tham khảo trong việc xây dựng các kế hoạch dạy học, giáo dục.

Nhưng việc tham khảo như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể, năm học qua ở lớp 6 các kế hoạch Công văn 5512 chính là nổi ám ảnh với giáo viên, tổ chuyên môn, mỗi bài dạy, chủ đề phải soạn 4 kế hoạch, mỗi kế hoạch dài cả hàng chục trang giấy khiến tổ trưởng, giáo viên quá tải.

Bên cạnh đó, học sinh học hơn 10 môn, mỗi môn đều soạn các bước đi bài theo kế hoạch 5512 được nhiều giáo viên nhận xét là khuôn mẫu, triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và học sinh.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để giảm tải cho giáo viên trong việc soạn các kế hoạch theo Công văn 5512 trên.

Công văn cũng nêu các khối lớp còn lại 8,11,12 được soạn các kế hoạch như hiện hành.

Chương trình mới, chỉ quy định tổng số tiết học/năm học

Công văn 1496 cũng nêu rõ quan điểm chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; lưu ý việc tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học.

Theo đó, đối với lớp 6,7,10 chỉ quy định số tiết học năm học/môn, giúp nhà trường có thể linh động, bố trí sắp xếp giảng dạy đảm bảo hoàn tất số tiết học trong một thời gian nhất định, đảm bảo số tuần thực dạy 35 tuần/năm học.

Ví dụ môn Khoa học tự nhiên lớp 6,7 quy định 140 tiết/năm học gồm 35 tuần thực học, nhà trường có thể bố trí giảng dạy 4 tiết/tuần hoặc bố trí dạy các chủ đề đan xen 3 hoặc 5 tiết/tuần tùy theo học kỳ, đảm bảo tổng số tiết là 140 tiết (trong đó có các tiết kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ).

Môn Âm nhạc, Mỹ thuật lớp 6,7 quy định 35 tiết/năm học thì nhà trường có thể bố trí các môn trên 1 tiết/tuần hoặc bố trí 2 tiết/tuần khi giảng dạy đủ 35 tiết thì cho học sinh kiểm tra cuối kì, hoặc bố trí học kỳ I dạy Âm nhạc 35 tiết, học kỳ II dạy Mĩ thuật 35 tiết, rất thuận tiện cho các trường.

Điểm mới tiếp theo của chương trình mới về kiểm tra đánh giá là học sinh có 4 lần kiểm tra định kỳ gồm giữa kì I, cuối kì I, giữa kì II, cuối kì II.

Khi kiểm tra giữa kì I, II xong bài kiểm tra cuối kì I, II không cần cho lại nội dung ở kiểm tra giữa kì. Điều này là điểm mới rất quan trọng, hợp lý giảm áp lực cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học, không trùng lặp kiến thức khi kiểm tra giữa kì, cuối kì.

Tiếp tục bồi dưỡng để giáo viên dạy được 2 môn tích hợp ở trung học cơ sở

Đối với môn Lịch sử và Địa lí và môn Khoa học tự nhiên, Công văn 1496 tiếp tục có hướng dẫn căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường, phòng, sở giáo dục và đào tạo cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Quá trình triển khai thực hiện chương trình mới đến thời điểm này chỉ có một số ít giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo để dạy cả môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý dẫn đến việc triển khai thực hiện 2 môn này gặp nhiều bất cập, vướng mắc.

Các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong đó phần kinh phí có thể do giáo viên tự đóng góp khiến giáo viên lo lắng.

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh trong các Quyết định trên về kinh phí nên do các cơ quan chủ quản chi trả để các địa phương nhanh chóng liên hệ các trường đại học đủ điều kiện nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy được cả 2, 3 phân môn trên.

Hướng dẫn thực hiện môn Nghệ thuật ở lớp 6,7

Theo Công văn 1496, đối với môn Nghệ thuật, Bộ Giáo dục hướng dẫn như sau:

Chương trình môn Nghệ thuật gồm 02 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc tổ chức dạy học cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

Việc kiểm tra, đánh giá: mỗi nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, sản phẩm học tập hoặc dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Về môn Nghệ thuật, người viết cho rằng hướng dẫn này chưa phù hợp với quan điểm chương trình mở, không quy định tiết dạy/tuần mà chỉ quy định tiết/năm học. Việc bố trí dạy học từng phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật như thế nào nên để các trường chủ động phân công và thực hiện theo hướng mở.

Bên cạnh đó, việc ghép Âm nhạc và Mĩ thuật không liên quan gì nhau thành môn Nghệ thuật là một bất cập lớn.

Về đánh giá định kì có hướng dẫn: đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Nếu bài kiểm tra giữa kì môn Âm nhạc đánh giá Đạt, kiểm tra môn Mĩ thuật đánh giá Chưa đạt thì sẽ đánh giá chung là Chưa đạt, học sinh có thể phải kiểm tra lại cả 2 phân môn (chưa có hướng dẫn cụ thể) là vô lý. Học sinh có thể có năng khiếu rất giỏi môn Âm nhạc nhưng hạn chế ở môn Mĩ thuật hoặc ngược lại là hết sức bình thường, không thể ghép cơ học 2 môn trên thành môn Nghệ thuật ở bậc trung học cơ sở.

Do đó, người viết kiến nghị Bộ xem xét trả lại tên môn học Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc trung học cơ sở.

Giao nhà trường tự xây dựng tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập

Chương trình lớp 10 mới trung học phổ thông học sinh sẽ được lựa chọn 5/9 môn học và 3 cụm chuyên đề học tập.

Công văn 1496 hướng dẫn: Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn.

Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở giáo dục và đào tạo.

Trên đây là các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2022-2023, cán bộ quản lý, giáo viên cần biết, trong Công văn 1496 còn hướng thực hiện các môn Giáo dục địa phương; hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp; Tin học; Ngoại ngữ 1,…

Tài liệu tham khảo:

Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam