Nhu cầu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục sẽ ít dần sau năm 2022?

05/08/2022 06:36
THANH AN
GDVN- Nhu cầu tuyển dụng 3 năm học tiếp theo chỉ còn 38.130 chỉ tiêu được giao cho ngành giáo dục nên cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm ngày càng bị thu hẹp.

Ngày 18/7, Bộ Chính trị ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng đối với năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thực hiện việc này, ngày 2/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 3585/ BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.

Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Như vậy, sau năm học 2022-2023, nhu cầu tuyển dụng viên chức theo số lượng biên chế được giao cho ngành giáo dục còn lại rất ít nên một bộ phận sinh viên sư phạm ra trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội được đứng trên bục giảng.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho ngành giáo dục sau năm học 2022-2023 không nhiều (Ảnh minh họa: A.N)

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho ngành giáo dục sau năm học 2022-2023 không nhiều

(Ảnh minh họa: A.N)

Tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai, thực hiện ở các bậc học phổ thông được 2 năm học vừa qua và năm học 2022-2023 tới đây sẽ triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - những lớp học có thêm một số môn học mới so với chương trình hiện hành.

Chính vì thế, việc tuyển dụng giáo viên đối với môn học mới và bổ sung giáo viên ở cấp mầm non với số lượng nhiều cũng là một điều phù hợp nhằm đáp ứng nhân lực cho ngành giáo dục trong năm học tới đây.

Tuy nhiên, với số lượng được giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026 cho ngành giáo dục mà năm học 2022-2023 đã tuyển dụng 27.850 giáo viên thì các năm tới đây chỉ tiêu tuyển dụng viên chức cho ngành sẽ còn rất ít.

Bởi lẽ, trừ đi con số tuyển dụng cho năm học 2022-2023, số lượng được giao chỉ còn 38.130 chỉ tiêu cho các năm còn lại mà thôi.

Hơn nữa, nếu nhìn con số tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023 mà so với các ngành nghề khác, số lượng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục nhiều hơn.

Nhưng, thực tế lấy con số 27.850 chia đều bình quân cho 63 tỉnh thành thì mỗi địa phương chỉ có khoảng 442 chỉ tiêu. Trong số 442 chỉ tiêu này dành cho 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông với vài trăm trường học công lập của mỗi tỉnh thì số lượng này là rất ít.

Trong khi đó, chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đang thiếu khoảng 6.700 giáo viên mà thiếu nhiều nhất ở cấp mầm non và tiểu học.[1]

Nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên mầm non và thiếu giáo viên đối với các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học; Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc trung học phổ thông.

Chính vì thế, không chỉ là những năm tới đây mà ngay trong năm học 2022-2023 tới đây, việc tuyển dụng giáo viên cũng sẽ cạnh tranh gay gắt vì nhìn con số tổng 27.850 biên chế là con số nhiều nhưng khi phân bổ đến các sở, phòng, trường học thì số lượng này rất nhỏ.

Bởi vì chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đang cần đến gần 1/3 số lượng biên chế được giao cho toàn ngành giáo dục trong năm học 2022-2023.

Cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm tới đây sẽ khó khăn hơn?

Sinh viên khi ra trường đều mong muốn có một công việc ổn định và sinh viên sư phạm còn mong muốn nhiều hơn bởi ngoài dạy học thì sinh viên các sư phạm khó tìm kiếm một công việc trái ngành nghề.

Trong khi đó, không phải đợi đến bây giờ mà hơn chục năm nay sinh viên sư phạm ra trường rất khó được tuyển dụng và ký hợp đồng không xác định thời hạn với các nhà trường bởi nhiều những nguyên nhân khác nhau.

Khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới khó tuyển được giáo viên như Tin học ở cấp tiểu học; Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông nhưng đồng thời một số môn học, ngành học ngày càng khó xin việc hơn.

Môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở sẽ giảm từ 5 tiết hiện nay xuống 4 tiết đối với lớp 9. Môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên đã được tích hợp từ 5 môn học hiện hành nên sinh viên các ngành học như: Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý sẽ gian nan hơn.

Bởi lẽ, nếu như trước đây, các ngành học Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý có thêm cơ hội giảng dạy tại cấp trung học cơ sở nhưng hiện nay thì 5 môn học này ở cấp trung học cơ sở đã không còn, các trường sư phạm cũng đã mở ngành để đào tạo 2 môn học tích hợp từ mấy năm nay.

Hơn nữa, theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học Tự nhiên; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở trường trung học cơ sở nên nhu cầu tuyển mới các môn học tích hợp sẽ không nhiều.

Sinh viên sư phạm ra trường hằng năm vẫn lên đến con số vài chục ngàn sinh viên nhưng trừ năm học 2022-2023 thì 3 năm học tiếp theo chỉ còn 38.130 chỉ tiêu được giao cho ngành giáo dục nên cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm ngày càng bị thu hẹp lại.

Nếu như từ bây giờ, Bộ và các địa phương không có những tính toán cẩn thận trong việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo cho các trường sư phạm, không cân đối được định mức cho từng bộ môn ở các nhà trường thì tình trạng thừa - thiếu giáo viên trong những năm tới đây rất khó giải quyết dứt điểm.

Vì thế, việc Bộ Chính trị ban hành quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp để đảm bảo nhân lực cho ngành khi thực hiện chương trình mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/thanh-hoa-thieu-hon-6-000-giao-vien-giam-doc-so-giao-duc-goi-y-huong-khac-phuc-post228233.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN