Tôi nghĩ Bộ nên sửa chương trình, dừng triển khai các môn tích hợp lớp 8, 9

31/03/2022 07:02
MINH KHÔI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc triển khai môn tích hợp trong thời gian sắp tới vẫn là câu chuyện nan giải, khó “tích” như thế nào cho “hợp”.

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới bậc trung học cơ sở đang tiếp tục triển khai học kỳ II của lớp 6 trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp và cả tình trạng thiếu hụt nhân sự, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương.

Trong đó, điều nhiều người băn khoăn, lo lắng trong việc thực hiện chương trình mới chính là sự xuất hiện của 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khi nó có quá nhiều rắc rối,…

Điều này từng được nhiều tác giả phản ánh qua hàng loạt bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vì sao rất khó triển khai môn tích hợp cả bậc trung học cơ sở?

Theo Quyết định số 2454 và số 2455/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý thì ở mục 1.2.1.

Mục tiêu chung là “Sau khi hoàn thành chương trình, học viên có phẩm chất, năng lực tối thiểu để đáp ứng được việc dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục trung học cơ sở; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.”

Như vậy, mục tiêu của chương trình bồi dưỡng hướng đến việc 1 giáo viên đảm nhận, đủ điều kiện, kiến thức, năng lực, phẩm chất để dạy được môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý từ lớp 6 đến lớp 9.

Trong quá khứ, giáo viên ở bậc trung học cơ sở từng được đào tạo và giảng dạy 2 phân môn như Toán – Vật lý, Hóa học – Sinh học, Vật lý – Kỹ thuật công nghiệp, Lịch sử - Địa lý,

Tuy nhiên, kết quả đều chưa thấy sự thành công, không hiệu quả, giáo viên dạy 2 môn không chuyên, học sinh tiếp thu không tốt,…

Vì thế, các năm gần đây việc giáo viên dạy 2 phân môn đã được thay thế bằng việc giáo viên chỉ dạy 1 phân môn duy nhất.

(Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

(Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

Trong chương trình mới, giáo viên không chỉ dạy 2 phân môn mà có thể dạy đến cả 3 phân môn (Vật lý, Hóa Học, Sinh học trong môn Khoa học tự nhiên) thì liệu có thành công?

Điều trăn trở, băn khoăn lớn nhất của tôi là sau khi có chứng chỉ tích hợp thì liệu giáo viên có “thẩm thấu”, đủ kiến thức theo kiểu "biết mười dạy một" để dạy cho học sinh kiến thức cả 2, 3 phân môn hay không?

Điều này là vô cùng khó đối với những giáo viên đã giảng dạy 1 phân môn nhiều năm, thậm chí với những giáo viên mới ra trường.

Đặc biệt, nhiều giáo viên đã lớn tuổi, sức khỏe thể chất, tinh thần giảm sút thì việc đào tạo thêm 20-36 tín chỉ để có thể trở thành giáo viên giảng dạy cả 3 phân môn, tôi nghĩ có thể khó đạt được mục tiêu thậm chí có thể “vỡ trận”.

Vấn đề tiếp theo là cả hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn giáo viên vừa dạy vừa phải đi học chứng chỉ “tích hợp” thì sẽ sắp xếp thời gian ra sao? Trong thời gian giáo viên đi học chứng chỉ thì công việc tại cơ sở sẽ do ai đảm trách? Việc 3/5 môn biến mất thì sẽ có một số lượng lớn giáo viên có mất việc không?

Vậy nên việc triển khai môn tích hợp trong thời gian sắp tới vẫn là câu chuyện nan giải, khó “tích” như thế nào cho “hợp”.

Giải pháp tốt nhất là dừng thực hiện 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 8, 9

Để giải quyết hàng loạt bất cập, khó khăn, vướng mắc khi dạy, tập huấn bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp, tiếp thu của học sinh,… người viết mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét dừng việc tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 8, 9 và chỉ thực hiện ở lớp 6, 7 vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, chương trình đã thực hiện ở lớp 6, đang thẩm định và đánh giá ở lớp 7

Hiện nay, chương trình mới đã thực hiện ở lớp 6, tuy khi thực hiện gặp vô vàn khó khăn, bất cập, vướng mắc việc 2, 3 thầy chung 1 sách nhưng khó khăn này có thể giải quyết được phần nào khi có giáo viên đảm nhận được 2, 3 phân môn.

Đối với lớp 7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 7 nên cơ bản việc biên soạn sách giáo khoa lớp 7 đã hoàn tất.

Nên việc thay đổi các môn tích hợp đối với lớp 6, 7 trong tương lai gần là rất khó.

Thứ hai, kiến thức lớp 6, 7 một giáo viên có thể dạy được 2, 3 phân môn

Cái khó của việc hiện nay là việc 2, 3 thầy dạy một môn về cho điểm, đánh giá, chấm bài kiểm tra,… có thể khắc phục được sau khi một số giáo viên bồi dưỡng có chứng chỉ tích hợp hoặc sinh viên môn các tích hợp ra trường đảm nhận.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 6, 7 không phải là dễ nhưng kiến thức cơ bản, phổ thông nên vẫn có một số giáo viên chỉ cần tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến có thể đảm nhận toàn bộ được không cần phải ồ ạt đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp như các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba, khó có giáo viên đảm nhận được cả 2, 3 phân môn đến lớp 8, 9

Nhưng với kiến thức gần như là bắt đầu phân hóa, khó dần ở lớp 8, 9 thì việc một giáo viên dạy được cả 2, 3 phân môn là điều khó khả thi.

Nếu thực hiện một cuộc khảo sát kín toàn bộ giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thì tôi cho rằng sẽ có con số rất ít giáo viên tự tin cho rằng mình có thể dạy được cả 2, 3 phân môn cả bậc trung học cơ sở.

Để có đủ kiến thức cơ bản dạy được học sinh lớp 9 cả 2, 3 phân môn là rất khó, còn vấn đề chọn giáo viên giỏi đào tạo học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 9 còn khó hơn “hái sao trên trời”.

Mà giáo viên không đủ kiến thức, không đủ tự tin thì chắc chắn sẽ không thể dạy tốt, dạy học không thể hiệu quả và đương nhiên học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi khi không được học thầy giỏi.

Nếu không có giáo viên đảm nhận được cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhất là ở lớp 8, 9 thì có thể tái diễn việc 2, 3 thầy một sách rắc rối như hiện nay.

Thứ tư, khó có học sinh chuyên Vật lý, Hóa học,… ở trung học phổ thông

Việc thực hiện trường chuyên ở bậc phổ thông hiện nay dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều nhưng một sự thật không thể phủ nhận là nhờ các môn học chuyên biệt, học sinh được phát hiện và bồi dưỡng theo năng khiếu của mình.

Chương trình mới, học sinh lớp 9 không học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (thuộc môn Khoa học tự nhiên), Lịch sử, Địa lý (thuộc môn Lịch sử và Địa lý) thì các trường chuyên ở bậc trung học phổ thông sẽ tuyển sinh các môn trên như thế nào?

Do đó, nếu giữ lại đơn môn trên ở lớp 8, 9 thì học sinh sẽ được phân hóa từ lớp 8, 9 và học sinh biết mình có năng khiếu môn nào để định hướng học chuyên từ bậc trung học phổ thông, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài sẽ thuận lợi hơn.

Thứ năm, không phải đào tạo ồ ạt giáo viên

Điều khó nhất theo tôi không phải là việc bồi dưỡng hay có chứng chỉ tích hợp mà là sau khi có chứng chỉ đó thì giáo viên có thể có đủ kiến thức để dạy tốt cả 2, 3 phân môn hay không đó mới là điều quan trọng.

Điều oái oăm là đến giai đoạn hiện nay những cá nhân khen chương trình môn tích hợp là những nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa hay các vị lãnh đạo trường học là những người không trực tiếp dạy, còn hầu hết giáo viên dạy thực tế các môn trên thì đều cho rằng bản thân sẽ quá tải, không thể dạy tốt và có rất nhiều bức xúc.

Do đó, nếu đào tạo ồ ạt giáo viên tốn một lượng kinh phí rất lớn (có thể do cơ quan hay cá nhân chi trả theo các Quyết định 2454, 2455) không hiệu quả thì không những lãng phí và còn khiến trường học tạm thời khuyết nhân sự giảng dạy.

Nếu chỉ thực hiện tích hợp ở lớp 6, 7 thì chỉ cần bồi dưỡng từ xa, bồi dưỡng trực tuyến là giáo viên có đủ kiến thức, năng lực để dạy mà không phải ồ ạt bồi dưỡng, tập huấn chứng chỉ môn tích hợp, mất kinh phí lớn và gây bức xúc cho giáo viên, thuận tiện cho các trường trong việc bố trí, phân công công tác.

Với những lý do trên, theo tôi cách tốt nhất là học sinh từ lớp 8, 9 nên được học các môn riêng lẻ Vật lý, Hóa học, Lịch sử,…

Như vậy, vừa đảm bảo nguyên tắc tích hợp ở lớp dưới (từ lớp 1 đến lớp 7), phân hóa, định hướng nghề nghiệp dần ở lớp trên (từ lớp 8 đến lớp 12) vừa tránh được những bất cập, bức xúc về 2 môn tích hợp trên.

Những gì chưa hợp lý, chưa phù hợp tình hình, khó khắc phục thì rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét, việc dừng lại môn tích hợp (hoặc chỉ chọn 1 vài trường điểm thử nghiệm) ở lớp 8, 9 người viết có thể thấy đó là phương án tốt nhất hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHÔI