địa phương cấp kinh phí, nhà trường chuyển khoản, thì việc thu hồi sau này sẽ do đơn vị nào phụ trách?
Thực hiện Nghị định 116, từ khóa tuyển sinh năm 2021, các địa phương trên cả nước tiến hành hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm. Song, qua ghi nhận thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách này còn gặp nhiều bất cập.
Xử lý nhanh thủ tục hành chính để sinh viên sớm nhận hỗ trợ
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm học trước, nhà trường được địa phương giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm. Về tiền hỗ trợ, nhà trường đã hoàn thành việc chi trả cho sinh viên theo Nghị định 116.
Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh:giaoducnet.vn) |
Năm học 2022-2023 mới bắt đầu, sinh viên vừa nhập học nên hiện trường vẫn đang trong quá trình cho sinh viên làm thủ tục đăng ký.
Chia sẻ về quá trình thực hiện, thầy Hạnh nói: “Bắt đầu vào năm học mới 2022-2023, nhà trường tiến hành tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên.
Theo đó, sinh viên cần phải chuẩn bị hồ sơ, đơn thư và ký bản cam kết. Đồng thời, trường mời phụ huynh đến để phổ biến chủ trương chính sách Nghị định 116. Hồ sơ sẽ được tổng hợp và chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì sẽ tiến hành cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên”.
Sau 1 năm thực hiện Nghị định 116, thầy Hạnh cho rằng, đây là một chủ trương thể hiện tính ưu việt của ngành giáo dục trong đào tạo sư phạm với mục tiêu thu hút người học. Tuy nhiên, cũng cần những giải pháp hỗ trợ khác.
Trước tình trạng một số địa phương, cơ sở đào tạo chậm trễ trong việc chi trả tiền hỗ trợ, thầy Hạnh cho rằng, việc chuyển tiền hỗ trợ cho sinh viên sẽ do trường thực hiện và địa phương sẽ cấp kinh phí cho trường qua dự toán ngân sách hàng năm.
“Toàn bộ giấy tờ, hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ của sinh viên thuộc về thủ tục hành chính nên theo tôi không có gì khó khăn đối với nhà trường trong khâu chuyển tiền cho sinh viên khi các địa phương đã cấp kinh phí qua dự toán ngân sách.
Điều khó khăn và lâu nhất là ở quá trình sinh viên chuẩn bị hồ sơ (bao gồm thông tin cá nhân, gia đình…), đơn đăng ký nhận hỗ trợ… Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tính chủ động của các em nên mất khá nhiều thời gian.
Hơn nữa, việc chuyển tiền sẽ qua tài khoản ngân hàng nên buộc sinh viên phải mở thẻ ngân hàng thì mới có số tài khoản để điền hoàn thiện vào hồ sơ đăng ký. Hình thức chuyển khoản này cũng là một minh chứng thể hiện sinh viên nhận hỗ trợ hay chưa nếu sau này có vấn đề phát sinh.
Từ khâu làm hồ sơ cho đến quyết định chi ngân sách đều là thủ tục hành chính, nếu giải quyết nhanh thì sinh viên sẽ sớm nhận hỗ trợ theo Nghị định 116”, thầy Hạnh chia sẻ.
Nên hỗ trợ theo từng tháng
Theo thầy Hạnh, trường có thể trả hỗ trợ cho sinh viên theo tiến trình từng học kỳ hoặc 3 tháng… tùy điều kiện hoàn cảnh từng trường, từng địa phương. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh viên nên thực hiện theo hàng tháng thì mới đúng với tinh thần chủ trương của Nghị định 116.
“Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện nên nhà trường gặp một số khó khăn trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ sinh viên do không chuẩn bị kịp. Chính vì thế, các em sinh viên khóa trước được nhận hỗ trợ 1 lần cho 10 tháng, điều này có phần chậm trễ. Tính đến thời điểm này, các em sinh viên khóa trước đã nhận đủ tiền hỗ trợ.
Ý nghĩa của Nghị định 116 là hỗ trợ hàng tháng cho sinh viên, để các em trực tiếp dùng số tiền đó cho chi phí sinh hoạt, học tập. Do vậy, năm học này, nhà trường đang chuẩn bị hỗ trợ kinh phí cho sinh viên theo từng tháng”, thầy Hạnh thông tin.
Trên thực tế, nếu hỗ trợ cho sinh viên theo năm sẽ thuận lợi cho các nhà trường, bởi chỉ cần chuyển tiền 1 lần. Ngoài ra, cũng có sinh viên muốn nhận 1 lần với số tiền lớn để tiết kiệm, hoặc để mua sắm đồ dùng phục vụ học tập như máy tính, điện thoại… Tuy nhiên, cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khó quản lý khi có biến động về số lượng sinh viên.
“Nếu trả theo năm học thì cũng khó xử lý khi có những sinh viên nghỉ học, bỏ học giữa chừng, hay trường hợp sinh viên đầu năm không đăng ký nhưng cuối năm lại có nguyện vọng nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng.
Nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý, nhắc nhở sinh viên chi tiêu một cách hợp lý, đảm bảo tiết kiệm tiền, tránh để các em sử dụng hoang phí, ăn chơi dẫn đến các tệ nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập...”, thầy Hạnh chia sẻ.
Năm học trước, nhà trường cũng có nhiều sinh viên không đăng ký nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng. Cụ thể, trong hơn 100 sinh viên thì có sinh viên không đào tạo diện đặt hàng, nhận hỗ trợ sinh hoạt phí theo Nghị định 116. Tuy nhiên sau đó, một số sinh viên cảm thấy tiếc, muốn đăng ký nhận hỗ trợ những gặp khó.
“Năm học này, nhà trường vẫn tạo điều kiện để những sinh viên từ năm ngoái năm nay mới đăng ký nhận hỗ trợ được làm hồ sơ, chứ chưa chắc chắn là các em có được nhận khoản tiền này hay không.
Thực tế, bởi vì có thể năm đầu tiên công tác tuyên truyền của trường chưa được tốt, sinh viên, phụ huynh còn nhiều lăn tăn, nghi ngờ nên chưa mạnh dạn đăng ký nhận hỗ trợ, học theo đơn đặt hàng Nghị định 116. Song, theo thời gian, họ thay đổi quyết định nên các cấp thẩm quyền có thể tạo cơ hội để sinh viên được nhận hỗ trợ”, thầy Hạnh chia sẻ.
Trăn trở vì nguồn tiền hỗ trợ tương đối lớn
Thầy Hiệu trưởng Hồ Cảnh Hạnh nói rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn tiền hỗ trợ cho sinh viên tương đối lớn. Do đó, đối với các tỉnh phát triển có thể sẽ không đáng lo ngại. Nhưng đối với những tỉnh khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển, nguồn thu ngân sách hẹp thì “hàng mấy chục tỷ đồng hỗ trợ cho sinh viên sẽ lấy ở đâu” – thầy Hạnh trăn trở.
“Nguồn chi thường xuyên cho trường cao đẳng sư phạm thường ít hơn chi hỗ trợ cho các sinh viên (lên đến mấy chục tỷ/năm) thì các địa phương lấy tiền ở đâu để trả? Đây cũng là một vấn đề khó khăn cho các tỉnh, nhất là nhiều tỉnh kinh tế hiện nay còn hạn chế.
Chúng ta thử tính, sinh viên sư phạm học hệ cao đẳng 3 năm thì số tiền hỗ trợ tổng là hơn 100 triệu đồng/sinh viên/3 năm; hệ đại học 4 năm là gần 150 triệu đồng/sinh viên/4 năm.
Giả sử, 1 khóa học sư phạm có chỉ tiêu đào tạo đặt hàng là 200 sinh viên, thì tổng số tiền hỗ trợ cho 1 khóa sẽ lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng”, thầy Hạnh lấy ví dụ phân tích.
Nghị định 116 không có thông tư hướng dẫn nên trong quá trình thực hiện sẽ gặp những vướng mắc. Do đó, thầy Hạnh cho rằng, có thể tính đến giải pháp đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư hướng dẫn cách làm cụ thể đối với thực hiện Nghị định 116.
Liên quan đến vấn đề thu hồi kinh phí, một số ý kiến cũng cho rằng, để tránh khó khăn khi thu hồi kinh phí nếu sinh viên không công tác trong ngành giáo dục, nên chăng chuyển từ hỗ trợ sang cho sinh viên vay theo từng năm học từ một tổ chức nhà nước nào đó. Khi đó, nếu ra trường, sinh viên đi dạy học thì không phải bồi hoàn kinh phí và ngược lại, việc thu hồi này sẽ do đơn vị cho vay phụ trách.
Còn như hiện nay, để địa phương cấp kinh phí, nhà trường chuyển khoản, thì việc thu hồi sau này sẽ do đơn vị nào phụ trách?
Bàn về ý kiến này, thầy Hạnh bày tỏ quan điểm: “Làm một phép so sánh khi cho sinh viên vay từ ngân hàng, nếu sinh viên không bồi hoàn kinh phí hỗ trợ thì có thể tiến hành siết nợ, siết nhà. Nhưng khi trách nhiệm thu hồi thuộc về nhà trường, nếu trường không làm được thì sẽ thế nào, nhất là khi trường học không phải cơ quan, tổ chức có quyền cưỡng chế.
Việc cho sinh viên vay tiền, theo quan điểm của tôi, cách làm này cũng không thể hiện được hết ưu điểm của nghị định. Tôi nhắc lại tính ưu việt của nghị định là nhằm hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên trong sinh hoạt và học tập hàng tháng, vì tháng nào sinh viên cũng phải cần tiền để chi trả ăn, nghỉ, tiền phòng trọ, điện, nước nên khoản tiền này rất có ý nghĩa.
Trước đây, thời bao cấp, khi chúng tôi đi học sư phạm, ngoài được nhà nước lo hết tiền học phí, ăn nghỉ, quần áo thì còn được nhận 22 đồng/tháng. Với số tiền này, tôi đóng 1-2 đồng tiền sinh hoạt đoàn phí, còn 20 đồng để sinh hoạt. Đây cũng là một chính sách đãi ngộ của nhà nước. Chỉ khác ở chỗ chúng tôi không phải cam kết ra trường đi dạy học, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp phân công nhiệm vụ cho giáo viên về đơn vị công tác. Những trường hợp sinh viên ra trường “chống lệnh”, không đi dạy thì cũng không cần phải bồi hoàn kinh phí.
Nghị định 116 ra đời có nhiều ưu điểm, thể hiện được tính nhân văn sâu sắc nhưng quá trình thực hiện cần có hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới. Bởi vì, không chỉ cho năm nay mà còn nhiều năm sau nữa vẫn thực hiện nghị định nên có thông tư hướng dẫn là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết”, thầy Hạnh chia sẻ.