Năm học 2022-2023 là năm thứ hai chính thức triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng, đấu thầu. Theo đó, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ đóng tiền học phí, chi phí sinh hoạt nếu đăng ký đào tạo theo đơn đặt hàng/đấu thầu của các địa phương.
Chính sách này được đánh giá có tác dụng khuyến khích rất lớn tới quá trình tuyển sinh đầu vào của sinh viên khối ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế triển khai hiện vẫn còn rất nhiều bất cập. Nổi cộm đó là rất nhiều phản ánh của sinh viên sau khi đã học hết năm học 2021-2022 tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, thậm chí có trường còn “tạm” thu học phí của sinh viên.
Nghị định 116 có hiệu lực từ năm học 2021-2022, tuy nhiên đến nay có nhiều sinh viên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Tìm hiểu thực tế câu chuyện chi trả tiền học cho sinh viên đăng ký đào tạo theo Nghị định 116, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số trường cao đẳng sư phạm. Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Văn Tám - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Long An (tỉnh Long An) cho hay:
“Đây là năm thứ hai nhà trường triển khai đào tạo sinh viên ngành sư phạm mầm non theo đơn đặt hàng của địa phương. Vừa qua, tỉnh Long An cũng đã rất quan tâm và hỗ trợ sinh viên, mới đây địa phương đã kịp thời giải ngân để hỗ trợ kinh phí cho sinh viên năm vừa rồi.
Số tiền chi trả cho sinh viên dự kiến đầy đủ cả 13 tháng, bao gồm 10 tháng năm học 2021-2022 và thêm 3 tháng của năm học mới 2022-2023 (tính đến tháng 12 năm nay)”.
Như vậy, mặc dù được hỗ chi phí theo các chính sách của Nghị định 116, tuy nhiên khoảng thời gian sinh viên phải chờ đợi là cả 1 năm học. Điều này được giải thích do quá trình cân đối ngân sách của địa phương.
Trao đổi thêm với phóng viên, thầy Hồ Văn Tám cho hay, vừa qua tỉnh Long An đã dự toán ngân sách chi cho khóa sinh viên đầu tiên của trường (gồm khoảng 60 sinh viên) với thời gian học 30 tháng, số tiền địa phương dự kiến sẽ phải chi ra là khoảng 9 tỷ đồng.
Không chậm trễ đến cả 1 năm học như trường Cao đẳng Sư phạm Long An, tuy nhiên, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định (tỉnh Nam Định) - thầy Trần Ngọc Hiển cũng thừa nhận có sự chậm trễ trong việc chi trả chi phí hỗ trợ cho sinh viên trong những tháng cuối năm.
“Tiền hỗ trợ cho sinh viên được các tỉnh tính toán hết trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, tuy nhiên do tuyển sinh lại vào những tháng cuối năm nên tỉnh khó có thể dự tính chính xác số lượng sinh viên. Vì vậy, việc chi trả có thể chậm trễ một chút ở 3 tháng cuối năm, còn lại các tháng khác đều được tỉnh chi trả rất kịp thời”.
Năm học 2021-2022, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định có khoảng gần 70 sinh viên được hưởng theo chính sách của Nghị định 116. Thầy Hiển cho biết, khóa sinh viên năm nay đang được nhà trường cho đăng ký và tiến hành lập dự toán kinh phí.
“Tất cả các em sinh viên đăng ký hưởng theo chính sách của Nghị định 116 chắc chắn sẽ được hỗ trợ, tuy nhiên có thể phải chờ một thời gian vì địa phương cũng phải lập dự toán và cân đối nguồn ngân sách”.
Như vậy, nhìn chung việc triển khai Nghị định 116 về một số địa phương hiện đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Trong đó, vấn đề chi trả chi phí hỗ trợ cho người học là một điểm cần quan tâm và giải quyết.
Ngoài ra, theo thầy Hồ Văn Tám, có một số điểm liên quan đến Nghị định 116 chưa được làm rõ.
“Có em đăng ký học theo diện đặt hàng, năm học đầu tiên em đã nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên đến năm thứ hai, em đó xin bảo lưu, nghỉ học tạm thời và thời gian sau không trở lại học nữa thì nhà trường phải giải quyết ra sao? Việc báo cáo tổng kết, thu hồi kinh phí,... hết sức khó khăn và phức tạp, và vấn đề này hiện cũng chưa thấy có cách giải quyết hay hướng dẫn cụ thể nào”, thầy Tám nêu vấn đề.
Thực tế, mặc dù có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ rất tốt như: Miễn phí học phí, kí túc xá, hỗ trợ mỗi tháng 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Tuy nhiên, không phải tất cả các sinh viên của nhà trường đều đăng ký học theo diện chính sách của Nghị định 116 vì phải thực hiện hiện ký cam kết sau này sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ nhận sự phân công, điều động của địa phương nên cũng có nhiều em không lựa chọn đăng ký hưởng theo chính sách của Nghị định 116. Ví dụ, khóa trước cũng có hơn 20 sinh viên không đăng ký. Năm nay vì mới cho sinh viên đăng ký nên nhà trường cũng chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Những năm gần đây, tình hình tuyển sinh của khối các trường Cao đẳng cũng không mấy khả quan khi hàng năm hầu hết các trường đều không đạt được chỉ tiêu đề ra. Đơn cử, năm nay, trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định tuyển sinh đến lần thứ năm rồi tuy nhiên số lượng hiện tại mới chỉ đạt khoảng hơn 50% chỉ tiêu đề ra.
“Việc triển khai Nghị định 116 được lãnh đạo tỉnh Nam Định rất quan tâm, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn tuyển. Xu hướng ngày nay sinh viên ít vào các trường cao đẳng, đa số tâm lý các em đều muốn học đại học.
Hơn nữa, ở Nam Định, các em học sinh có học lực hầu hết đều khá giỏi trở lên nên rất nhiều em lên thành phố học đại học, do vậy số lượng tuyển sinh của trường những năm gần đây cũng không được tốt lắm”, thầy Hiển bộc bạch.
Nhận định thêm, thầy Hồ Văn Tám cho rằng, đặc thù ngành mầm non vất vả, thu nhập chưa tương xứng cũng là lí do nhiều sinh viên không lựa chọn sư phạm mầm non để theo học mặc dù có chế độ hỗ trợ học phí, sinh hoạt từ Nhà nước.