Chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục Bắc Giang, Đắk Lắk nhân dịp 20/11

19/11/2022 06:36
Nguyễn Mai
GDVN- Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Nhà giáo Tạ Việt Hùng và Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp đã có những chia sẻ về câu chuyện giáo dục và Nhà giáo. 

Mở đầu cuộc trao đổi, Nhà giáo Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang và Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk dành lời cảm ơn, tri ân đến các thế hệ thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn để giảng dạy lớp lớp thế hệ học sinh thành người.

Đội ngũ giáo viên “gánh” trên vai trọng trách “chưa từng có tiền lệ”

Theo dòng tâm sự, Nhà giáo Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 1997, tỉnh Bắc Giang được tái lập (tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Khi đó, trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh được đặt tại đường Đàm Thận Huy, thị xã Bắc Giang. Sau 25 năm kể từ khi tách tỉnh, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, ngành học được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân.

“Thời đó, toàn ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang có 644 cơ sở giáo dục và 15.904 cán bộ, giáo viên. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VIII và Nghị quyết Trung ương II, mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, song ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình trường lớp để mở rộng quy mô bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học; kỷ cương trong chuyên môn dạy và học được duy trì tốt, dạy đủ, dạy đúng theo phân phối chương trình; đầu tư mở rộng và trang bị cơ sở vật chất cho các trung tâm giáo dục thường xuyên để đáp ứng yêu cầu học tập của xã hội”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Nhà giáo Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Nhà giáo Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự quyết tâm đồng lòng vượt khó của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động ngành giáo dục, Bắc Giang hiện có 152 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 20,2%); 710 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 94,5%).

Trong đó, 239 trường mầm non chuẩn mức độ 1 (đạt 94,8%); 218 trường tiểu học chuẩn mức độ 1 (đạt 99,1%); 218 trường trung học cơ sở, tiểu học và trung học cơ sở chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 94,4%); 35 trường trung học phổ thông chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 72,9%).

Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.059 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế, trong đó có 1.960 cán bộ quản lý, 23.995 giáo viên và 2.104 nhân viên. Toàn ngành có 04 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh, 887 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn bậc mầm non (trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên) là 97,29%, trên chuẩn là 65,3%; cấp tiểu học trình độ từ đại học trở lên là 67,06%; cấp trung học cơ sở trình độ từ đại học trở lên là 86,45%; cấp trung học phổ thông trình độ đại học trở lên là 100%, trên chuẩn 21,81%.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì, ổn định, từng bước nâng lên theo hướng thực chất và bền vững. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, tỉnh Bắc Giang tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,42%, điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 6,58 (xếp thứ 11 toàn quốc).

Công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được đặc biệt chú trọng, chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được nâng cao. Từ năm 1997 đến 2022 có tổng 1.242 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia.

“Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục địa phương, ngành giáo dục được nhận nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc. Mới đây nhất, tháng 9/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì”, Nhà giáo Tạ Việt Hùng chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, mỗi dịp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, ông cảm thấy xúc động, may mắn khi được dạy học và cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Với ông, câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thực sự đầy cảm xúc với những suy nghĩ về đổi mới giáo dục của một tỉnh miền núi có 49 dân tộc anh em sinh sống, điều kiện dạy học của các thầy, cô và các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn muôn vàn những khó khăn trước nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhìn lại năm học 2021-2022 là năm thứ hai ngành giáo dục cả nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trường học đóng cửa, học sinh học online tại nhà. Toàn ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đều xác định nỗ lực vươn lên, sáng tạo, từng bước thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Cùng trong thời điểm này, ngành giáo dục phải tích cực triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên phải đối diện với muôn vàn thử thách. Đội ngũ giáo viên “gánh” trên vai trọng trách “chưa từng có tiền lệ”, Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.

Nhà giáo – người truyền cảm hứng xứng đáng được tôn vinh

Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp tâm sự, thời gian vừa qua, trải qua dịch bệnh, đi qua thiên tai, mưa bão, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay cũng chính vì vậy mà càng trở nên đặc biệt, lắng đọng hơn.

“Chúng ta vẫn chưa quên những hình ảnh đẹp về thầy, cô giáo trong gian khó của đại dịch, thiên tai vẫn “quên mình” với tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Tôi thật sự xúc động khi chứng kiến nhiều giáo viên vượt hàng chục km để đến từng thôn xã, bản làng trao cho học sinh những chai nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Hay mới đây là hình ảnh những người thầy, cô giáo ra sức phối hợp với lực lượng chức năng tổng vệ sinh trường, lớp, nỗ lực phục hồi hậu quả sau mưa bão để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Thầy, cô giáo là những người lan tỏa tình yêu thương và truyền cảm hứng nên luôn xứng đáng được xã hội ghi nhận và tôn vinh”, Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp tâm sự.

Cảm kích trước những cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng có chia sẻ: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Sau ngày tái lập tỉnh Bắc Giang, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đội ngũ nhà giáo của tỉnh tiếp tục đóng góp vào hành trình “gieo chữ” trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.

Đội ngũ nhà giáo của tỉnh luôn gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo và tự học”... đóng góp to lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, biết bao thế hệ nhà giáo trên cả nước đã “quên mình”, sẵn sàng xung phong đi đến vùng sâu, vùng xa, dù hẻo lánh, khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn từng ngày, từng giờ đau đáu tâm niệm phải làm sao mang được ánh sáng, con chữ, văn hóa và tương lai đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang, cùng với phong trào thi đua “Hai tốt” là dạy tốt và học tốt và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, nhiều nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề, nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã không quản ngại khó khăn, nhiệt tình hưởng ứng, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp, bám bản, duy trì việc dạy và học cho học trò.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thăm cơ sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thăm cơ sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Những năm qua, với quyết tâm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy”, “Mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, đội ngũ nhà giáo và học sinh toàn ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang ra sức thi đua “dạy tốt”, “học tốt”, và “quản lý tốt”, thi đua tự học và nghiên cứu khoa học, nỗ lực tìm tòi và sáng tạo, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ quản lý, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả mỗi giờ học và các hoạt động giáo dục.

Thông qua phong trào, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được tìm ra và được tôn vinh. Ghi nhận những cống hiến của đội ngũ giáo viên, từ khi tái lập tỉnh Bắc Giang, tính đến năm 2017, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã phong tặng 3 Nhà giáo Nhân dân, 84 Nhà giáo Ưu tú cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang.

“Đây vừa là niềm vui, vinh dự, tự hào, vừa là động lực để mỗi nhà giáo tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà nói riêng và cho toàn ngành giáo dục nói chung”, Nhà giáo Tạ Việt Hùng khẳng định.

Qua chia sẻ của những người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang và Đắk Lắk có thể thấy, xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn thầy, cô giáo - những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Quyết tâm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Nhìn lại năm học 2021 – 2022, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Song, cũng còn thách thức, áp lực đòi hỏi phải tìm ra giải pháp tháo gỡ, nhất là để triển khai thắng lợi Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Nhà giáo Tạ Việt Hùng, năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bắc Giang tiếp tục triển khai kịp thời, cụ thể Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Trung ương để nâng cao chất lượng dạy và học; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương, các cơ sở giáo dục, Sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, lãnh đạo Sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Cụ thể, đối với lớp 6 và lớp 7: Triển khai dạy các môn tích hợp, hoạt động giáo dục cần có hướng dẫn chi tiết từ cán bộ quản lý trong xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp thực tế nhà trường.

Việc phân công giảng dạy cần chỉ rõ và giao nhiệm vụ cho 01 giáo viên, cán bộ quản lý phụ trách chính để chịu trách nhiệm tổ chức thống nhất phương án kiểm tra, đánh giá theo quy định đồng thời có nhiệm vụ hoàn thiện đề kiểm tra, vào điểm kiểm tra, ký xác nhận kết quả học tập.

Các cơ sở giáo dục cần chủ động đề xuất và xây dựng lộ trình kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình các môn học.

Đối với lớp 10: Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn lựa chọn. Xây dựng chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn.

Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở.

Toàn tỉnh thực hiện dạy môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các môn tự chọn căn cứ điều kiện thực tiễn của trường về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các đơn vị có thể triển khai dạy học Ngoại ngữ thứ 2 cho học sinh.

Với sự quan tâm của các bộ, ban ngành địa phương, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang kỳ vọng tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023 góp phần đưa nền giáo dục của tỉnh lên những bước phát triển mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng có những chia sẻ kỳ vọng về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, không chỉ có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao (hơn 35%) mà còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn so với vùng trung tâm. Do đó, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới còn chưa đồng bộ, nhiều thách thức.

Đặc biệt, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, mạng lưới trường, lớp còn rải rác, khó quy về một mối. Một bộ phận năng lực giáo viên, cán bộ quản lý chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới. Còn thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp đúng nghĩa, sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh bị ảnh hưởng.

Qua 2 năm học thực hiện, nhìn tổng thể các nhà trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đánh giá chung vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Cũng theo Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp, năm học 2022-2023 đánh dấu ngành giáo dục bước vào một chặng đường mới. Song, từ những bài học kinh nghiệm được rút ra, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của toàn xã hội, ngành giáo dục và đào tạo đã có những chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo, đội ngũ nhà giáo có đủ phẩm chất và năng lực, tin tưởng rằng, công cuộc đổi mới giáo dục sẽ sớm thành công như kỳ vọng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ nỗi niềm trăn trở. Theo đó, về mặt tích cực, cùng với sự phát triển của giáo dục cả nước, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến rõ rệt trong bối cảnh đổi mới. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng nối dài đến các thôn, buôn làng ở vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi nhất để con em đồng bào các dân tộc được cắp sách tới trường.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng giáo dục tỉnh vẫn đang ở mức thấp. Dễ thấy, cuộc sống của thầy, cô giáo vùng sâu, vùng xa còn nhiều vất vả. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Do vậy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk mong muốn sự quan tâm hơn nữa của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhân dân đồng lòng, đội ngũ giáo viên cống hiến hết mình và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để từng bước hoàn thành mục tiêu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, kiện toàn bộ máy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số đề xuất.

Thứ nhất, nỗ lực xây dựng bộ máy tinh, gọn, hiệu quả.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cán bộ quản lý phải có phẩm chất, năng lực, tay nghề công tác. Đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm vững chắc.

Muốn vậy, Đảng và Nhà nước cần phải có cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục về công tác cán bộ, biên chế để đáp ứng về yêu cầu số lượng, chất lượng đội ngũ.

Thứ hai, tăng cường chức năng và quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Một bất cập trong cơ cấu quản lý cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo đó là số lượng cán bộ và chuyên viên quá ít, không đủ người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn.

Mặt khác, chức năng và quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế, khó có thể chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là chủ động thực hiện chương trình đổi mới.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Nhà giáo Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang hy vọng, tiếp tục tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho “3 trụ cột” - Chuyển đổi số - Đội ngũ giáo viên - Ngoại ngữ để ngành giáo dục phát triển và hội nhập quốc tế.

Nhà giáo Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận sự cống hiến hết mình và gửi gắm thông điệp động viên đến đội ngũ cán bộ, nhân viên và tập thể giáo viên đang công tác trên địa bàn toàn tỉnh cũng như cả nước sẽ chung sức, đồng lòng vì một mục tiêu chung thực hiện thành công chủ đề năm học 2022-2023 đề ra: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Nguyễn Mai