"Khoác lên chiếc áo tuyển thủ có thể nổi tiếng, nhưng tôi chọn trở thành GV"

12/11/2022 06:54
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, đa phần cả phụ huynh và học sinh đều nghĩ thể dục chỉ là môn phụ. Vì vậy, cô Thùy quyết tâm thay đổi suy nghĩ đó. 

“Nhiều học trò tâm sự, trong nhiều môn học, các em sợ nhất môn thể dục vì “biết trước đề thi, biết trước đáp án mà vẫn trượt". Còn các phụ huynh thì yêu cầu con mình ngồi vào bàn học nhiều hơn là đi tập thể dục, chơi thể thao.

Chính vì thế, là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất (mà chúng ta quen gọi là thể dục), bản thân tôi rất trăn trở về nghề và môn học này”, cô giáo trẻ Phan Thị Thùy (sinh năm 1998), Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu câu chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bằng những lời như thế.

Với mong muốn học trò của mình sẽ có “tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”, cô giáo Phan Thị Thùy đã cố gắng thu hút học trò bằng những bài tập sáng tạo, đem đến hiệu quả thể lực tốt. Chính bản thân cô cũng luôn tự rèn luyện, đạt thành tích cao trong thi đấu để làm gương cho học trò.

Cô giáo Phan Thị Thùy là thành viên thi đấu trong đội bóng chuyền nữ của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô giáo Phan Thị Thùy là thành viên thi đấu trong đội bóng chuyền nữ của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh nhân vật cung cấp.

Mới đây, cô giáo Phan Thị Thùy vừa cùng các thành viên của đội bóng chuyền nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị xuất sắc đoạt giải Nhất, giải bóng chuyền ngành giáo dục các tỉnh Bắc Trung Bộ. Bản thân cô Thùy cũng đạt danh hiệu vận động viên nữ xuất sắc nhất giải.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, những năm học phổ thông, nữ sinh Phan Thị Thùy không chỉ học tập tốt mà còn đam mê các bộ môn thể dục, thể thao; từng đạt nhiều thành tích cao ở các giải thi đấu.

Cô Thùy chia sẻ: “Sau 4 năm học tại Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, tôi không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện được rất nhiều kỹ năng quan trọng và quý giá, được truyền cảm hứng để ngày càng tự hào với nghề mình đã chọn. Bản thân tôi luôn cố gắng học tập thật tốt để trở thành một giáo viên có chuyên môn cao, nghiệp vụ sư phạm giỏi và quan trọng nhất là thành thạo nhiều kỹ năng mềm để bắt kịp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới".

Là một giáo viên trẻ, cô Thùy cho biết mình không tránh khỏi bỡ ngỡ lúc mới đi làm, vì kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều. Với tinh thần cầu thị, cô không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và tự học, trau dồi kỹ năng sư phạm để vững vàng chuyên môn hơn từng ngày.

Trong chuyên môn, cô có nhiều ý tưởng, phương pháp hay, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rằng, giáo dục thể chất có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thể chất, tinh thần, hỗ trợ các hoạt động học tập khác.

Chính cô là người tham gia thành lập các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền; tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nhà trường... Ngoài giảng dạy, cô còn được nhà trường phân công huấn luyện các đội tuyển thể dục thể thao. Đội tuyển bóng chuyền học sinh của trường do cô huấn luyện từng đoạt giải Ba giải bóng chuyền nam, nữ cấp huyện và giải Nhất cấp tỉnh năm học 2020-2021.

Trong quá trình giảng dạy, cô khéo léo lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho học sinh như tinh thần kỷ luật, các kỹ năng vận động an toàn, khả năng kiểm soát hành vi, làm việc nhóm, phát huy tinh thần đồng đội hoặc kỹ năng xử lý một số tình huống khi bản thân hoặc bạn bè gặp nguy hiểm.

Nói về lý do chọn nghề giáo chứ không theo nghiệp vận động viên chuyên nghiệp, cô Thùy tâm sự: “Nhà giáo đối với tôi là một nghề thiêng liêng và cao quý, xuất phát từ lời của ông bà tôi kể rằng: trước đây, ông bà được dạy dỗ bởi các giáo viên đi B từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào dạy học ở Quảng Trị. Sự tận tụy của các thế hệ thầy cô đi trước ấy đã khiến ông bà tôi nhớ mãi.

Cô giáo Thùy trong buổi lên lớp thường ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Thùy trong buổi lên lớp thường ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghe chuyện về tấm gương của các thầy cô giáo đi B mà ông bà kể, trong tôi có sự thôi thúc muốn trở thành nhà giáo. Tôi lựa chọn nghề dạy học với mong muốn được góp sức mình cho sự nghiệp trồng người”.

Cũng theo cô Thùy, ngay từ nhỏ, tuy không phải là người có thể chất tốt nhất trong số các bạn bè cùng trang lứa nhưng ở nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng chuyền, cô Thùy tỏ ra có năng khiếu vượt trội. Cũng có nhiều gợi ý cô nên theo thể thao chuyên nghiệp, tuy nhiên, vì nghề giáo là ước mơ từ nhỏ nên cô Thùy chỉ mong muốn một ngày nào được đứng trên bục giảng.

Đặc biệt, hai chị em gái trong gia đình cô giáo Thùy đều theo học ngành sư phạm và sau khi ra trường đều trở về công tác, giảng dạy tại huyện Vĩnh Linh.

“Có thể, thể thao chuyên nghiệp sẽ có sự lấp lánh và vinh quang của những chiếc huy chương, có thể sẽ được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia, có thể sẽ nổi tiếng… Tuy nhiên, đối với tôi, nghề giáo lại "giàu có" sự nhiệt huyết và tận tụy, "giàu có" về tình yêu thương với học trò. Vì thế, tôi đã chọn nghề giáo từ tiếng gọi của trái tim”, cô Thùy tâm sự về lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Nói cụ thể hơn về quyết định trở thành một giáo viên môn Giáo dục thể chất, cô giáo Phan Thị Thùy cho biết: “Ước mơ học sư phạm thể dục của tôi bắt nguồn từ những trăn trở về nhiều hạn chế trong cách dạy và học bộ môn Giáo dục thể chất mà chính bản thân tôi được chứng kiến và trải qua.

Mong muốn của tôi là trở thành một nhân tố trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học không chỉ của môn Giáo dục thể chất mà còn truyền cảm hứng và góp phần phát triển thể chất cho nhiều thế hệ học sinh tương lai”.

Cô giáo Thùy xác định tự mình phải là tấm gương rèn luyện thể thao để các em noi theo mới có thể thu hút các em học môn "biết trước đáp án mà vẫn trượt". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Thùy xác định tự mình phải là tấm gương rèn luyện thể thao để các em noi theo mới có thể thu hút các em học môn "biết trước đáp án mà vẫn trượt". Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Để làm được việc này, hàng ngày, bản thân tôi vẫn đang cố gắng để học hỏi, làm chủ những phương pháp dạy học tiên tiến, phong phú; kết hợp với kiến thức dạy học giàu tính thực tiễn đã được các thầy cô ở trường đại học truyền thụ; đồng thời sử dụng công nghệ cao và tích hợp kiến thức với những vấn đề gần gũi, cấp bách trong xã hội để giúp học sinh có tư duy vững chắc và biết tạo ra được những động lực nội sinh”, cô giáo Thùy nói.

“Trong quá trình học tập và có cơ hội tiếp xúc với giáo dục một số nước tiên tiến, tôi nhận thấy rằng, ở các nước phát triển, giáo dục thể chất có vai trò rất quan trọng, nhưng với chúng ta, đại đa số phụ huynh và học sinh vẫn xem nhẹ môn học này, cho rằng đó là môn phụ, môn điều kiện cho có mà thôi.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và hướng tới những mục tiêu toàn diện của chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi hi vọng có thể góp phần thay đổi định kiến này, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rằng bộ môn Giáo dục thể chất cũng có vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thể chất, tinh thần, hỗ trợ các hoạt động học tập khác của học sinh.

Qua quá trình dạy hợp đồng ở trường, qua các câu lạc bộ thể thao (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền...), qua việc tổ chức các giải thi đấu thể thao... mà bản thân tôi phụ trách hoặc phát động ở từng nhóm lớp, tôi thấy các em học trò rất hào hứng tham gia”, cô Thùy cho biết.

Ấp ủ, dự định nhiều, tuy nhiên, cô Phan Thị Thùy vẫn là giáo viên hợp đồng nên vẫn có những suy tư nghề nghiệp riêng. “Công việc chưa ổn định được thì các ý tưởng của giáo viên, đặc biệt thể dục vẫn khó thực hiện được trọn vẹn”, cô Phan Thị Thùy trăn trở.

Trần Phương