Trong tháng 11, ngành giáo dục có ngày lễ quan trọng, ngày 20/11 kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là ngày lễ “tôn sư trọng đạo” nhằm tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục và là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với những người thầy cô đã dạy bảo mình.
Xã hội có nhiều thay đổi, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có thể không còn được như ngày xưa, nhưng những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao cả vẫn còn mãi.
Trong hàng triệu thầy cô giáo cả nước, có rất nhiều tấm gương sáng về tự học và sáng tạo, những người luôn cống hiến hết mình, mang lại sự thành công cho thế hệ trẻ hôm nay, tương lai mai sau của đất nước.
Ảnh minh họa |
Là một nhà giáo đã có gần 20 năm đứng trên bục giảng, đảm nhận nhiều vị trí giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn… qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) xin được gửi đến các cấp lãnh đạo, ban ngành một số mong mỏi của bản thân cũng như là của giáo viên trên mọi miền đất nước.
Thứ nhất, hãy mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường về chuyên môn
Hiện nay Sở/ Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý của các trường theo phân cấp quản lý về chuyên môn, một trong những khâu vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo Sở/ Phòng Giáo dục và Đào tạo lại can thiệp quá sâu vào các hoạt động chuyên môn cả trường, tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra hoặc thậm chí khảo sát giáo viên, khiến nhà trường và giáo viên thêm nhiều áp lực không cần thiết.
Người viết kiến nghị, hãy mạnh dạn trao quyền tự chủ về chuyên môn, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường về chuyên môn, chất lượng giáo viên.
Thứ hai, tuyển chọn hiệu trưởng giỏi, có tâm, có tầm
Hiệu trưởng trường học là đầu tàu của trường, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng trường học đổi mới, nâng cao chất lượng.
Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học theo chương trình mới, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động.
Chỉ cần ngôi trường nào có hiệu trưởng giỏi, có tâm, có tầm thì chắc chắn ngôi trường đó phát triển xứng tầm.
Ngược lại, nếu trường có các vị hiệu trưởng yếu, tham lam thì ngôi trường đó xem như đi xuống, mất đoàn kết, thưa kiện kéo dài, học sinh vô cùng thiệt thòi.
Nghịch lý, là các hiệu trưởng yếu kém, mất đoàn kết nhưng do có “ô” che hoặc làm việc “tàng tàng” nhưng không có cách nào để miễn nhiệm hoặc cho thôi chức với người đó vì họ không bị kỷ luật và cũng không từ chức.
Do đó, người viết cho rằng việc thi tuyển hay bổ nhiệm hiệu trưởng không quan trọng bằng việc phải chọn được hiệu trưởng có tâm trong sáng, có tầm nhìn.
Tránh tình trạng hiệu trưởng suốt đời, nếu không làm được việc, trường học đi xuống phải mạnh dạn thay thế hiệu trưởng.
Nên, mỗi năm hoặc giữa nhiệm kỳ, giáo viên được bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm hiệu trưởng.
Vì giáo viên sẽ nắm rõ nhất là hiệu trưởng có làm được việc, có tâm sáng, tư lợi hay không, xin đừng quên vai trò quan trọng của giáo viên trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức hay cách chức hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong nhà trường nên hiệu trưởng phải được chi trả phụ cấp chức vụ tương xứng để hiệu trưởng không cần phải tư lợi, vơ vét,…
Thứ ba, lựa chọn tổ trưởng chuyên môn giỏi, tâm huyết
Tổ trưởng chuyên môn chính là cánh tay nối dài của hiệu trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường.
Do đó, xây dựng lực lượng tổ trưởng chuyên môn giỏi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.
Về chính sách với tổ trưởng chuyên môn, cũng như đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hiện nay các chế độ phụ cấp chưa tương xứng trong tình hình mới, cần phải thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ của tổ trưởng chuyên môn một năm một lần cũng không phù hợp, phức tạp khi mỗi năm phải làm thủ tục bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn.
Nên, người viết cho rằng nên quy định nhiệm kỳ tổ trưởng là 5 năm, nếu do thay đổi, tách ghép tổ,…thì tùy theo tình hình do hiệu trưởng quyết định.
Ảnh minh họa |
Thứ tư, bổ sung giáo viên thiếu cho các trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 35851/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị địa phương khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên năm học 2022-2023 nhưng nếu tuyển đủ 27.850 biên chế, cả nước vẫn còn thiếu khoảng 70.000 giáo viên.
Bên cạnh đó, hai năm qua số lượng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi cũng chiếm số lượng lớn.
Do đó, nếu ngành giáo dục năm 2022-2023 tuyển đủ được 27.850 giáo viên thì vẫn không giải quyết được bài toán thiếu nhiều giáo viên trong giai đoạn tới nhất là các môn học mới.
Thiếu giáo viên, trong đó có những môn bắt buộc dạy từ lớp 3 như Ngoại ngữ, Tin học; ở trung học phổ thông là Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung Giáo dục địa phương; Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp,…gây nhiều khó khăn cho các trường.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền tuyển dụng đủ giáo viên trong thời gian sớm nhất.
Thứ năm, mạnh dạn giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng
Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay gặp khó khăn, vừa tuyển xong lại có giáo viên nghỉ hưu, bỏ việc… khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục vô cùng khó khăn.
Ngành Nội vụ tuyển dụng mỗi năm một lần khiến cho các trường bị động, nhiều sinh viên sư phạm giỏi không chờ được đến đợt tuyển dụng đã nhảy việc sang làm việc khác.
Nên, người viết kiến nghị hãy mạnh dạn giao quyền tự chủ tuyển dụng cho hiệu trưởng các trường. Trường thiếu biên chế lúc nào tuyển lúc đó, không phải mỗi năm tuyển một lần như hiện nay.
Với một số môn mới, thiếu nhiều giáo viên, kiến nghị cho xét tuyển không cần phải thi tuyển.
Thứ sáu, sớm có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo
Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong đó có nêu rõ “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”
Đến nay gần 10 năm sau khi Nghị quyết ban hành, lương giáo viên vẫn thấp vẫn không đủ sống, vẫn chưa thực hiện được theo Nghị quyết 29.
Đã đến lúc nên có một nghiên cứu hết sức cẩn trọng, thấu đáo về việc xây dựng thang, bảng lương riêng cho nhà giáo cả nước.
Nhà giáo chiếm đến 70% tổng số biên chế công chức, viên chức đang hưởng lương cả nước, là lực lượng đông đảo nhất, là ngành nghề chuyên biệt, đặc thù.
Nhưng thu nhập giáo viên hiện nay chưa tương xứng với vị thế của nhà giáo, với nghề được xem là cao quý, với nghề giáo là nghề đặc thù tạo ra những ngành nghề khác, chưa tương xứng với giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Giáo viên mới ra trường chưa đến 4 triệu đồng, giáo viên công tác 10 năm cũng chỉ khoảng 5,5 triệu đồng,… rõ ràng không còn phù hợp phải thay đổi.
Nên, xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo như quân đội, công an là vô cùng cấp thiết để nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo, đặt đúng vai trò nghề giáo trong các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình các cấp có thẩm quyền xây dựng Luật Nhà giáo, nên trong thời gian tới, hy vọng sẽ có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo.
Thứ bảy, bớt gánh nặng hồ sơ sổ sách
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo hướng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh, hướng đến giáo dục học sinh tích cực, giỏi về thực hành, vận dụng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, những trang giáo án theo Công văn 5512 mỗi bài dài hàng chục trang. Việc soạn một đề kiểm tra bao gồm ma trận, bảng đặc tả, đề, đáp án,... khuôn mẫu cũng dài hàng chục trang cho thấy bệnh hình thức chưa được thuyên giảm.
Những việc ghi nhận xét hàng trăm học sinh mà một số địa phương đang áp dụng từng học kỳ cũng khiến giáo viên ngao ngán.
Không những thế, năm học 2022-2023 ở tất cả các bài kiểm tra định kỳ bắt buộc giáo viên phải làm ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra (trong tiếng Anh gọi là test specification hay test blueprint) là một bản mô tả chi tiết, có vai trò như một hướng dẫn để viết một đề kiểm tra hoàn chỉnh. Bản đặc tả đề kiểm tra cung cấp thông tin về cấu trúc đề kiểm tra, hình thức câu hỏi, số lượng câu hỏi ở mỗi loại, và phân bố câu hỏi trên mỗi mục tiêu đánh giá.
Kèm mỗi môn có 2 đề, đáp án,… một tiết kiểm tra định kỳ ở các môn, thực hiện không dưới 30 trang giấy, vô cùng bất cập.
Giáo viên dạy đã có nhiều kinh nghiệm, chỉ cần bảng ma trận là đã xây dựng đề kiểm tra hoàn chỉnh, thêm bản đặc tả không cần thiết, hình thức. Thầy cô càng mất thời gian thực hiện hồ sơ, giáo án khuôn mẫu thì sẽ mất nhiều thời gian, mất đi sự sáng tạo.
Người viết và nhiều giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc soạn giáo án theo Công văn 2345, 5512 và bỏ quy định soạn đề kiểm tra phải kèm bản đặc tả để giáo viên chuyên tâm vào việc nghiên cứu, giảng dạy cho học sinh.
Thứ tám, nghiên cứu thấu đáo việc dạy thêm thu tiền, ban hành quy định mới về dạy thêm
Thời gian qua, Chính phủ có những chỉ đạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương án giảm học phí, giảm giá sách giáo khoa, cho học sinh mượn sách giáo khoa… được nhiều người đồng tình.
Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trung bình gia đình học sinh Việt Nam đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học, trong đó khoản chi lớn nhất là học thêm.
Hiện nay, nhiều điều khoản của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế nên rất khó trong quản lý, kiểm soát dạy thêm, nhất là dạy thêm học sinh chính khóa.
Theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng ban hành quy định về dạy thêm học thêm thay thế Thông tư 17 trong đó nên quy định rõ giáo viên được dạy thêm tối đa bao nhiêu nhóm, quy định rõ kinh phí tối đa mà người học phải đóng, cấm dạy thêm học sinh chính khóa...
Giáo viên mong muốn đồng nghiệp không phải hàng ngày phải vật lộn vừa dạy trên lớp, vừa dạy thêm, mong muốn các đồng nghiệp không vì dạy thêm mà o ép học sinh học thêm, mong muốn đồng nghiệp dạy hết lòng trên lớp, không “giấu” kiến thức để dành dạy thêm..
Thứ chín, cân nhắc việc chuyển xếp hạng, xếp lương giáo viên ở “đúng hạng”
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang hoàn thiện và chuẩn bị công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông
Tuy nhiên, việc chia hạng hiện nay còn cào bằng, hên xui, chưa đánh giá đúng năng lực, chưa thể hiện người giỏi có thành tích ở hạng cao.
Những giáo viên đang dạy ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có bằng đại học cả chục năm nay vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng (hạng III, IV cũ).
Thay vì ưu tiên đối tượng trên nếu họ đủ tiêu chuẩn hạng II, Thông tư 01 - 04 và cả dự thảo sửa đổi đều chỉ quy định họ chỉ được chuyển xếp hạng III mới và có thể phải đợi đến 9 năm sau mới được chuyển hạng II mới gây thiệt thòi cho giáo viên.
Các giáo viên hạng II cũ thì chỉ cần đủ 9 năm giữ hạng không cần căn cứ tiêu chuẩn, nhiệm vụ gì sẽ được chuyển qua hạng II mới, được tăng hệ số lương khá cao.
Người viết cũng như các giáo viên đang ở hạng III cũ đủ tiêu chuẩn hạng II mới rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để làm sao giáo viên được bổ nhiệm “đúng hạng”, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu.
Thứ mười, giảm bớt hội họp vô bổ
Hiện nay, quy định mỗi tháng tổ chuyên môn họp tổ 2 lần, họp hội đồng sư phạm 1 lần, chưa kể họp đột xuất, họp lãnh đạo… không những thế các buổi họp ra đề kiểm tra, họp chuyên đề, họp phân công giáo viên hỗ trợ thi giáo viên giỏi, họp đánh giá thi đua, họp xét nâng lương, họp do khiếu nại, thưa kiện… khiến giáo viên vô cùng mệt mỏi, áp lực.
Hiện nay, công nghệ thông tin đã có rất nhiều ứng dụng, tính năng để tăng cường sự kết nối, trao đổi thuận tiện. Việc trao đổi thông tin giữa giáo viên trong tổ chuyên môn, trong trường qua rất nhiều phương tiện Zalo, Facebook, văn phòng điện tử…rất tiện lợi.
Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những chỉ đạo và không nên quy định cứng số lần họp mà chỉ triệu tập họp khi cần thiết.
Mười một, giáo viên mong không “bỏ cuộc” khi thực hiện chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai được 3 năm, hiện nay giải pháp 1 thầy 2, 3 phân môn hay 2, 3 thầy một môn đều tồn tại nhiều bất cập, rối rắm và chưa có hướng giải quyết.
Các Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT đưa giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học tham gia các lớp chứng chỉ tích hợp khó khả thi, tốn nguồn tiền quá lớn, không phù hợp với giáo viên đã giảng dạy đơn môn hàng chục năm, gây áp lực rất lớn lên giáo viên.
Các môn tích hợp theo đánh giá của nhiều giáo viên chỉ là ghép môn nhưng lại khiến giáo viên quá vất vả, khổ sở, nếu bị “ép” phải đi học xa nhà hàng năm trời, vừa dạy vừa học chứng chỉ trên, cả người viết và nhiều giáo viên môn tích hợp có thể không trụ nổi với nghề.
Dù còn yêu nghề, còn nhiệt huyết, nhưng lại phải đi học cái chứng chỉ mà hiệu quả chưa được kiểm chứng, khiến người viết và nhiều giáo viên đều chung mong muốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy xem xét lại chương trình tích hợp, để học sinh được học với thầy giáo giỏi, khi đó mới có trò giỏi.
Mười hai, không giao chỉ tiêu bộ môn, học sinh giỏi cho giáo viên
Chính vì việc giao chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn… cao ngất ngưởng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng chạy theo thành tích bức xúc hiện nay.
Chương trình mới đánh giá theo năng lực, học sinh có thể có năng lực này nhưng không có năng lực ở bộ môn khác là điều hết sức bình thường.
Do đó, khi dạy hãy để giáo viên được đánh giá đúng năng lực người học, đừng giao chỉ tiêu, áp đặt thành tích lên giáo viên.
Có như vậy mới biết chương trình mới có ưu điểm, khuyết điểm gì để khắc phục, sửa chữa, phát huy, định hướng nghề nghiệp.
Vì thế, nên sửa quy định về đánh giá học sinh theo các Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT theo hướng hạn chế tối đa học sinh ở lại lớp, chỉ nên đánh giá năng lực, không nên cho học sinh ở lại như hiện nay.
Dạy học mà nhìn đâu cũng đạt 100% thì mất đi ý nghĩa giáo dục, trái quan điểm chương trình mới, để đúng phương châm “dạy thật, học thật, đánh giá thật”.
Ảnh minh họa |
Mười ba, cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, phụ huynh
Giáo viên hiện nay vô cùng áp lực trong công việc, đã là giáo viên ai cũng muốn học sinh nên người, muốn học sinh tiến bộ. Giáo viên mong muốn xã hội đồng hành, chia sẻ những khó khăn, vất vả của giáo viên trong giai đoạn hiện nay.
Những vụ việc, phụ huynh xông vào trường hành hung giáo viên, sẵn sàng ăn thua đủ với giáo viên không những làm môi trường giáo dục méo mó mà còn làm cho con em phụ huynh ngày càng hư hỏng và là gánh nặng của xã hội.
Hiện nay, giáo viên không được cho điểm xấu (vì các chỉ tiêu gần như 100%), không được phê bình học sinh trước lớp (theo Điều lệ trường học) đã phần nào khiến giáo viên thu mình, vô cảm trong quá trình giảng dạy, giáo dục.
Người viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những sửa đổi, thay thế, bổ sung để giáo viên trở lại vị thế người thầy, mong các phụ huynh đừng vì bênh vực con quá mức mà xảy ra các vụ việc đau lòng như thời gian qua.
Mười bốn, tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng
Hiện nay còn rất nhiều giáo viên hợp đồng chỉ được hưởng lương cơ bản hoặc chỉ hưởng lương nhân với hệ số, không được hưởng các loại phụ cấp và phúc lợi khác, thiệt thòi cho họ vô cùng.
Nhiều trong số đó là những tấm gương sáng, tiêu biểu về giáo dục, nhiều năm liền cống hiến. Mong ước lớn nhất của giáo viên hợp đồng là được trở thành viên chức,
Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định: giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào viên chức ngành giáo dục (không qua thi tuyển) nhưng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, dẫn đến nhiều người không đủ tiêu chuẩn hoặc xét không đạt.
Điều mong ước lớn nhất của nhiều giáo sinh, giáo viên hợp đồng đang giảng dạy là các cơ quan chức năng xem xét được xét tuyển đặc cách.
Hiện nay, cả nước thiếu hàng chục ngàn giáo viên, nhưng nhiều giáo viên giỏi phải hợp đồng là quá thiệt thòi cho họ.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, nên xét tuyển đặc cách với giáo viên hợp đồng (liên tục hoặc cộng dồn) từ 3 năm trở lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ để phần nào giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
Cuối cùng, mong đồng nghiệp có tâm
Để có được nền giáo dục “sạch” thì trước hết phải từ lực lượng giáo viên. Chính giáo viên đứng lớp là nhân tố quyết định thành, bại của giáo dục và đổi mới phương pháp, giáo dục kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, nhận thức… Nhưng phải nói thật rằng còn khá nhiều giáo viên chưa tâm huyết, yêu nghề, hết lòng vì học sinh.
Một số giáo viên chính là “con sâu làm rầu nồi canh” khi luôn tìm mọi “thủ đoạn” từ xúc phạm thân thể, điểm số để o ép học sinh học thêm thu tiền làm giàu cho bản thân nhưng để lại hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho nền giáo dục.
Có những giáo viên đến trường dạy kiểu “sống chết mặc bay”, dạy kiểu tới giờ thì đến lớp hết giờ ra lớp. Học sinh biết, hiểu hay không mặc kệ, cuối năm bằng cách này hay cách khác cũng đạt mọi chỉ tiêu đề ra. Những cá nhân làm việc “tàng tàng”, thiếu trách nhiệm, không tham gia các hoạt động chung của trường… nhưng lại không vi phạm gì lớn nên rất khó xử lý vì vẫn hoàn thành công việc.
Để ngành giáo dục phát triển bền vững, cần có những giải pháp, những thay đổi trong đánh giá,…để mọi giáo viên đều tận tâm với việc, làm việc hết mình, yêu thương học sinh, khi đó mới thực sự có trường học hạnh phúc.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.