Mong ước lớn nhất của giáo viên hợp đồng: Được là viên chức để an tâm gắn bó

12/09/2022 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều mong ước lớn nhất của nhiều giáo viên hợp đồng là được tạo điều kiện để được ký hợp đồng dài hạn và an tâm gắn bó với nghề.

Năm học mới đã đến, thế nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tuyển đủ giáo viên đứng lớp.

Có những sinh viên giỏi không chọn nghề giáo, những giáo sinh mới ra trường lại không ứng tuyển, những giáo viên đang giảng dạy thì bỏ việc, những giáo viên có thâm niên xin được về hưu trước tuổi.

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra ở nhiều cấp học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra ở nhiều cấp học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trong rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, việc giáo viên hợp đồng khó thi đỗ viên chức được xem là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều giáo sinh, dù đã có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ vẫn không nằm trong biên chế ngành giáo dục và phải tìm đến những công việc khác. Nhiều giáo viên trẻ đành ngậm ngùi bỏ nghề.

Thi đỗ viên chức ngành giáo dục không hề dễ

Năm 2017, tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo dục có tổng số giáo viên dự thi lên đến 3.895 người trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là 1.193 giáo viên bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Thế nhưng chỉ có 304 thí sinh trúng tuyển, so với chỉ tiêu tuyển dụng chỉ đạt 25%. Sau kết quả thi tuyển viên chức giáo dục thì cả tỉnh vẫn còn thiếu gần 900 chỉ tiêu. [1]

Năm 2018, một số người thân của giáo viên hợp đồng tại Đắk Lắk đã tố cáo hiệu trưởng nhận tiền chạy việc, lo biên chế nhưng cuối cùng con họ vẫn bị đẩy ra đường. Bỏ số tiền 120 triệu đồng chạy đi dạy nhưng nhận lương 1 triệu đồng. [2]

Năm 2019, Hà Nội tổ chức thi viên chức ngành giáo dục. Hàng nghìn giáo viên hợp đồng cho biết chưa thi đã biết mình sẽ trượt. Lý do được đưa ra, các cô sợ phải thi vì biết rằng rất khó cạnh tranh được với các bạn trẻ về ngoại ngữ, tin học.

Ngay sau khi có thông tin về kỳ thi, cô A. nhận được lời chào mời "chạy" điểm từ môi giới với giá 400 triệu đồng. Vì thế, nhiều thầy cô giáo khẳng định không sợ thi mà chỉ sợ thi không nghiêm túc, không công bằng.[3]

Từ thực tế trên thấy rằng thi vào biên chế ngành giáo dục hiện nay rất khó và còn nhiều bất cập. Không ít người phân vân bỏ một lúc vài trăm triệu đồng chỉ đổi lấy một tháng vài triệu thì liệu có nên không?

Bởi thế, đã có không ít giáo sinh không đăng ký thi tuyển mà chọn cách chuyển nghề, thậm chí đi làm công nhân.

Có không ít giáo viên đang dạy hợp đồng cũng bỏ ngang vì không đủ điều kiện vào biên chế. Họ cũng sợ rằng, một lúc nào đó khi giáo viên đã đủ rồi, sẽ bị chấm dứt hợp đồng như một số địa phương đã làm trước đây.

Mong ước thiết tha của nhiều giáo viên hợp đồng

Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề giáo viên hợp đồng. Vì thế, năm 2018, tin vui đã đến với nhiều thầy cô giáo dạy hợp đồng khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP [4] ra đời.

Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định: giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào viên chức ngành giáo dục (không qua thi tuyển) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;

- Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn);

- Ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Tuy nhiên, có nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng với số lượng giáo viên được xét tuyển rất hạn chế.

Nhiều thầy cô giáo hợp đồng đã lo sợ sự thiếu minh bạch sẽ xảy đến với họ như những ví dụ từng diễn ra ở nhiều nơi khác (đã dẫn chứng ở trên) nên sinh ra tư tưởng chán nản, bất mãn dẫn đến việc không còn thiết tha gì với nghề giáo.

Điều mong ước lớn nhất của nhiều giáo sinh, giáo viên hợp đồng đang giảng dạy là các cơ quan chức năng cần rà soát việc áp dụng việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP các địa phương để kiểm tra, nhắc nhở.

Cùng với đó là mong muốn Bộ Nội vụ nên miễn thi viên chức cho ngành giáo dục mà chuyển qua xét tuyển như những năm trước đây.

Họ cũng mong rằng, với những giáo viên đã có hợp đồng giảng dạy sẽ được cộng điểm ưu tiên khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đạt các danh hiệu thi đua như giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua các cấp.

Người viết tin rằng chỉ cần có quy định giáo sinh sau 2 năm thực tập tại cơ sở giáo dục sẽ được xét tuyển thành giáo viên hợp đồng dài hạn thì có thể thu hút được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm hơn nghề giáo, rồi giáo sinh trẻ ra trường sẽ hăng hái xin đi dạy và những thầy cô giáo trẻ sẽ gắn bó hơn với nghề.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baoquangnam.vn/xa-hoi/giao-duc/201707/thi-vien-chuc-giao-duc-nam-2017-thi-nhieu-trung-tuyen-it-745805/

[2] https://vietnamnet.vn/giao-vien-to-hieu-truong-nhan-tien-chay-viec-bang-vay-muon-435692.html

[3] https://giaoduc.net.vn/co-giao-vien-hop-dong-duoc-chao-moi-chay-vien-chuc-voi-gia-vai-tram-trieu-dong-post197301.gd

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-161-2018-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-cong-vien-chuc-thuc-hien-che-do-hop-dong-336803.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết