8 loại áp lực vô hình đang bủa vây nhà giáo

23/02/2022 06:43
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với các quy định áp chỉ tiêu thành tích, chất lượng bộ môn, duy trì sĩ số,… nếu giáo viên không đạt sẽ bị cắt thi đua khiến giáo viên rất áp lực.

Nêu quan điểm và đưa ra các giải pháp để có thể giải bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra và kỳ vọng về giáo dục trong đó có vấn đề học thật, thi thật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thật hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Bộ trưởng Sơn từng phát biểu: "Để có được sự chuyển đổi lớn theo hướng thực chất trong giáo dục, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ…”[1]

Sau chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ và những phát biểu đầy tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên rất tin tưởng trong thời gian tới đây sẽ được dạy thật, học sinh được học thật, học sinh kính trọng giáo viên, giáo viên thương yêu học sinh, không còn bất công, mua bán trong trường học, giáo viên sẽ giảm những áp lực hình thức, thành tích,...

Trong phạm vi bài viết, người viết xin được nêu những áp lực vô hình mà giáo viên đang gánh quá lớn, giáo viên không còn tâm sức để “dạy thật” thì việc học thật, thi thật, nhân tài thật sẽ khó thành hiện thực nếu không có những thay đổi trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Baohaiduong.vn

Ảnh minh họa: Baohaiduong.vn

Những áp lực quá lớn mà giáo viên đang gánh chịu

Có thể liệt kê những áp lực quá lớn mà giáo viên đang gánh chịu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như:

Thứ nhất, áp lực duy trì sĩ số

Gần như hiện nay, học sinh nghỉ học thì giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ bị cắt thi đua (thường thì lớp học chỉ cần 1 học sinh bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị cắt thi đua).

Dù dịch bệnh nhưng quy định này vẫn không giảm, nếu không thay đổi có thể sẽ có rất nhiều giáo viên chủ nhiệm bị cắt thi đua trong năm học này.

Thực tế, giáo viên nào đi dạy cũng mong các em được đến trường, được học được trở thành người tốt trong tương lai nhưng có những trường hợp học sinh nghỉ học bất khả kháng do học kém, theo gia đình đi làm,... thì giáo viên chủ nhiệm không có cách gì vận động học sinh trở lại trường.

Học sinh nghỉ học được mặc định là lỗi của giáo viên trong khi thực tế có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bỏ học.

Nếu giáo viên chủ nhiệm “xui” đầu năm chỉ cần có 1 học sinh bỏ học mà không thể vận động trở lại trường thì gần như năm học đó giáo viên chủ nhiệm có thành tích gì, giỏi ra sao vẫn không được xét thi đua. Quá bất công cho giáo viên chủ nhiệm hiện nay.

Thứ hai, áp lực về chất lượng bộ môn, học sinh giỏi

Có thể nói việc dạy học trực tuyến dài ngày đã ảnh hưởng đến chất lượng thật sự của học sinh cả nước nhưng việc giao chỉ tiêu chất lượng trên trung bình 98-99% thậm chí 100%, học sinh giỏi 40-50% là quá sức, không còn cách gì giáo viên đành phải cho điểm "ảo" cho học sinh.

Nhìn vào kết quả học tập học kỳ I mà các trường báo cáo thì vẫn rất cao dù nhiều em học sinh lớp 1, 2 vẫn chưa đọc, viết rành rọt cho thấy việc chạy theo thành tích vẫn rất nặng nề, chưa giảm so với kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Thứ ba, áp lực về hồ sơ sổ sách

Việc đổi mới ứng dụng công nghệ số, giảm áp lực hồ sơ chưa thật sự mạnh mẽ, giáo viên đã đăng tải toàn bộ thông tin trên phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức tại địa chỉ quanlycbccvc....gov.vn nhưng khi làm hồ sơ thăng hạng, nâng lương, nâng lương trước hạn, bổ nhiệm quản lý,… vẫn phải photocopy (kèm công chứng) một loạt giấy tờ nên quá hình thức.

Quá trình đóng bảo hiểm xã hội đã được cập nhật đầy đủ trên phần mềm VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam…. nhưng giáo viên phải lên trên phần mềm đó ghi lại thông tin và cập nhật vào phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức thì rõ ràng không hợp lý, thiếu đồng bộ giữa các công cụ quản lý.

Trong bài viết “Mong Bộ Giáo dục bỏ mẫu GA 5512 và chỉ đạo các sở giảm hồ sơ, sổ sách giáo viên” [2] của tác giả Bùi Nam có nêu giáo viên phải thực hiện đến 15-16 hồ sơ mỗi năm học cho thấy sự đổi mới, ứng dụng công nghệ số còn nhiều bất cập.

Thứ tư, áp lực về xử lý học sinh “cá biệt”

Hiện nay, khi học sinh vi phạm quy định vi phạm kỷ luật, giáo viên không được xúc phạm, phê bình, cho điểm kém,... khiến giáo viên lúng túng, ngày càng có nhiều học sinh "cá biệt" hơn.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa có thái độ đúng mực đối với giáo viên nhiều phụ huynh sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” khi học sinh bị xử lý, một số lại giao khoán cho giáo viên nên giáo viên cảm thấy áp lực.

Giáo viên bị xử lý càng nhiều thì càng thu mình, vô cảm nên việc giáo dục sẽ khó tiến bộ.

Thứ năm, áp lực chứng chỉ vẫn còn

Theo các văn bản hiện hành thì nhiều chứng chỉ như Tin học, Ngoại ngữ đã được bãi bỏ, giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp,… tuy nhiên do chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi triển khai thì tại các địa phương khi làm hồ sơ, đánh giá chuẩn nghề nghiệp, bổ nhiệm, thăng hạng vẫn yêu cầu các chứng chỉ trên.

Việc xuất hiện các chứng chỉ như là những “giấy phép con” hành giáo viên.

Thứ sau, áp lực lớn các hội thi

Một năm học có quá nhiều hội thi của giáo viên và học sinh như: Giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, học sinh giỏi, các hội thi công đoàn, văn nghệ ngành, các cuộc thi gắn mác quốc tế,... khiến giáo viên và học sinh vô cùng vất vả, áp lực khi hiệu quả của nó chưa được kiểm chứng.

Thậm chí giai đoạn dịch phức tạp nhưng các địa phương vẫn tổ chức các kỳ thi online khiến giáo viên và học sinh vô cùng căng thẳng, áp lực.

Về phong trào khác có tổ chức khai giảng, trung thu, ngày 20/11, ngày 8/3, bế giảng,… dịp nào nhà trường cũng tổ chức hoạt động.

Ngày 20/11 là ngày của giáo viên nhưng giáo viên còn vất vả hơn ngày thường, có giáo viên phải cắt dán, trang trí xong phải đứng tiếp khách mệt nhoài.

Thứ bảy, áp lực hội họp, dự giờ

Hiện nay, việc truyền tải thông tin giữa ban giám hiệu với giáo viên, học sinh được thực hiện qua nhiều phương tiện như văn phòng điện tử, mail, zalo,… một cách nhanh chóng và kịp thời.

Do đó, việc họp tổ chuyên môn 2 lần/tháng, họp hội đồng 1 lần/tháng, họp xét nâng lương, họp đột xuất… không cần thiết làm tốn nhiều thời gian và không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Việc họp theo kiểu thông báo, họp cho đủ quy định nên được bãi bỏ, chỉ duy trì những cuộc họp cần lấy ý kiến biểu quyết và những cuộc họp quan trọng.

Bên cạnh đó nhiều trường quy định giáo viên phải dự giờ, bị dự giờ quá nhiều khiến giáo viên căng thẳng.

Thực tế, một số nơi quy định giáo viên phải có sổ họp, sổ ghi dự giờ là không còn phù hợp. Quan trọng là thực thi nhiệm vụ tốt hay không mà không phải ghi sổ đẹp hay không.

Thứ tám, áp lực thu tiền học sinh

Một vấn đề đau đầu, nhức nhối ảnh hưởng đến thời gian làm việc, hình ảnh của giáo viên chủ nhiệm là việc bị “ép” thu tiền học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm phải thu đủ các loại tiền như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, học phí, quỹ phụ huynh, quỹ heo đất, quỹ hổ trợ, sách giáo khoa,... khiến giáo viên giống như người đi “đòi nợ” hơn là nhà giáo dục.

Với các quy định áp chỉ tiêu thành tích, chất lượng bộ môn, duy trì sĩ số,… nếu giáo viên không đạt sẽ bị cắt thi đua, không được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ,... có thể bị tinh giản bất cứ lúc nào khiến giáo viên áp lực nên sức phấn đấu giảm sút.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ rất khó.

Rất mong, với trách nhiệm là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và chỉ đạo cụ thể giảm dần những việc hình thức, áp lực không đáng có để giáo viên yên tâm dạy thật và học sinh sẽ dần dần học thật, thi thật, nhân tài thật như chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-nguyen-kim-son-neu-giai-phap-de-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-911151.ldo

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mong-bo-giao-duc-bo-mau-ga-5512-va-chi-dao-cac-so-giam-ho-so-so-sach-giao-vien-post223791.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên