Phó GĐ Sở Giáo dục Kon Tum: Đừng vì có tranh cãi mà kiến nghị dừng cuộc thi KHKT

16/02/2023 06:41
Bắc Sơn
GDVN-Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thực sự của cuộc thi khoa học kĩ thuật là điều quan trọng và cần thiết để tránh những hạn chế, tiêu cực

Có nên dừng cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh?

Đến nay, đã hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013.

Trước những ý kiến cho rằng nên “dẹp bỏ” cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh để tránh bệnh thành tích trong giáo dục, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Thành Nhân - Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum bày tỏ quan điểm:

“Mục đích của cuộc thi khoa học kĩ thuật là nhằm khuyến khích học sinh cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống, vấn đề đặt ra trong đời sống.

Qua đó, phát hiện những nhân tố có khả năng nghiên cứu khoa học, ý tưởng sáng tạo để bồi dưỡng và phát triển, chọn 2 dự án đạt giải cao nhất tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Đồng thời, đây là dịp để các đơn vị giáo dục có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi hiệu quả, thiết thực.

Vì vậy, cần duy trì những cuộc thi như thế này để thúc đẩy hơn nữa hoạt động dạy và học trong nhà trường, không phải vì những lùm xùm của dư luận xã hội mà đòi bỏ”.

Tiến sĩ Đoàn Thành Nhân- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Kon Tum năm học 2022-2023. Ảnh: Đắc Vinh

Tiến sĩ Đoàn Thành Nhân- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Kon Tum năm học 2022-2023. Ảnh: Đắc Vinh

Với tinh thần như vậy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết, Sở không đặt nặng áp lực cho các cơ sở giáo dục địa phương vì rất dễ nảy sinh bệnh thành tích mà thay vào đó, đơn vị luôn khuyến khích các cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh khuyến khích, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường ngay từ đầu năm học.

Về những lo ngại có gian lận trong thi khoa học kĩ thuật, ông Nhân bày tỏ quan điểm điều này không xảy ra tại địa phương do đơn vị không đặt nặng thành tích cho các trường. Sở Giáo dục Kon Tum thực hiện cuộc thi theo đúng chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT, ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông) và trong nhiều năm qua chưa có phản ánh gian lận trong kì thi này.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng của cuộc thi, theo ông Nhân, việc chọn đội ngũ ban giám khảo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum thường mời các nhà khoa học là giảng viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham gia vào đội ngũ ban giám khảo.

“Ban giám khảo phải là những người có chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình tổ chức và triển khai, chúng tôi luôn quán triệt tới ban giám khảo thực hiện chấm thi công khai, minh bạch, không có chuyện nâng đỡ vì thành tích”, ông Nhân khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Kon Tum cho hay, những năm qua, cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật tạo được sự lan tỏa rất lớn trong các đơn vị trường học, đặc biệt sự tham gia tích cực của nhiều em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bế mạc và trao giải Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tỉnh Kon Tum, năm học 2022 - 2023. Ảnh: Đắc Vinh

Bế mạc và trao giải Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tỉnh Kon Tum, năm học 2022 - 2023. Ảnh: Đắc Vinh

Theo đó, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Kon Tum có 202 dự án đăng ký tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật. Các dự án đến từ 30 trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh của 372 học sinh. So với năm học 2021-2022, số lượng năm nay tăng thêm 59 dự án, 3 trường và 114 học sinh tham gia.

Trong đó, có 3 lĩnh vực có nhiều dự án nhất là Khoa học xã hội và hành vi 65 dự án; Kỹ thuật cơ khí 30 dự án và Kỹ thuật môi trường 24 dự án. Qua thẩm định, toàn bộ 202 dự án được phê duyệt tham gia Cuộc thi.

Nhận xét về chất lượng của các sản phẩm dự thi cuộc thi khoa học kĩ thuật trên địa bàn tỉnh, ông Nhân đánh giá các dự án tham dự cuộc thi được đầu tư công phu, đa dạng về lĩnh vực, các em học sinh đã chủ động vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra và có tính ứng dụng cao.

Trong đó có nhiều đề tài nổi bật, nghiên cứu những vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhận diện các bệnh phổ biến và đánh giá tình hình sức khỏe ở bò, chẩn đoán sâu bệnh mùa màng cây cà phê, thiết bị nướng cơm lam bán tự động,...

Kon Tum là địa bàn vùng miền núi, do vậy không có nhiều cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. Ông Nhân cho biết, đây là một trong những hạn chế và khó khăn của đơn vị khi triển khai cuộc thi, vì sẽ không có nhiều cơ hội để tận dụng các phòng thí nghiệm hiện đại của trường đại học, hay được nhà khoa học đầu ngành hỗ trợ nhiều hơn về mặt chuyên môn,...

Do vậy, thế mạnh các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở Kon Tum chủ yếu lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, tin học và khoa học máy tính,... các lĩnh vực khoa học tự nhiên có phần hạn chế hơn.

Giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kĩ thuật

Học sinh Kon Tum chụp ảnh kỉ niệm tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh năm học 2022-2023. Ảnh: Đoàn trường trung học phổ thông Kon Tum

Học sinh Kon Tum chụp ảnh kỉ niệm tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh năm học 2022-2023. Ảnh: Đoàn trường trung học phổ thông Kon Tum

Xác định mục tiêu chính của cuộc thi khoa học kĩ thuật chính là để tạo sân chơi cho học sinh, giúp các em có cơ hội tiếp xúc với khoa học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chia sẻ một số giải pháp giúp nâng cao hiệu quả cuộc thi.

Theo ông Nhân, việc đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thực sự của cuộc thi khoa học kĩ thuật là điều quan trọng và cần thiết để tránh những hạn chế, tiêu cực.

“Sau mỗi lần tổ chức cuộc thi, chúng tôi luôn có đánh giá chi tiết về những mặt được, chưa được trong quá trình triển khai. Từ đó, quán triển và chỉ đạo tới các hiệu trưởng nhà trường khắc phục và đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới”, ông Nhân nói.

Trong bối cảnh thực hiện chương trình mới, việc đổi mới trong giáo dục dạy và học là điều cần thiết. Do vậy, luôn phải gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, biến nghiên cứu khoa học thành động lực, khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cũng chú trọng vào công tác tập huấn cho đội ngũ nhà giáo tham gia hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học kĩ thuật, về các quy trình, nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học…

Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ các trường đại học đóng trên địa bàn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ các nhà khoa học - với vai trò hướng dẫn, định hướng và tư vấn cho học sinh phát triển thêm những ý tưởng của các em.

Ngoài ra, ông Nhân cho biết, bên cạnh những khen thưởng theo quy định, Sở Giáo dục Kon Tum cũng vận động thêm tài trợ từ nguồn xã hội hóa để động viên, khích lệ các em học sinh, thầy cô giáo kịp thời.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh là một sân chơi bổ ích và mang lại nhiều giá trị, đóng góp tích cực trong hoạt động dạy và học. Với những tiêu cực như dư luận phản ánh, theo ông Nhân, cần có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp để tránh những tiêu cực chứ không nên bỏ đi cuộc thi ý nghĩa này.

Bắc Sơn