10 năm thi KHKT QG học sinh: Làm gì để tăng ứng dụng, bớt dự án "siêu phàm"

10/08/2022 06:58
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Theo Bộ Giáo dục, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học là một hành trình nhiều dấu ấn nhưng cần sự thay đổi phù hợp.

Ngày 5/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. [1]

Một hành trình nhiều dấu ấn nhưng cần sự thay đổi phù hợp

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013.

Qua 10 năm tổ chức cuộc thi, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học ở cấp địa phương ngày càng phát triển từ số dự án đến số học sinh tham gia cuộc thi.

Tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137), nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Số liệu thống kê 10 năm tổ chức Cuộc thi khoa học kĩ thuật. (Ảnh: moet.gov.vn)

Số liệu thống kê 10 năm tổ chức Cuộc thi khoa học kĩ thuật. (Ảnh: moet.gov.vn)

Hằng năm, từ kết quả cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.

Bên cạnh những kết quả, dấu ấn tốt đẹp qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cũng đứng trước yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với đổi mới chung của giáo dục phổ thông.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật thiếu ứng dụng thực tiễn?

Ngày 7/8/2022, Báo Lao Động đăng tải bài viết "Tổng kết 10 năm thi khoa học kĩ thuật: Thừa lời khen, thiếu ứng dụng thực tiễn". [2]

Bài báo có một số nội dung phản biện bài viết "10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật: Nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ khoa học cho học sinh" ngày 5/8/2022 trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung bài viết phân tích, sau 10 năm tổ chức Cuộc thi khoa học kĩ thuật, vẫn không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bao nhiêu dự án đạt giải có ứng dụng thực tế, được doanh nghiệp mua bản quyền hoặc tài trợ phát triển, được cấp bằng sáng chế, được sản xuất, áp dụng rộng rãi trong thực tế.

"Có rất nhiều các dự án của học sinh đạt giải đã làm giới khoa học kinh ngạc về độ khó, phức tạp, hàn lâm ngang tầm luận án tiến sĩ, theo nhiều người nhận định chỉ có “thần đồng, Thánh Gióng” mới làm được", theo Lao Động.

Nhận định Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh (trung học cơ sở, trung học phổ thông) thiếu ứng dụng thực tiễn trên Lao Động khiến dư luận xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học, tranh cãi trái chiều.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết trên Lao Động thì cũng có luồng ý kiến cho rằng, nhiều đề tài của các nhà khoa học cũng chưa được ứng dụng thì làm sao có thể đòi hỏi học sinh đối với yêu cầu này.

Bởi, mục đích các cuộc thi này không phải là tìm ra các giải pháp áp dụng được, mà là để tạo sân chơi cho lứa tuổi học sinh có cơ hội tiếp xúc với khoa học kĩ thuật. Vì vậy, đặt nặng việc áp dụng cho một cuộc thi cho học sinh là không hợp lí.

Cá nhân người viết cho rằng, muốn đánh giá các đề tài khoa học kĩ thuật có tính ứng dụng thực tiễn hay không thì phải xem xét dựa trên các phương diện liên quan.

Ngày 2/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Điều 2 cho biết mục đích của cuộc thi này như sau:

- Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống;

- Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học;

- Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học;

- Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Nhìn một cách tổng thể, Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học 10 năm qua đã phần nào đáp ứng được mục đích theo Thông tư 38/2012/TT-BGDĐ, đó là vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Minh chứng, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành trên cả nước đều công bố các dự án đạt giải của cuộc thi này. Theo ghi nhận của người viết, rất nhiều đề tài khoa học kĩ thuật vừa tầm với học sinh trung học và ít nhiều đều có tính ứng dụng.

Chẳng hạn, các dự án “Nghiên cứu hành vi so sánh xã hội trong học tập của học sinh trung học phổ thông tỉnh Hà Tĩnh” (nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh) và “Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động” (học sinh Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được chọn tham dự Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia 2022. [3]

Hay dự án “Nghiên cứu làm than hữu cơ không khói từ những phế phẩm có sẵn tại địa phương” (nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú, Đồng Nai) đã đạt giải tư Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2022. [4]

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những dự án có tính ứng dụng thì vẫn còn nhiều đề tài quá tầm với học sinh trung học, kể cả các nhà khoa học chuyên ngành.

Ví dụ, các dự án liên quan đến việc phát hiện, điều trị bệnh hiểm nghèo (ung thư), vật liệu mới, thiết bị công nghệ cao trong y tế, phòng chống COVID-19, chống biến đổi khi hậu, cứu hộ... Thậm chí, có một số đề tài được cho là ngang tầm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Được biết, giữa tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động của Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. [5]

Nội dung khảo sát có câu hỏi: “Thầy/Cô có những đề xuất gì về việc tiếp tục tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật" với các phương án trả lời:

A. Nên xem xét dừng một thời gian để tìm biện pháp tổ chức phù hợp hơn; B. Nên tiếp tục tổ chức nhưng có những cải tiến cho phù hợp; C. Nên có sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ; D. Nên tăng số đề tài của tỉnh, thành tham dự cuộc thi toàn quốc”.

Là giáo viên bậc trung học phổ thông có nhiều năm tham gia hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tôi chọn phương án "nên tiếp tục tổ chức nhưng có những cải tiến cho phù hợp".

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu thêm, làm sao để sân chơi khoa học là của học sinh, không là “sàn đấu” của các nhà trường thì cuộc thi này mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8019&fbclid=IwAR0TKsrmlIiL6XrR_7fA-TPl_qQ8yGCbhp-5_AY-7GRHgXgj67c9Vm3U7Co

[2] https://laodong.vn/ban-doc/tong-ket-10-nam-thi-khkt-thua-loi-khen-thieu-ung-dung-thuc-tien-1078002.ldo

[3] https://baohatinh.vn/giao-duc/69-san-pham-dat-giai-cuoc-thi-khkt-cap-tinh-ha-tinh-nam-hoc-2021-2022/226407.htm

[4] http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202203/hoc-sinh-vung-sau-dat-giai-cuoc-thi-khkt-cap-quoc-gia-3109025/index.htm

[5] https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-hoi-y-kien-giao-vien-co-nen-dung-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-1067835.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên