Thi KHKT nếu không được ưu tiên vào thẳng ĐH, HS có còn 'đẻ' ra đề tài tầm TS?

11/04/2022 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục nên dừng cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu đích đến chỉ là giải thưởng.

Ngày 2/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. [1]

Theo đó, cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật đã đề ra nhiều mục đích tốt đẹp với kì vọng đây là sân chơi bổ ích dành cho học sinh. Nhưng qua 10 năm tổ chức, sân chơi này đã có không ít lùm xùm khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn.

Sân chơi khoa học kĩ thuật đang có dấu hiệu đi quá xa

Những năm qua, nhiều nhóm học sinh trung học phổ thông đã vận dụng kiến thức để nghiên cứu một số dự án khoa học kĩ thuật đạt giải Nhất quốc gia mang tính thực tiễn như: "Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sapa" (nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai, Lào Cai, 2020). [2]

"Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh trung học phổ thông trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học" (Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai, Lào Cai, 2021). [3]

"Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" (Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội, 2022). [4]

Bên cạnh một số thành quả đạt được của cuộc thi, hiện dư luận cho rằng sân chơi này đang có dấu hiệu đi quá xa - khi nhiều đề tài được đánh giá là phải ở tầm Tiến sĩ. Vì thế, không ít nghi ngờ có bàn tay can thiệp của giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học.

Những nghi vấn này là hoàn toàn có cơ sở, bởi hàng loạt dự án đạt giải Nhất qua các năm 2020, 2021, 2022 đều nghiên cứu về ung thư - là quá sức với học sinh bậc phổ thông. [2], [3], [4]

Các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật năm 2022. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn)Các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật năm 2022. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn)

Đơn cử như năm 2020 có các dự án như: "Nghiên cứu mối liên quan của đa hình đơn nucleotide với ung thư vòm họng để đánh giá nguy cơ của đối tượng nhiễm EBV trong cộng đồng" (nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Hà Nội);

"Nghiên cứu chế tạo vật liệu đa chức năng kích thước nano định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư" (Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).

Năm 2021, dự án “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” (Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn và Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hoá).

Năm 2022, dự án "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)" (Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên, Thái Nguyên).

Liên tiếp "lùm xùm" tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia

Từ năm 2019, cuộc thi khoa học kĩ thuật đã xảy ra kiện cáo của một số phụ huynh tại Hải Phòng vì cho rằng kết quả thẩm định không công bằng - trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster).

Tiếp đến, năm 2021, dự án đạt giải Nhất “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng được dư luận đặt nhiều băn khoăn vì na ná dự án đoạt giải Nhì “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của nhóm học sinh Ninh Bình dự thi ở năm trước.

Điều đáng nói, cả hai dự án này đều từ Trường Trung học phổ thông Hoa Lư và do một giáo viên hướng dẫn.

Và một số dự án đạt giải Nhất năm 2022 được các Báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nghi vấn giống các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó và được đánh giá là quá sức với học sinh. [5], [6], [7]

Đích đến của cuộc thi khoa học kĩ thuật là gì?

Điều 2 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT cho biết, mục đích cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật là "khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống".

Tuy vậy, hàng loạt dự án "tầm cỡ" như đã dẫn thì không còn mang tính "thực tiễn" nữa mà rất hàn lâm, mang tính chuyên ngành chuyên sâu, theo tôi là tầm giáo sư, tiến sĩ mới có khả năng thực hiện.

Bên cạnh đó, cuộc thi "góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Cá nhân tôi nhận thấy, giáo viên rất khó áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học kĩ thuật vào dạy học vì phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp sư phạm hoàn toàn khác nhau, vậy thì làm sao "phát triển năng lực học sinh"?

Giáo viên chỉ có thể lấy kết quả nghiên cứu của nhóm học sinh (1 nhóm có 2 học sinh) thay cho kết quả học tập của nhóm đó, chứ không thể thay cho cả lớp nên mong muốn "nâng cao chất lượng dạy học" là chuyện xa vời.

Cùng với đó, cuộc thi nhằm "khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học".

Sở dĩ học sinh có thể nghiên cứu về ung thư và có sản phẩm đạt giải là nhờ sự "hướng dẫn" của giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học (ở trường đại học). Chẳng biết các em thực hiện được bao nhiêu % công đoạn của dự án hay phần lớn do nhà khoa học đảm nhiệm? Vậy thì cuộc thi khoa học kĩ thuật hàng năm dành cho học sinh hay chuyên gia?

Ngoài ra, cuộc thi còn "tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế".

Học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật có sản phẩm đạt giải mà chỉ nhằm "giới thiệu kết quả, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế", sao nghe mơ hồ, có vẻ hình thức, không đúng với bản chất của việc nghiên cứu khoa học.

Lẽ ra, những dự án đạt giải phải được ứng dụng vào thực tiễn thì việc nghiên cứu khoa học mới mang lại giá trị thiết thực. Đằng này, hàng trăm dự án đạt giải sau cuộc thi thường xếp vào thư viện, phòng truyền thống nhà trường làm minh chứng cho thành tích hay chỉ để... tự hào thì nào có ích gì.

Thay lời kết

Điều 22, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT quy định học sinh khi đạt giải nghiên cứu khoa học kĩ thuật (tập thể hoặc cá nhân) đều được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng. Học sinh đoạt giải trong cuộc thi được hưởng các quyền lợi trong học tập và các quyền lợi khác theo các quy định hiện hành.

Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/05/2019 ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông quy định tuyển thẳng, ưu tiên đối với tuyển sinh trung học phổ thông dành cho học sinh đạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT cũng đưa ra quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Vậy nên dư luận băn khoăn, nếu không cộng điểm hay ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật, liệu rằng thầy, trò có mặn mà với sân chơi này hay không?

Tôi cho rằng, nếu đích đến của sân chơi này chỉ là giải thưởng, cộng điểm hay ưu tiên tuyển thẳng thí sinh đạt giải thì tốt nhất Bộ Giáo dục nên dừng cuộc thi để tránh những hệ lụy - đó là tốn thời gian, công sức, tiền bạc, áp lực lên thầy trò và nguy hại nhất là làm cho học sinh ứng xử thiếu trung thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

[2] //dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/11-du-an-doat-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-20200620121753548.htm

[3] //tuoitre.vn/12-du-an-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-20210327220522992.htm

[4] //vnexpress.net/12-du-an-giai-nhat-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-4444418.html

[5] //tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm

[6] //thanhnien.vn/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hoc-sinh-thpt-de-phuc-vu-ai-post1444987.html?fbclid=IwAR2VNtRP-gfBR3B09vM96iMNzyU2sqTxCK4va5GWN_NXpcIZsgcyLCjrq_g

[7] //plo.vn/giao-duc/du-an-dat-giai-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-trung-hoc-giong-luan-van-thac-si-1052004.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên