Theo Báo cáo tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học. Xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đây là khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Cụ thể, về giáo dục mầm non: Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, đảm bảo cho trẻ em được hình thành nền tảng ban đầu cho những phẩm chất và kỹ năng sống cơ bản; tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1. Tổ chức chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vào lớp 1.
Duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/ năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/ năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế. Đến năm 2030, chất lượng giáo dục mầm non trong vùng ngang bằng với mặt bằng chung cả nước.
Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2030, huy động được ít nhất là 30 - 50% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 80 - 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường; 99,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phấn đấu đạt khoảng 30%. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.
Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Về giáo dục phổ thông: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông trong vùng bảo đảm điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất ở những địa bàn vùng khó khăn. Duy trì hệ thống giáo dục phổ thông công lập, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở giáo dục phổ thông tư thục nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh trong vùng phát triển.
Tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nhằm tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có điều kiện học tập và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong vùng. Duy trì ổn định chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học ở các mức độ 2 đạt 97,5% và mức độ 3 đạt 95%. Đến năm 2030, duy trì kết quả của mức độ 1, nâng dần mức độ 2 lên 98,5% và mức độ 3 lên 95%. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 20% số tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong vùng đến năm 2025 và năm 2030 duy trì và đạt trên 99%.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học phổ thông trong vùng đến năm 2025 và năm 2030 duy trì ở mức trên 98%. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%.
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong vùng; đảm bảo đủ giáo viên về số lượng, cơ cấu.
Kiên cố hóa trường, lớp học, giải quyết tình trạng phòng học nhờ, nhà vệ sinh và công trình nước sạch; phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt trên 12%; mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú tại các huyện có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, nghề nghiệp, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm, thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học...
Ảnh minh hoạ: NP |
Thực hiện tốt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025; nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Phấn đấu đến năm 2030, 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông, 10% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên; 20% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (trong số 15% học sinh vào giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, có 5% số học sinh vào các luồng khác).
Phấn đấu đến 2030, chất lượng giáo dục phổ thông trong vùng ngang bằng với bình diện chung trên toàn quốc.
Về giáo dục thường xuyên: Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đảm bảo về cơ sở sở vật chất, thiết bị dạy học, số lượng và cơ cấu giáo viên để dạy các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Phấn đấu đến năm 2030, trên 80% các cơ sở giáo dục thường xuyên triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; trên 50% các huyện của các tỉnh trong vùng được công nhận là huyện học tập.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ để nâng cao tỷ lệ biết chữ cho người dân, nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Phấn đấu đến năm 2030, 90% các huyện của các tỉnh trong vùng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 90% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên chiếm tỷ lệ 98% vào năm 2025 và 99,5% vào năm 2030.
Về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt.
Phát triển thị trường lao động, kết nối thông tin thị trường lao động trong vùng với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển vùng. Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động là người dân tộc thiểu số.
Tăng tỷ lệ số người học đại học, cao đẳng trong độ tuổi. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%.
Tây Nguyên định hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2045, phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với các vùng khác trên cả nước và từng bước tiệm cận với nền giáo dục trong khu vực.
Thiết lập một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời; quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục; tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.
Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng; Thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục trong vùng đạt mức cơ sở vật chất tối thiểu.