Lắng nghe chia sẻ của Phó GĐ Sở Giáo dục Đắk Lắk về tình hình triển khai CT mới

30/03/2023 06:45
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần tăng thêm biên chế cho ngành giáo dục để đáp ứng cơ cấu đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai từ năm học 2020-2021, đến nay đã được áp dụng đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Qua ba năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của toàn ngành, chương trình mới đã dần tạo dựng được niềm tin trong giáo viên, học sinh và toàn xã hội.

Dẫu vậy, hành trình đổi mới vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Đặc biệt ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thực hiện chương trình mới càng cần nhiều hơn sự nỗ lực của các thầy cô giáo.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Để tìm hiểu về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tỉnh Đắk Lắk – một địa phương còn nhiều khó khăn của khu vực Tây Nguyên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Đổi mới là “cuộc vật lộn” khó khăn với các thầy cô

Phóng viên: Thưa thầy, trải qua 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta có thể thấy những tín hiệu tích cực trong đổi mới giáo dục, song vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Với một địa phương vùng núi như Đắk Lắk, đâu là khó khăn mà ngành giáo dục đang phải tháo gỡ?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên chúng ta có một chương trình tổng thể theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chương trình được xây dựng theo đồng trục đồng tâm, từ lớp 1 đến lớp 12 rất khoa học, gắn với thực tiễn, đây cũng là chương trình tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Chúng ta đã có một chương trình hay, nhiều điểm mới tích cực nhưng phải triển khai trong một giai đoạn đầy khó khăn.

Là một trong những tỉnh miền núi của vùng Tây Nguyên với 49 dân tộc anh em sinh sống, đa dạng văn hoá truyền thống, số lượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số rất cao (gần 35%), có đến 15 trường phổ thông dân tộc nội trú cơ sở và có 2 trường phổ thông nội trú cấp tỉnh, Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khó khăn thứ nhất là về vấn đề đội ngũ, tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 2.158 giáo viên, trong đó giáo viên mầm non là 1.200, bậc tiểu học là 795, trung học cơ sở: 63, trung học phổ thông: 100 (số liệu tính đến ngày 31/01/2023). Đặc biệt, bậc tiểu học thiếu giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ, trung học phổ thông thiếu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc.

Ngoài ra, những môn học tích hợp và các hoạt động giáo dục (hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, dạy học STEM) cũng chưa có giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn để đứng lớp, giáo viên chưa đủ năng lực để dạy học các môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thách thức về đội ngũ còn ở việc đổi mới phương pháp dạy học. Lâu nay, chúng ta thực hiện dạy học theo lối truyền thống, bây giờ chuyển sang theo dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học, đây cũng là một cuộc vật lộn rất khó khăn với nhiều thầy cô.

Với bậc trung học phổ thông, yêu cầu các trường phải sắp xếp các tổ hợp môn tự chọn cũng là một bài toán nan giải, trong khi ngũ giáo viên đang thiếu về số lượng thì cơ cấu giáo viên trong nhà trường cũng bị ảnh hưởng .

Thiếu giáo viên là thách thức lớn trong quá trình triển khai chương trình mới ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Thiếu giáo viên là thách thức lớn trong quá trình triển khai chương trình mới ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Khó khăn thứ 2 là về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Hiện tỉnh ĐắK Lắk chỉ mới kiên cố hóa trường học được khoảng 71%, còn lại các nhà trường chưa đáp ứng được điều kiện để dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai chương trình mới, tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các thầy cô giáo, song thiếu trang thiết bị dạy học vẫn là một thách thức lớn. Bởi lẽ, dạy học theo chương trình mới có những đồ dùng học tập, thiết bị không thể kế thừa mà cần được mua mới.

Với một tỉnh đặc thù như Đắk Lắk, chênh lệch điều kiện học tập giữa các vùng rất lớn nên việc triển khai chương trình mới cũng có những khó khăn riêng. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở vật chất, văn hoá truyền thống, năng lực người học, … cũng chính là những thách thức lớn trong thực hiện chương trình mới.

Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng là những bài toán đặt ra trong công cuộc đổi mới giáo dục của tỉnh nhà.

Dẫu còn nhiều thử thách phía trước nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự quyết tâm của toàn ngành, những “nút thắt” này sẽ từng bước được tháo gỡ.

Phóng viên: Có thể thấy, thiếu giáo viên đang là bài toán nan giải với nhiều địa phương trong giai đoạn thực hiện chương trình mới. Thầy có thể chia sẻ những giải pháp mà ngành giáo dục Đắk Lắk đã thực hiện để giải quyết vấn đề này?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Đảm bảo về số lượng đội ngũ trong giai đoạn hiện nay là một thách thức, vì theo quy định, hằng năm phải tinh giản 10% biên chế. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã có quyết định bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, tuy nhiên, công tác tuyển dụng rất khó khăn, giáo viên vẫn thiếu rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra giải pháp dạy liên cấp, liên trường để cân đối được đội ngũ đảm bảo chương trình học tập.

Cụ thể, các trường trong cùng một cụm, trường này không có giáo viên thì phải hợp đồng với giáo viên ở một trường khác để dạy. Hay ở những vùng sâu vùng xa, trường tiểu học thiếu giáo viên thì các thầy cô trường trung học cơ sở sẽ dạy liên cấp. Các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu uỷ ban nhân dân huyện để thực hiện tốt nhất giải pháp này, khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, không để học sinh nào bị bỏ lỡ môn học nào vì thiếu giáo viên.

Đối với dạy học môn tích hợp, khi chưa có giáo viên được đào tạo đúng nghĩa theo các môn tích hợp, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ liên môn phải tổ chức sinh hoạt liên môn và xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp.

Hiện tỉnh cũng có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo theo các chương trình để giáo viên được bồi dưỡng và có chứng chỉ dạy học môn tích hợp.

Cùng với đó, cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đều được bồi dưỡng chương trình nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, tỉnh còn có chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm và quan trọng hơn là bồi dưỡng tại chỗ (tại trường) - thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, ở đó thầy cô giáo biến cả quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng.

Phóng viên: Một trong những điểm mới và là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục các tỉnh/thành phố là xây dựng chương trình giáo dục địa phương. Tại tỉnh Đắk Lắk, xây dựng chương trình giáo dục địa phương đã được triển khai như thế nào, thưa thầy?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với cấp tiểu học, nội dung chương trình giáo dục địa phương được tích hợp vào hoạt động trải nghiệm, với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì đây là một hoạt động giáo dục bắt buộc, tài liệu giáo dục địa phương cũng là tài liệu quan trọng như sách giáo khoa.

Thời gian đầu để triển khai biên soạn tài liệu cho chương trình giáo dục địa phương đầy khó khăn, tỉnh phải tính toán từ việc xây dựng khung chương trình đảm bảo đồng trục đồng tâm, không để nội dung chồng chéo, đảm bảo kiến thức tích hợp, rồi đến lựa chọn kiến thức phù hợp với từng lớp học, cấp học,…

Ngành giáo dục Đắk Lắk đã thực hiện theo đúng quy trình, quá trình biên soạn lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nhà văn hoá, ý kiến của các cơ quan chức năng (ban tuyên giáo tỉnh uỷ, các cơ quan chức năng liên quan,…)

Yêu cầu đặt ra khi biên soạn tài liệu giáo dục địa phương là chúng ta phải am hiểu sâu sắc, tường tận về địa lý, văn hoá, lịch sử,… của địa phương mình và có những minh chứng, dữ liệu chuẩn xác. Với một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống như Đắk Lắk, việc tìm kiếm tư liệu, xác minh các thông tin liên quan cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian, chưa kể đôi khi còn có những tranh luận trái chiều về tư liệu làm kéo dài thời gian biên soạn.

Quá trình thực hiện cũng từng bị chậm về tiến độ do tác động của đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học thực nghiệm.

Song, vượt qua những khó khăn đó, đến nay, chúng tôi đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương để kịp thời dạy học trong các nhà trường. Chương trình giáo dục địa phương đã được triển khai ở các lớp học theo chương trình mới, tài liệu cũng đã có để phục vụ dạy học trong các lớp 6, 7 và 10.

Dẫu vậy, việc in ấn xuất bản sách chưa thể tiến hành vì cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về phát hành, xuất bản, đồng thời đang chờ để thẩm định giá. Chúng tôi cũng kết hợp với các bên liên quan, xin ý kiến của Bộ Tài chính để cố gắng trong năm học 2023-2024 có sách cho học sinh học tập.

Đảm bảo học sinh được tiếp cận sách giáo khoa đầy đủ

Phóng viên: Năm học 2023-2024, chúng ta sẽ triển khai chương trình mới đối với các lớp 4, 8, 11. Thầy có thể cho biết, hiện việc chọn sách giáo khoa của tỉnh Đắk Lắk đã được thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Về cơ bản, việc lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu theo bộ tiêu chí mà Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành, đặc biệt là đảm bảo tính phù hợp với một địa phương có địa hình phức tạp và nhiều vùng dân cư như Đắk Lắk.

Ngành giáo dục đã nỗ lực để chọn được những bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất cho thầy cô, cho học sinh.

Đến nay, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 10 của các đơn vị cũng đã hoàn tất và chuẩn bị tiến hành lựa chọn sách tại các hội đồng cấp tỉnh.

Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực để chọn được những bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất cho thầy cô, cho học sinh. Ảnh: Nguyên Phương

Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực để chọn được những bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất cho thầy cô, cho học sinh. Ảnh: Nguyên Phương

Phóng viên: Câu chuyện về giá sách giáo khoa đang là vấn đề được quan tâm trong thời gian qua. Với địa phương còn nhiều vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như tỉnh Đắk Lắk, giá sách giáo khoa được đánh giá như thế nào? Điều đó có ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận sách giáo khoa của học sinh không, đặc biệt là những học sinh ở vùng khó?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Theo đánh giá, phản hồi từ phụ huynh cũng như từ Hội đồng Nhân dân tỉnh qua những đợt kiểm tra, chất vấn thì giá sách giáo khoa đối với mức sống của người dân địa phương là hơi cao, nhất là với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Dù vậy, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều giải pháp để khắc phục. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường học thực hiện hỗ trợ cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau, cụ thể như xã hội hoá, tổ chức các chương trình tặng sách để tất cả học sinh đều có sách học tập.

Phóng viên: Thầy có đề xuất, kiến nghị gì để việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai hiệu quả trong thời gian tới?

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp: Muốn đạt được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới, bài toán về đội ngũ cần sớm được giải quyết.

Như vậy, cần phải quy hoạch sắp xếp lại các trường sư phạm và đổi mới chương trình, giáo trình để đào tạo, đảm bảo cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải phát triển các chương trình đào tạo, đảm bảo đội ngũ nhân lực đáp ứng các môn học mới theo chương trình giáo dục mới như các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên hay giáo viên dạy học các hoạt động giáo dục ,…

Tuy nhiên, nếu các trường hiện nay bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo này thì cũng chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu cho các địa phương. Vì vậy, cần phải tăng cường các chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên tham gia các khoá bồi dưỡng để dạy học các môn học mới.

Giáo dục là một ngành đặc thù, và hiện nay, hầu hết các địa phương đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, vì vậy, không nên tiếp tục cắt giảm 10% biên chế hằng năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Nội vụ, tham mưu Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo còn thiếu so với quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho giáo dục, toàn ngành cũng cần nỗ lực trong việc thực hiện xã hội hoá, toàn xã hội cùng làm giáo dục, phát triển giáo dục.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp.

Nguyên Phương