Thử nghiệm Chương trình GDMN mới: Địa phương chờ hướng dẫn mua sắm thiết bị

18/01/2023 06:35
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số địa phương đang dạy thử nghiệm Chương trình GDMN mới. Điều băn khoăn lớn nhất là chưa có hướng dẫn mua sắm đồ chơi cho trẻ.

Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ tiếp cận Quyền Trẻ em

Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng nhằm giúp trẻ tiếp cận Quyền Trẻ em. Trong đó thống nhất nguyên tắc chung và quan tâm đến 4 nhóm quyền là: Quyền được sống còn, Quyền được bảo vệ, Quyền được phát triển và Quyền tham gia.

Đồng thời, chương trình nhấn mạnh cần tập trung phát triển những phẩm chất, năng lực quan trọng của trẻ, trong đó gồm: yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm; phát triển các năng lực chung: giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tự lực, thích ứng. Và các năng lực đặc thù về thể chất, toán, khoa học và công nghệ, khám phá xã hội, ngôn ngữ, nghệ thuật. Đồng thời đặt ra kỳ vọng theo hai giai đoạn nhà trẻ và mẫu giáo sao cho phù hợp với trẻ mầm non.

Dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi, các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi với trẻ cũng như phù hợp với bối cảnh văn hoá của gia đình, cộng đồng, địa phương. Từ đó xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua các trò chơi và trải nghiệm bằng phương pháp sư phạm tích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và học tập của từng độ tuổi.

Mục tiêu và kết quả mong đợi trong Chương trình được đánh giá dựa trên các nguyên tắc, phương pháp sư phạm mầm non, cùng với các điều kiện giáo dục bảo đảm một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, mang tính hòa nhập, không phân biệt đối xử đối với trẻ em.

“Ở giai đoạn 1 (từ tháng 10 - tháng 11/2022), Phòng Giáo dục và Đào thành phố Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như lựa chọn điểm trường thử nghiệm, cử giáo viên đi tập huấn theo chương trình của Bộ. Sau đó, thành phố đã đưa chương trình giáo dục mầm non mới vào thử nghiệm từ tháng 12. Sau khi đánh giá, thành phố Ninh Bình chọn trường mầm non Cầu Vồng là trường thử nghiệm và trường mầm non Tràng An là trường đối chứng.

Sau khi hoàn thành dạy thử nghiệm giai đoạn 1 chương trình giáo dục mầm non tại trường, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ninh Bình cho biết: "Trước mắt, chúng tôi đánh giá chương trình giáo dục mới đã ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến, đa dạng, tiệm cận với giáo dục quốc tế, đặt ra những mục tiêu, yêu cầu cần đạt ở mỗi trẻ mở rộng hơn so với chương trình hiện hành".

Những nội dung được đề cập trong chương trình giáo dục mầm non mới đã có sự liên kết, kết nối giữa các giai đoạn. Yêu cầu đối với giai đoạn nhà trẻ đồng nhất, liên thông với giai đoạn mẫu giáo, đã khắc phục được một số nhược điểm của chương trình giáo dục mầm non hiện hành.

Ảnh minh họa. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào Tạo

Ảnh minh họa. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào Tạo

Mong mỏi Bộ sớm hướng dẫn mua sắm trang thiết bị

Thành phố Ninh Bình may mắn gặp thuận lợi khi có số lượng giáo viên tương đối đầy đủ, đảm bảo 2 giáo viên/lớp đúng theo quy định, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Thế nhưng bên cạnh thuận lợi đó, ngành giáo dục mầm non của thành phố phải đối diện với một số khó khăn lớn còn tồn đọng và khó giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.

Trong đó quan ngại, đáng lưu tâm nhất là tình trạng quá tải số lượng trẻ/lớp. Theo quy định, số trẻ trong một lớp ở giai đoạn 24 - 36 tháng và giai đoạn 3 - 4 tuổi là 25 trẻ/lớp, giai đoạn 5 - 6 tuổi là 35 trẻ/lớp. Ở một số trường, số lượng trẻ vượt mức giới hạn theo quy định của điều lệ trường mầm non. Lớp đông thì vượt 5 - 10 trẻ còn lớp trung bình thì vượt trên dưới 5 trẻ.

Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập cũng gặp khó về điều kiện cơ sở vật chất. Hầu hết các phòng học và nhiều phòng chức năng chưa được trang bị đủ thiết bị, đồ dùng dạy học đúng như quy định của chương trình giáo dục mầm non.

Hiện nay, đa số các trường đều không có đồ chơi hiện đại cho trẻ mà chủ yếu sử dụng các đồ chơi thủ công do các cô tận dụng nguyên vật liệu tự nhiên làm ra. Không có nhiều đồ chơi hiện đại, các trường lấy những đồ chơi đơn sơ này để tạm thời thay thế.

Nhìn chung, thành phố Ninh Bình không lâm vào hoàn cảnh thiếu giáo viên như nhiều địa phương khác nhưng vẫn trong trạng thái thiếu trang thiết bị dạy học. Đồ dùng, đồ chơi chỉ dừng lại ở mức cơ bản, là đồ chơi đơn giản mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, mà chưa thực sự phong phú, đa dạng.

Giáo cụ, đồ dùng, đồ chơi hiện đại có nhưng không đáng kể, chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non đã có độ mở khi cho phép các địa phương, nhà trường sử dụng các giáo cụ phù hợp với điều kiện thực tế cũng như chương trình học. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hay một danh mục cụ thể nên việc mua sắm đồ chơi hiện đại cho trẻ còn gặp nhiều bất cập.

Thành phố Ninh Bình có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Thế nhưng, để đáp ứng được những yêu cầu của chương trình mới và tiến trình phát triển của xã hội, giáo dục mầm non còn cần nhiều điều kiện tốt hơn. Nhìn nhận một cách khách quan, thành phố Ninh Bình tuy có nhiều ưu thế nhưng để thực hiện những mục tiêu chương trình giáo dục mầm non mới đặt ra thì còn phải vượt qua nhiều thách thức.

Tuy chưa triển khai dạy thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới và đang dạy theo chương trình hiện hành, Bắc Giang vẫn đang phải đương đầu với tình trạng thiếu giáo viên. Hiện tại trung bình tỷ lệ giáo viên trên một lớp mới đạt 1.96, trong khi đó Bộ quy định số lượng giáo viên phụ trách một lớp đối với mẫu giáo là 2.2 và lớp nhà trẻ là 2.5.

Tỉnh vẫn đang tuyển dụng theo số lượng giáo viên biên chế được giao hàng năm và có chính sách hợp đồng riêng. Nhưng vì phải đảm bảo cân bằng số lượng giáo viên của các trường công lập và các trường tư, nên không thể tổ chức thi tuyển ồ ạt.

Tuy có chất lượng cơ sở vật chất đồng đều, nhưng nếu triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, các trường ở Bắc Giang vẫn sẽ gặp chút khó khăn vì thiếu một số các thiết bị, giáo cụ trực quan cũng như các đồ chơi hiện đại.

Bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Tỉnh Bắc Giang cũng đang rất mong ngóng được triển khai chương trình giáo dục mầm non mới. Bởi chương trình cũ đã có từ lâu, còn nhiều tồn tại, khó theo kịp xu hướng giáo dục chung của thế giới.

Nếu dạy chương trình giáo dục mầm non mới, tôi cho rằng Bộ cần phải có quy định cụ thể về bổ sung thiết bị hiện đại mới, chỉ ra những thiết bị cũ không còn phù hợp là thiết bị nào và đưa ra khỏi quy định tối thiểu.

Thêm vào đó, để triển khai thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng một bộ tài liệu tham khảo cho trẻ. Bộ tài liệu này phải đảm bảo tính thống nhất vì thực tế trong khi dạy chương trình giáo dục mầm non, chúng ta đang có quá nhiều tài liệu. Điều này tạo ra sự loay hoay, rối rắm cho các đơn vị quản lý cấp cơ sở".

Bên cạnh giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, các địa phương mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn mua sắm, quy định danh mục trang thiết bị cụ thể. Các nhà trường sẽ căn cứ vào đó để sớm bổ sung các đồ chơi, giáo cụ hiện đại cho trẻ. Bởi chỉ khi có đầy đủ trang thiết bị dạy học, chúng ta mới thực hiện được các mục tiêu mà chương trình giáo dục mầm non mới đề ra.

Hoài Linh