Tự chủ tài chính là xu thế tất yếu để giúp các đại học/trường đại học công lập tăng nguồn thu, từ đó nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc tự chủ tài chính có thể gây ra những áp lực to lớn cho một số trường đại học, đặc biệt là những trường đào tạo các lĩnh vực đặc thù như khối ngành nghệ thuật.
Bởi, đây là khối ngành có yếu tố đặc thù so với các ngành đào tạo khác nên chi phí cho quá trình đào tạo lớn, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với những đòi hỏi chuyên biệt; quy mô đào tạo thấp hơn vài chục lần so với các ngành đào tạo đại trà khác, sinh viên ít dẫn đến nguồn thu học phí của các cơ sở đào tạo rất thấp.
Do vậy, nếu không có sự cân nhắc, điều chỉnh đặc biệt một cách phù hợp, nhiều khả năng các trường thuộc khối ngành này có thể bị tác động tiêu cực bởi tự chủ tài chính.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình thực hiện tự chủ tài chính của trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trường đang ở nhóm 3 về mức độ tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đó là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên với mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên từ 10% đến dưới 100% và được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Mộc Trà). |
Theo thầy Nhân, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với những trường đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là rất khó khăn, bởi đây là khối ngành đặc thù, khác biệt với nhiều lĩnh vực khác.
Điển hình như trường có những ngành văn hóa nghệ thuật truyền thống, ngành văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng học, thư viện học,... mỗi năm chỉ tuyển được nhiều nhất 10 - 12 người, có năm chỉ tuyển được 4 người học nên rất khó để thực hiện tự chủ tài chính đối với những ngành học này. Thậm chí, có những ngành chỉ có 1 thầy - 1 trò, làm sao 1 người học trò có thể trả đủ được tiền lương dạy cho giảng viên đó.
Dù có rất ít người học, nhưng những ngành học này lại chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho nhà nước. Nếu tự chủ tài chính, những ngành học này sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ và không có nguồn nhân lực khi cần.
Bên cạnh đó, trong 2 năm gần đây, do mức thu nhập không đảm bảo cuộc sống, cùng là công chức, viên chức, đào tạo nhiều nguồn nhân lực cho nhà nước nhưng giảng viên của trường đại học không được hưởng phụ cấp như các cán bộ công chức, viên chức khác trên địa bàn thành phố.
Do vậy, nhiều viên chức, giảng viên của trường đã xin nghỉ việc, hoặc chuyển ngành nghề khác. Cách đây 2 năm, trường có 146 viên chức nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 102 người.
Đối với đặc thù của khối trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đòi hỏi đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm nhưng đến thời điểm hiện tại, không còn nhiều nhân lực có kinh nghiệm do có bất cập từ quy định hiện hành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của nhà trường, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu chính của nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính.
Theo thầy Nhân, việc tự chủ tài chính chỉ thuận lợi cho những đại học/trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chứ khó phù hợp với trường chỉ đào tạo riêng lĩnh vực đặc thù như khối văn hóa - nghệ thuật.
Do vậy, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang tính đến phương án tự chủ theo từng phần và từng ngành. Như ngành du lịch có thể tự chủ tài chính được nhưng những ngành ít người học, đặc biệt là những ngành văn hóa - nghệ thuật truyền thống như Bảo tàng học hay Thư viện học,..., trường sẽ đào tạo theo nhà nước đặt hàng
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, khi một trường đại học không còn phù hợp với xã hội, không theo kịp với thời đại, mà bảo thủ, chậm tiến, dù có tồn tại lâu đời thì việc bị xóa sổ cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi, hiện nay, có những trường dù mới thành lập nhưng nắm bắt được xu hướng được thời cuộc, xã hội đã phát triển và tiến lên rất nhanh.
Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang phải đứng trước những khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính.
Chương trình biểu diễn giao lưu giữa 2 khoa âm nhạc truyền thống của trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Bắc và Nhạc Viện Thành phố Hồ Chính vào ngày 10/02/2023 vừa qua (Nguồn: Fanpage Phòng Đối ngoại của nhà trường). |
Chia sẻ từ thầy Trần Minh Đặng - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, hiện Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện tự chủ một phần, do vậy, nếu chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn, trường sẽ đứng trước một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất là, hệ thống pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ, và chưa rõ ràng;
Thứ hai là, thiếu sự "thay đổi tư duy" trong quản lý và thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước;
Thứ ba là, Hội đồng trường không có nguồn kinh phí hoạt động độc lập và không có bộ máy thừa hành độc lập;
Thứ tư là, việc tự chủ tài chính sẽ dẫn việc các trường phải tăng học phí và nguy cơ tăng học phí sẽ dẫn đến biến mất một số ngành khó tuyển sinh, phải có nhiều học bổng, quyền lợi ưu tiên, thậm chí phải miễn học phí mới có người học như: Nhạc cụ dân tộc, kèn, gõ giao hưởng,...
Thứ năm là, nếu đơn vị phải lo kiếm sống để tồn tại thì như một lẽ tự nhiên, Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh phải lo cho "nồi cơm" của mình trước khi nghĩ đến chất lượng đào tạo và các sứ mệnh khác.
Cũng theo thầy Đặng, tự chủ là việc cần phải làm nhưng trước mắt thì khó mà thực hiện được ở thời điểm hiện tại, vì trường còn nhiều bất cập, vướng mắc, cơ sở vật chất chưa đảm bảo,...
Ngoài ra, khó khăn hiện nay của trường hiện nay là phải chịu sự quản lý của 3 Bộ (Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (đối với hệ Trung cấp)). Do vậy, trường phải thực hiện theo quy chế, quy định của cả 3 Bộ dẫn đến các công văn, hướng dẫn, văn bản còn bị chồng chéo, không đồng bộ, khó đưa ra được giải pháp nào có tính hiệu quả khắc phục,...
Theo thông cáo báo chí của trường đại học này, quyết định đóng cửa trường được đưa ra do những thách thức về tài chính ngày càng gia tăng.