Quảng Nam gặp vướng về cơ chế, chính sách khi phát triển giáo dục

09/05/2023 06:36
AN NGUYÊN
GDVN-Những vướng mắc về cơ chế, chính sách, định biên giáo viên… khiến ngành giáo dục Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Ngày 7/5, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở vừa có văn bản kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục – đào tạo.

Gặp khó bởi định mức học sinh, giáo viên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, hiện không có sự không thống nhất về định mức bình quân học sinh/lớp giữa Nghị quyết 36 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022”;

Giáo viên vùng cao Quảng Nam vượt rừng đến giảng dạy tại các điểm trường. Ảnh: AN

Giáo viên vùng cao Quảng Nam vượt rừng đến giảng dạy tại các điểm trường. Ảnh: AN

Và Quyết định 2428 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt “đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ ngành giáo dục và đào tạo đến năm học 2024 – 2025”.

Theo Nghị quyết 36, định mức bình quân học sinh/lớp đối với bậc trung học phổ thông là: 40 học sinh/lớp; bình quân 35 học sinh/lớp đối với trường trung học phổ thông chuyên và phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và phổ thông dân tộc nội trú cấp 2, 3 và chênh lệch (+)/(-) 02 học sinh/lớp.

Trong khi đó, Quyết định 2428 thì định mức bình quân tiểu học là 28 học sinh/lớp, trung học cơ sở và trung học phổ thông là 38 học sinh/lớp.

“Sự không thống nhất giữa định mức học sinh/lớp khiến việc phân bổ các nguồn lực cũng như sắp xếp lại các điểm trường cũng gặp nhiều khó khăn”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho hay.

Thông tin thêm với phóng viên, ông Thái Viết Tường cho biết, địa phương đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên định mức học sinh/lớp phải linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị trường học.

Điển hình như: đối với các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố, ở những khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì định mức bình quân tiểu học nên là 25 học sinh/lớp, trung học cơ sở và trung học phổ thông là 35 học sinh/lớp.

“Không chỉ gặp vấn đề về định mức học sinh/lớp mà định biên giáo viên, nhân viên, ngành cũng đang vướng mắc. Chúng tôi đang thực hiện phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc theo chỉ tiêu biên chế viên chức quản lý, giáo viên/lớp theo Quyết định 2428.

Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên/lớp theo quyết định này thấp hơn so với Thông tư số 06 năm 2015 của liên Bộ Giáo dục Đào tạo – Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập);

Và Thông tư 16 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, ông Tường nói.

Do đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam kiến nghị, cần giao biên chế giáo viên và giao ngân sách hằng năm cho các trường học trực thuộc sở theo Nghị quyết 36.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giao biên chế giáo viên, nhân viên theo Thông tư 06 và 16.

Tỉnh yêu cầu tháo gỡ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất ở bậc học mầm non. Mặc dù thường xuyên tổ chức các kỳ thi tuyển dụng giáo viên nhưng đến nay địa phương vẫn chưa tuyển đủ số lượng giáo viên cần thiết.

Nhiều trường học ở Quảng Nam bị hư hại sau mỗi mùa mưa bão, rất cần kinh phí để sửa chữa, cải tạo. Ảnh: AN

Nhiều trường học ở Quảng Nam bị hư hại sau mỗi mùa mưa bão, rất cần kinh phí để sửa chữa, cải tạo. Ảnh: AN

“Hàng năm, Sở sẽ rà soát và xây dựng kế hoạch điều động để đảm bảo cân đối tỷ lệ giáo viên/lớp giữa các trường trường trung học phổ thông.

Tuy nhiên, có thực tế việc thừa - thiếu cục bộ giữa các trường học khu vực đồng bằng và miền núi nhưng vẫn ở trong định biên cho phép của toàn ngành. Do đó, kiến nghị phân bổ kinh phí tiền lương giáo viên thừa theo thực tế tại các trường học”, ông Tường cho hay.

Sau khi tiếp nhận những kiến nghị của ngành giáo dục, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có thông báo kết luận của ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về giải quyết những kiến nghị này.

Theo đó, đối với đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm học 2024-2025 theo Quyết định số 2428/QĐ-UBND năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Và theo Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ông Tuấn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại thật kỹ, đối chiếu với các quy định hiện hành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân tỉnh điều chỉnh Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND;

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng sẽ điều chỉnh Quyết định 2428/QĐ-UBND về đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm học 2024-2025 phù hợp với thực tế.

Đối với biên chế giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu có văn bản báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ, Chính phủ tiếp tục bổ sung biên chế.

“Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về việc luân chuyển, điều chuyển vị trí công tác của đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo quản lý tại các trường trường trung học phổ thông, tỉnh thống nhất giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện”, thông báo của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Ngoài ra, thông báo cũng yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay.

AN NGUYÊN