Những địa phương nào đang thiếu giáo viên trầm trọng nhất cả nước?

13/09/2022 07:00
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Thủ đô thiếu 10.265 giáo viên, tuy nhiên số biên chế được bổ sung trong năm học này chỉ có 2.361 biên chế.

Năm học 2022-2023: Hà Nội bổ sung 2361 biên chế giáo viên

Chiều ngày 12/9, tại Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố năm 2022 và giao bổ sung viên chức giáo viên năm học 2022-2023.

Trước đó, theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 7.134 biên chế.

Năm học 2022-2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131.

Như vậy năm học 2022-2023, thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức. Số lượng thiếu cụ thể ở bậc tiểu học là 3.436 người, bậc trung học cơ sở là 3.135 người, bậc trung học phổ thông là 1.311 người.

Như vậy năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội thiếu 10.265 giáo viên. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Như vậy năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội thiếu 10.265 giáo viên. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Tại cuộc họp chiều ngày 12/9, trên cơ sở tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết nghị điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo đó, tổng biên chế là 116.420, trong đó bao gồm: Số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 32/NQ-HDND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố gồm 114.059 biên chế; bổ sung 2.361 biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TƯ ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Công văn số 3887/BNV-TCBC ngày 12/8/2022 của Bộ Nội vụ.

Cụ thể, số viên chức giáo viên được bổ sung ở các cấp học như sau: Giáo viên tiểu học: 600 người; giáo viên trung học cơ sở 1.309 người và giáo viên trung học phổ thông là 452 người.

Hội đồng nhân dân thành phố cũng thống nhất với nguyên tắc phân bổ và số lượng biên chế được bổ sung đối với từng bậc học, của từng địa phương phân chia theo 3 nhóm đối tượng trên cơ sở mức độ nhu cầu bổ sung biên chế.

Năm nay, theo thống kê Ủy ban nhân dân thành phố, Hà Nội có 13 quận, huyện có số học sinh tăng mạnh, thiếu nhiều giáo viên (nhóm 1) được ưu tiên, gồm các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh.

Sau nhóm này, thành phố sẽ xét tới nhóm 2 - khu vực có số học sinh tăng vừa và thiếu ít giáo viên hơn nhóm 1, gồm quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa; huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất.

Nhóm 3 (những quận, huyện còn lại) tạm thời chưa được giao bổ sung biên chế, do học sinh tương đối ổn định, biên chế giáo viên không biến động lớn. Bao gồm: huyện Quốc Oai, huyện Đan Phượng, huyện Sơn Tây, huyện Ứng Hòa, huyện Phú Xuyên, huyện Phúc Thọ, quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm.

Sau khi được Hội đồng nhân dân phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phân bổ 2.361 biên chế trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại cuộc họp, Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai giao bổ sung biên chế giáo viên theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch; thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao.

Các tỉnh thành "khát" nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục

Thực tế, ngoài Hà Nội, hiện nay ngành giáo dục của nhiều địa phương khác cũng đang phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên. Mặc dù quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị mới đây được xem là tín hiệu tích cực nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tuy nhiên số lượng biên chế chỉ có hạn, về cơ bản mới chỉ “lấp đầy” được phần nhỏ khoảng trống đang thiếu.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, nhất là về nguồn tuyển, trong đó đặc biệt “khát” nguồn nhân lực đối với các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giải pháp để xây dựng nguồn lực giáo viên ổn định lâu dài và bền vững phục vụ cho ngành giáo dục hiện vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng.

Tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người. Theo Bộ Chính trị, hiện nay cả nước ta đang thiếu khoảng 101.745 giáo viên; Số giáo viên thừa là 2.161 người.

Một số địa phương “nóng” về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay như: Nghệ An, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,...

Theo thống kê tại đề án "Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ngành giáo dục Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", tính đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh Nghệ An có 1447 trường học công lập, trong đó: có 490 trường mầm non với 195.425 học sinh; tiểu học có 194 trường công lập với 335.192 học sinh; trung học cơ sở 394 trường với 196.773 học sinh; trung học phổ thông có 70 trường, 91.042 học sinh

Tổng giáo viên tính đến năm học 2021-2022 là 9560 người (trong đó đội ngũ giáo viên biên chế là 7641 người, giáo viên hợp đồng theo Nghị định 16/2018/NĐ-CP là 1919 người).

Theo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, ngành giáo dục tỉnh này còn thiếu gần 8000 biên chế so với quy định. Trong đó, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với 5411 biên chế, tiếp theo là bậc tiểu học thiếu 1660 biên chế, trung học cơ sở thiếu 474 và bậc trung học phổ thông thiếu 54 biên chế.

Năm 2022-2023, tỉnh Nghệ An được Bộ Chính trị phê duyệt bổ sung hơn 2.800 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 2.164 biên chế giáo viên mầm non, 498 biên chế giáo viên tiểu học, 142 biên chế giáo viên trung học cơ sở và 16 biên chế giáo viên trung học phổ thông. Tuy nhiên toàn ngành giáo dục Nghệ An vẫn thiếu 5.200 giáo viên. Số lượng giáo viên còn thiếu tập trung chủ yếu ở cấp mầm non, giáo viên Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học.

Một số huyện khó tuyển dụng đủ giáo viên Tin học, Tiếng Anh dạy tiểu học như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, một số huyện khó tuyển đủ giáo viên tiểu học như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu.

Để bố trí đủ giáo viên cho các cấp học, ngành giáo dục Nghệ An đề ra các giải pháp như tuyển dụng mới giáo viên, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên trung học cơ sở từ những trường còn dôi dư đến giảng dạy tại các trường tiểu học còn thiếu, bố trí giáo viên dạy liên trường tiểu học; liên trường trung học cơ sở - tiểu học… sáp nhập trường, sáp nhập các điểm trường lẻ, đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực biên chế cho ngành giáo dục…

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã thống kê, dự báo tình hình gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dự kiến do số học sinh tăng nhanh, 2025 cần thêm hơn 9000 giáo viên, đến năm 2030 toàn tỉnh cần thêm 13.000 giáo viên.

Trong 63 tỉnh, thành cả nước, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương thiếu giáo viên nghiêm trọng nhất.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có hơn 53.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, năm học 2022-2023 dự tính có tổng số hơn 914.000 học sinh. Nếu tính theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập năm học 2022-2023 là 63.088 người, trong đó giáo viên là 52.673.

Như vậy so với số lượng giáo viên hiện thiếu 10.276 giáo viên (mầm non thiếu 4.510 giáo viên, tiểu học thiếu 4.011 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 1.377, trung học phổ thông thiếu 378 giáo viên.

Còn tính theo quy định của tỉnh, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập là 59.332 người, trong đó có 48.881 giáo viên, thiếu 6.484 giáo viên so với số giáo viên hiện có (mầm non thiếu 2.036 giáo viên, tiểu học thiếu 3.241, trung học cơ sở thiếu 974, trung học phổ thông thiếu 233.

Việc thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học đã và đang đặt ra cho ngành Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa nhiều khó khăn và thách thức trong triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên, năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa được giao bổ sung 1.681 biên chế. Trong đó, cấp mầm non là 818 biên chế, tiểu học 695 biên chế, trung học cơ sở 137 biên chế và trung học phổ thông là 31 biên chế.

Ngoài bổ sung biên chế, được biết, trong những năm qua,, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại cấp trung học cơ sở hoặc cấp tiểu học xuống cấp mầm non theo Nghị định 06 và Thông tư 09 (hưởng chế độ tương đương viên chức); hợp đồng giáo viên thỉnh giảng…

Thành phố Hồ Chí Minh là một “điểm nóng” về việc thiếu giáo viên. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 ngành giáo dục thành phố còn thiếu hơn 5.200 giáo viên.

Năm nay, số học sinh các cấp của thành phố dự kiến tăng 21.825 (gồm 15.282 khối công lập và 6.543 khối ngoài công lập). Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, trong năm học 2022-2023, mầm non cần 892 giáo viên, bậc tiểu học thành phố có nhu cầu tuyển dụng 2.355 giáo viên; bậc trung học cơ sở cần 1.698 giáo viên và trung học phổ thông cần tuyển 296 người.

Đối với giải pháp cho việc thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ.

Theo quyết định bổ sung biên chế của Bộ Chính trị, năm học 2022-2023, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh được bổ sung 205 biên chế, trong đó, cấp Tiểu học bổ sung 116 biên chế, cấp trung học phổ thông bổ sung 89 biên chế, các cấp học còn lại không được cấp thêm biên chế nào.

Cùng với Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa và thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng là tỉnh có số lượng giáo viên thiếu lên tới con số hàng nghìn. Đáng chú ý, tỉnh này ghi nhận có hơn 500 giáo viên xin nghỉ việc tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Bình Dương là tỉnh đặc thù khi có nhiều khu công nghiệp, do đó tập trung đông công nhân lao động từ khắp các nơi cả nước đến sinh sống và làm việc. Số lượng học sinh tăng nhanh chủ yếu ở tỉnh này chính là do sự dịch chuyển dân số.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 742 trường học, với 527.102 học sinh. So với năm học 2021-2022, toàn tỉnh Bình Dương tăng thêm 11 trường và tăng khoảng 29.922 học sinh.

Số học sinh tăng cao cùng việc hàng loạt giáo viên nghỉ việc đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương này. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, năm học 2022-2023 toàn tỉnh thiếu hơn 3000 giáo viên.

Trong đó, hiện nay bậc mầm non đang thiếu 465 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 1.207 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu 1.305 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu 118 giáo viên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thiếu 7 giáo viên. Bên cạnh đó, còn thiếu 538 viên chức khác trong ngành giáo dục.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bình Dương được giao thêm 605 biên chế, trong đó, cấp mầm non bổ sung thêm 100 biên chế, cấp tiểu học là 197 biên chế, cấp trung học cơ sở bổ sung thêm 270 biên chế và trung học phổ thông là 38 biên chế.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin một số tình hình thực tế về việc thiếu giáo viên hiện nay.

Theo đó, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.

Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp Tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông.

Thiếu giáo viên không phải là vấn đề mới, tuy nhiên qua nhiều năm, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Và tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và nếu không sớm có các giải pháp căn cơ để ổn định nguồn nhân lực dạy học thì ngành Giáo dục cả nước sẽ đứng trước nhiều nguy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học; Là một thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Từ thực tế câu chuyện hình thừa, thiếu tại nhiều địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết để ổn định đội ngũ nhân lực ngành giáo dục về lâu về dài bao gồm: chế độ lương và chính sách đãi ngộ với đội ngũ nhà giáo, giải quyết những bất cập liên quan đến tuyển dụng biên chế giáo viên;Và hơn hết, cần sự chia sẻ, vào cuộc của các ngành, các cấp có thẩm quyền để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.

Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023: “Chúng ta cũng cần thông cảm cho ngành giáo dục, bởi ngay cả Bộ trưởng Giáo dục cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục như lương, biên chế, trường lớp”.

Doãn Nhàn