Để phác họa đôi nét về điều kiện thực tế trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, trước thềm Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ diễn ra vào ngày 18/4 tại Bình Dương.
Phóng viên: Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, Sở Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp như thế nào để đảm bảo quyền được học tập của trẻ em, học sinh?
Ông Nguyễn Văn Phong: Căn cứ vào dự báo tình hình dân số, số trẻ trong độ tuổi đi học để tiếp tục đầu tư xây dựng trường mới, xây dựng bổ sung các nhà trường để đảm bảo quyền được học tập của trẻ em, học sinh.
Đối với công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (triển khai “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ), các trường trung học cơ sở phối hợp với các trường trung cấp, trường cao đẳng để tư vấn hướng nghiệp cho các em một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, liên kết dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh học nghề tại các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học cho các trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu người học hàng năm.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mộc Trà. |
Phóng viên: Xin ông hãy chia sẻ về một số điều kiện thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương?
Ông Nguyễn Văn Phong: Trước hết, phải khẳng định, công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo luôn được quan tâm chú trọng và thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, về cơ sở vật chất, thực hiện tốt công tác tham mưu, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học trên địa bàn, đảm bảo có đủ phòng học, phòng chức năng, các công trình vệ sinh theo quy định, được xây dựng kiên cố, đáp ứng khá tốt nhu cầu phát triển giáo dục.
Công tác chỉ đạo rà soát, thống kê và trang cấp đầy đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho hoạt động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục được thực hiện thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thường xuyên công tác kiểm tra thực trạng sử dụng thiết bị dạy học, thực hiện kiểm kê tài sản hàng năm và có kế hoạch sửa chữa, bổ sung kịp thời theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu.
Toàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em nhân dân bằng cách thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc cụm xã, phường, thị trấn có trường học các cấp phù hợp với quy mô dân số, 91/91 xã, phường, thị trấn có trường tiểu học (đạt 100%).
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 159 trường tiểu học. Tổng số lớp là 5.206 với 208.096 học sinh. Số lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 3.503, đạt tỉ lệ 67,29%.
Với quy mô trường, lớp hiện có, các địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Đối với việc đầu tư thiết bị dạy học đổi mới tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả trường học của tỉnh đều được trang bị đầy đủ theo số lượng và cơ số tối thiểu theo quy định đối với thiết bị lớp 1, 2, ngành giáo dục và đào tạo luôn quan tâm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại mua sắm bổ sung, thay thế thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu dạy và học của các nhà trường. Tuy nhiên chưa trang bị kịp thời thiết bị dạy học lớp 3.
Bên cạnh việc trang bị thiết bị dạy học, các bộ phận phục vụ tại các cơ sở giáo dục cũng được trang bị các phương tiện như máy vi tính, máy in, máy scan, máy photocoppy, đường truyền internet, cáp quang, phòng họp trực tuyến để phục vụ hành chính, kiểm tra thi, giao dịch trao đổi thông tin, hội họp tập huấn… được đầu tư tương đối đầy đủ.
Về đội ngũ, tính tới cuối năm học 2021-2022, đội ngũ cán bộ quản lý cấp tiểu học cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng hiệu quả yêu cầu của vị trí công tác.
Trong năm học 2021-2022, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, xây dựng và tổ chức tốt các chuyên đề bồi dưỡng trong năm học.
Các nhà trường được đầu tư máy chiếu phục vụ dạy học. Ảnh: Mộc Trà. |
Tổng số đội ngũ đã được tập huấn/bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 tính đến thời điểm hiện tại là 4.147. Tổng số giáo viên được phân công giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 3.655 giáo viên. 100% giáo viên tham gia giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều đã qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chương trình.
Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới đảm bảo thực hiện theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng khối lớp, đảm bảo 100% giáo viên được tập huấn đầy đủ về chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước khi được phân công dạy các lớp áp dụng chương trình mới.
Phóng viên: Vậy, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương có gặp vướng mắc nào khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phong: Bên cạnh những thuận lợi trong triển khai chương trình, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương cũng nhận thấy một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Trong đó, có thể kể đến như: Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản quy định định mức số lượng người làm việc của từng môn học, từng hoạt động theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều đơn vị, trường học có số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học; đặc biệt, nhiều trường thực hiện dạy học 1 buổi/ ngày đối với lớp 1, 2, 3, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 về thời gian, thời lượng học tập.
Nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học; đặc biệt, nhiều trường thực hiện dạy học 1 buổi/ ngày đối với lớp 1, 2, 3. Ảnh: Mộc Trà. |
Số lượng giáo viên còn thiếu nhiều so với định mức. Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nhất là điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chậm hoàn thành công tác mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, in ấn tài liệu giáo dục địa phương trong năm học 2022-2023.
Hiện tại, nguồn tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, dạy các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý cấp trung học cơ sở) còn thiếu nhiều.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nội dung chương trình ở cấp trung học phổ thông (học sinh lựa chọn môn học) sẽ liên quan đến việc thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản hướng dẫn hoặc định hướng tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.
Chính vì thế, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn và định hướng tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học để các cơ sở giáo dục chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục.
Ảnh minh họa: Mộc Trà. |
Phóng viên: Thiếu giáo viên là một thách thức lớn đối với triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bình Dương đã có những giải pháp đặc thù như thế nào để giải quyết bài toán này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phong: Cũng như một số tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, kinh tế phát triển mạnh, thu hút nguồn lao động rất lớn đến làm ăn, học tập và sinh sống, do đó, dẫn đến số lượng học sinh các cấp học tăng nhanh hằng năm nên khó khăn trong việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất và cần phải bổ sung đội ngũ viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với quy định.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương đã thực hiện các giải pháp sau đây để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên:
Một là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ viên chức, người lao động phù hợp chuyên môn và vị trí việc làm.
Hai là, thực hiện thuyên chuyển công tác và điều chuyển viên chức từ nơi biên chế dôi dư sang nơi thiếu biên chế nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thừa giáo viên cục bộ tại một số đơn vị.
Ba là, các phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương thẩm định điều kiện, chuyên môn viên chức đang làm công tác khác trong các đơn vị (có gốc là giáo viên) được chuyển ra giảng dạy nếu đạt yêu cầu.
Bốn là, tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo theo quy định và chỉ đạo, phân cấp về tuyển dụng của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Bình Dương gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất và cần phải bổ sung đội ngũ viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với quy định. Ảnh: Mộc Trà. |
Năm là, thực hiện chế độ thỉnh giảng giáo viên theo quy định. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế và chủ trương về hợp đồng viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Sáu là, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bảy là, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định cho công chức, viên chức ngành giáo dục đào tạo.
Phóng viên: Vậy mục tiêu và chính sách để giáo dục và đào tạo Bình Dương phát triển trong thời gian tới dự kiến gồm những gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phong: Trước hết, về mục tiêu: Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, tư duy sáng tạo của người học. Đồng thời, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bao gồm cả chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Bình Dương đang hướng đến thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong giáo dục. Ảnh: Mộc Trà. |
Về chính sách: Tập trung thực hiện hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục đào tạo. Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch, dự án, đề án của ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngành giáo dục đào tạo tham mưu xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Đề án: Củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách hỗ trợ của địa phương cho ngành giáo dục đào tạo. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Trung ương, ngành giáo dục đào tạo tham mưu xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!