Chính thức luật hóa từ năm 2005, qua nhiều năm phát triển, vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây được xem là một trong những động lực quan trọng để các trường phấn đấu, tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường giáo dục đại học khu vực và toàn cầu.
Và sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 (gọi tắt là Luật 34) với tư tưởng chủ đạo là tự chủ đại học đã và đang tạo ra một sự đổi mới căn bản và toàn diện, đồng thời cũng là bước tiến lớn cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Vậy từ khi Luật 34 có hiệu lực thì “bộ mặt” giáo dục đại học đã có chuyển biến như thế nào? Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Đại biểu Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Đại biểu quốc hội Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: Quốc hội |
_____
Phóng viên: Cảm ơn Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa đã nhận lời mời phỏng vấn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo Đại biểu đánh giá, kể từ khi Luật 34 có hiệu lực thì “bộ mặt” giáo dục đại học Việt Nam đã có thay đổi như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Luật 34 ra đời và đi vào thực tiễn triển khai đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và dư luận xã hội nhìn chung đều có những đón nhận tích cực. Thông qua Hội nghị tổng kết việc thực hiện tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (tháng 8/2022), cùng ý kiến ghi nhận từ những đợt giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tới các cơ sở, tôi đánh giá cao tác động tích cực của Luật 34 tới sự vận hành từng nhà trường. Tự chủ đại học đã giúp các trường phát huy được sứ mệnh, sự sáng tạo của đơn vị trên 3 khía cạnh: Tự chủ về mặt học thuật; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về tổ chức nhân sự.
Nhìn chung, bức tranh tổng thể về tự chủ đại học là tích cực, tuy nhiên, việc triển khai ở từng cơ sở đào tạo do những điều kiện cụ thể nên có sự mạnh, yếu khác nhau. Do vậy, còn nhiều vấn đề về tự chủ đại học phải tiếp tục được quan tâm để thúc đẩy các trường phát triển hơn nữa.
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tự chủ học thuật rất rõ ràng, cụ thể như cho phép trường được tự chủ về việc mở ngành đào tạo, chủ động đổi mới, cập nhật ban hành chương trình, tự đăng ký quy mô đào tạo căn cứ từ tiêu chí của Bộ đưa ra,... Những quy định này giúp các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới, đồng thời phát huy tối đa năng lực nguồn nhân lực và nghiên cứu đào tạo, tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi diện mạo giáo dục đại học.
Về tự chủ tài chính, đặc biệt ở các trường đã thực hiện tự chủ hoàn toàn thì cơ chế này thực sự đã phát huy được thế mạnh huy động nguồn lực hiệu quả. Thực tế, chúng ta biết đã tồn tại trường đại học có tổng thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tất nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê tổng thu, ngoài ra trường còn phải chi cho các hạng mục khác như về cơ sở vật chất, con người,... nhưng rõ ràng con số này cũng có ý nghĩa phản ánh quy mô tài chính của các trường đã ở tầm rất khác so với trước đây (một số trường top trên).
Quyền tự chủ về mặt tổ chức và nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã được đổi mới và nâng cao từng bước, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới và khu vực. Tuy nhiên, quyền tự chủ ở khía cạnh này vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Bởi tổ chức còn phụ thuộc vào nhiều luật khác như Luật Công chức - Viên chức hiện hành. Chưa kể, chúng ta còn đang trong điều kiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18, 19 của Ban chấp hành Trung ương.
_____
Phóng viên:Thưa Đại biểu, một vấn đề được bàn luận khá nhiều là tài chính. Khi nguồn cấp từ ngân sách nhà nước ngày càng bị thu hẹp, gánh nặng tài chính lại đổ lên vai người học. Vậy làm thế nào để sinh viên nghèo có cơ hội học đại học trước bối cảnh các trường gia tăng mức thu học phí?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Trước hết, cần nhìn lại quan điểm tự chủ tài chính. Theo đó, tự chủ tài chính không phải là cắt nguồn chi cho các trường từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiện nay, nhiều cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan liên quan tới quản lý tài chính đều quan niệm tự chủ là cắt ngân sách, tự chủ là phải tự lo, tự vươn lên, tự thu thì mới có quyền. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, giáo dục không phải là một thị trường mua bán, giáo dục thực chất có ý nghĩa lâu dài là đào tạo nhân lực cho đất nước, tạo động lực cho sự phát triển. Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Tự chủ tài chính không phải là cắt đi ngân sách đầu tư từ nhà nước, mà tự chủ tài chính là quản trị kinh phí tài chính ấy tốt hơn. Đồng thời, tạo mọi cơ hội để các cơ sở giáo dục có thêm nguồn thu hợp lý, hợp pháp từ việc làm tốt chức năng giáo dục của mình. Mục tiêu cuối cùng là tăng quy mô đầu tư cho giáo dục đại học một cách hiệu quả, và tạo ra được sản phẩm giáo dục ưng ý, đáp ứng được yêu cầu thị trường nhân lực.
Bên cạnh nguồn thu từ ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục phải mở rộng các dịch vụ đào tạo phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trường, phát huy thế mạnh đội ngũ của mình, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học để tăng nguồn thu.
Đừng biến trường đại học thành những doanh nghiệp “vắt bò sữa”. Bởi chúng ta không thể đặt sức ép tăng học phí lên sinh viên.Khi tiến hành tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học bị giảm ngân sách, do vậy các trường đều cố gắng tìm cách tăng nguồn thu từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động khác vẫn thể hiện vai trò khá “mờ nhạt”, tài chính của các trường vẫn phụ thuộc rất lớn vào học phí.
Về việc tăng học phí, chúng ta cũng đã có quy định, có lộ trình rồi. Đây cũng là giải pháp được các trường lựa chọn vì đây là nguồn thu chính, quan trọng nhất để bù vào phần ngân sách đã bị cắt đi. Tôi cho rằng cần tăng thì vẫn phải tăng. Tuy nhiên, phải cân nhắc thận trọng về mức độ tăng và lộ trình tăng; đồng thời, có thông báo sớm và đầy đủ đến phụ huynh và sinh viên từ khi chọn ngành, chọn trường, tạo sự đồng thuận chia sẻ thật sự. Vì tăng học phí nghĩa là “đánh” vào tương lai của chính người học, vào triết lý chúng ta đã đề ra là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài tăng học phí, nhiều trường đã xây dựng, phát triển các chương trình liên kết, chương trình đào tạo chất lượng cao,... Nhưng bản chất những chương trình này có “cao” hay không khi mà đầu vào không cao, thậm chí có có chương trình học còn thấp hơn những ngành bình thường. Liệu có phải trường chỉ đang “tích cực” tăng học phí nhằm tìm kiếm những gia đình có đủ điều kiện chi trả cho những chương trình này?
Còn việc những chương trình này có thật sự “chất lượng cao” hay không? Người ta chỉ nhìn thấy cách đặt tên và cái định tính của những chương trình này. Về thực tế, chất lượng của các chương trình này khó có thể đo đếm được về đầu ra như thế nào. Vậy đây có phải là sự biến tướng không đúng của cái gọi là tự chủ tài chính?
Trong cơ chế thị trường hiện nay, áp lực đối với các em học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn rất lớn. Mặc dù chúng ta đã có các chính sách cho vay của ngân hàng, chính sách xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng chưa giải quyết được hết nhu cầu đi học của những đối tượng đặc biệt này. Chưa kể, đã cho vay thì phải trả, trong khi nhiều ngành nghề sau ra trường, nhất là các ngành khoa học cơ bản, hạt nhân, địa chất, khoáng sản,... là những ngành rất cần cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhưng sinh viên ra trường lại rất khó để kiếm việc làm, như vậy cơ hội trả nợ cũng rất khó khăn.
Vì vậy, rất cần thiết phải có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về tự chủ tài chính; cân đối giữa sự nghiệp, con đường phát triển của đất nước với việc siết chặt về mặt tài chính. Việc coi giáo dục là tự chi trả các dịch vụ với mức cao quá là không phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Trái lại, cần khuyến khích các đơn vị tận dụng các nguồn thu hợp pháp để tăng thêm quy mô tài chính, tiến tới đẩy mạnh hơn việc đầu tư chiều sâu cho giáo dục.
Ảnh minh họa: TL |
_____
Phóng viên: Theo Đại biểu đánh giá, khi cơ sở giáo dục đại học tăng học phí thì mức độ chịu trách nhiệm, giải trình đối với người học, người dạy, và cơ quan quản lý đến đâu?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Trong Luật Giáo dục đã quy định rất rõ về tự chủ và trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình. Cơ sở giáo dục có rất nhiều phương thức để giải trình như: Giải trình qua cơ chế 3 công khai của nhà trường trên website về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài chính,...; Giải trình thông qua cơ chế Hội đồng trường với chính đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường; Giải trình qua báo cáo tài chính, hội nghị viên chức, báo cáo tổng kết năm học hàng năm,...; Giải trình với báo chí, dư luận,...
Các cơ chế giải trình đều rất rõ, tuy nhiên cơ sở giáo dục khi quyết định tăng học phí cần hết sức cân nhắc. Việc tăng học phí phải thực sự gắn với lợi ích thiết thân của người học, gắn điều kiện kinh tế - xã hội khu vực, địa phương. Quyết định tăng học phí nếu không thuyết phục được người học, thuyết phục được thị trường lao động thì đây sẽ là “đòn chí mạng” triệt tiêu uy tín của nhà trường.
Một vấn đề liên quan đến câu chuyện tăng học phí trong giáo dục cần bàn thêm đó là chất lượng kèm theo. Với những mặt hàng hóa thông thường, khi chúng ta bỏ tiền ra mua sản phẩm, đa phần chất lượng của các sản phẩm đều được thể hiện qua sự khác nhau về giá tiền.
Tuy nhiên, đối với giáo dục, khi nâng học phí lên thì người học vẫn phải chịu phó thác chất lượng đào tạo của nhà trường. Bởi, chất lượng đào tạo thực tế của trường có tốt như quảng cáo hay không sẽ chỉ được kiểm nghiệm ở thị trường lao động sau khi người học đã ra trường. Trong khi đó, đơn vị trường học cũng không chịu trách nhiệm trực tiếp về mặt pháp lý với một chất lượng được đo đếm bằng những chỉ số cụ thể.
Trong Nghị quyết 29 có nêu “từ phát triển kỹ năng tri thức đến phát triển năng lực và phẩm chất”, tuy nhiên, khó có thể đo đếm được sự phát triển này, nên quả bóng vẫn ở trong chân các trường. Do đó, cơ sở giáo dục cần có sự giải trình chủ động hơn, công khai hơn, để bảo được uy tín và thu hút người học.
Thứ hai, các cơ quan quản lý phải áp sát các yêu cầu giải trình, phải chấn chỉnh ngay những biểu hiện làm thương mại hóa giáo dục, đi ngược lại với sứ mệnh các trường đại học ở Việt Nam; Yêu cầu tăng nguồn thu hợp lý, hợp pháp, không được sai luật, đúng đạo lý, được rà soát. Nếu một vài trường xuất hiện tình trạng thương mại hóa, cơ quan quản lý cần phải vào cuộc chấn chỉnh ngay, cũng như rà soát quy định pháp luật để có những điều chỉnh sát sao hơn.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của công luận, tiếp thu những phân tích đánh giá của chuyên gia nhằm có mặt bằng, lộ trình tăng học phí hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu tăng nguồn thu đúng đắn, vừa phát huy vai trò tạo cơ hội học hành cho thế hệ trẻ - tương lai đất nước.
Ảnh minh họa: TL |
Thêm một vấn đề nữa liên quan đến tài chính là phải tăng cường kỹ năng quản trị tài chính của các nhà trường. Người làm hiệu trưởng phải công khai tài chính. Đây không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm, đây cũng là một cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ về danh dự, về mặt pháp lý cho bản thân người làm hiệu trưởng.
Câu chuyện vừa rồi ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng là bài học rất xót xa về vấn đề quản trị tài chính trong trường học. Câu hỏi đặt ra trong dư luận là đơn vị quản trị tài chính như thế nào? Quản lý tài chính trong các trường hiện nay có chặt chẽ hay không, ngoài Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thì còn trường nào như vậy không?
Chưa kể, đây là trường thu một năm không nhiều vì học sinh miền Trung cũng còn nhiều khó khăn. Vậy với các trường lớn hơn thì sao, có hay không chuyện rút tiền ra để gửi tiết kiệm, để trục lợi riêng? Rất nhiều vấn đề cần quan tâm liên quan tới quản trị tài chính khi mà dòng tiền một trường lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
_____
Phóng viên: Liên quan đến tự chủ đại học, vấn đề mà Đại biểu đang trăn trở nhất hiện nay là gì? Đại biểu kỳ vọng vấn đề này sẽ được giải quyết, hoặc có hướng khắc phục như thế nào trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Theo tôi, vấn đề tự chủ nhân sự cần phải bàn thêm trên cơ sở phát huy vai trò, tính thực tế của hội đồng trường. Việc chọn nhân sự của hội đồng trường phải đảm bảo chọn chuẩn, không chọn đại cho đủ thành phần, vì như vậy sẽ không giám sát được hiệu trưởng. Bởi chúng ta biết rằng quyền của hiệu trưởng trong tự chủ đại học là rất lớn.
Ngoài ra, cần giao cho hiệu trưởng nhiều quyền hơn nữa về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, và hội đồng trường đóng vai trò giám sát những hoạt động này. Hội đồng trường chỉ nên quyết những vấn đề lớn liên quan đến phương hướng hoạt động; còn những việc cụ thể, chi tiết trong sắp xếp cán bộ cấp dưới thì hiệu trưởng trình lên hội đồng trường, hoặc trong thẩm quyền hiệu trưởng có thể quyết những vị trí đó.
Hiện chúng ta còn một số quy định cứng trong quản lý viên chức sẽ là “con dao” kìm hãm sự phát triển của các trường. Cụ thể, nhiều quy định chồng chéo và không thống nhất với nhau, gây khó khăn tới việc điều tiết nhân sự trong hoạt động nhà trường. Ví dụ, quy định này yêu cầu phải có người (đạt các yêu cầu về giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư,...) mới cho mở ngành, trong khi quy định kia lại yêu cầu phải có ngành mới cho tuyển người.
Thực tế, tùy từng thời điểm, có những ngành hiện tại rất thu hút người học nhưng cũng có thể tương lai sẽ không còn sức hút với người học. Trong khi đó, quản lý viên chức lại đang theo hướng cứng, chặt chẽ, điều này nhằm mục đích để không ai có thể lách luật được. Nhưng thị trường lao động là thị trường mở (trừ những ngành thiết yếu phải đào tạo bằng mọi giá), thì về cơ bản vẫn cần đáp ứng theo nhu cầu xã hội, thị trường lao động. Do đó, cần sự điều chỉnh linh hoạt, hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho các trường có điều kiện sắp xếp đội ngũ nhân sự và tổ chức bộ máy hợp lý.
Tự chủ đại học phải đi liền với dân chủ trong nhà trường. Các cơ quan quản lý phải đề cao sự tín nhiệm, phải tin, phải giao và chỗ nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Khuyến khích các trường phát huy sáng tạo để sắp xếp đội ngũ phù hợp, vận hành tốt. Cứng nhắc vận hành các quy định cũ sẽ kìm hãm sự phát triển.
Tự chủ về công tác cán bộ còn có ở khía cạnh hiệu trưởng phải có cơ chế để chịu trách nhiệm trước hội đồng trường, chịu trách nhiệm trước xã hội. Hiệu trưởng phải cam kết sẽ tuyển được người giỏi, có thể trả lương cao để thu hút những người tài giỏi, và thực sự là niềm tự hào để nâng cao chất lượng, thương hiệu của nhà trường, thu hút sinh viên theo học, và được xã hội thừa nhận.
Tự chủ về nhân sự, tổ chức là cái nhìn rất rộng mở. Để giáo dục đại học phát triển, thực sự là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước thì phải có cơ chế rất cởi mở. Tất nhiên, cũng tùy điều kiện từng trường, hay lĩnh vực đào tạo, nhưng càng mở rộng càng tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục đại học bền vững. Có cơ chế linh hoạt, đặt đúng người giỏi vào đúng vị trí thì bộ mặt giáo dục đại học Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến lớn.
Ảnh minh họa: TL |
_____
Phóng viên: Năm 2023, vấn đề tự chủ đại học vẫn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông có gửi gắm, kỳ vọng gì đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện tự chủ đại học?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Tự chủ đại học là một xu hướng tích cực, và là một quá trình từ thấp đến cao, bởi không phải tất cả các trường đại học đều tiến hành tự chủ trong điều kiện như nhau. Nhưng nhìn chung, tự chủ đại học sẽ giúp phát triển giáo dục đại học Việt Nam và là tiền đề giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy được tiềm lực của mình.
Chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm về tự chủ đại học. Những khó khăn bước đầu trong thực hiện tự chủ, chúng ta cũng đã từng bước vượt qua. Giai đoạn sắp tới đây, các trường cần tự chủ mạnh mẽ và thực chất hơn ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, về mặt căn cứ pháp lý, cần đồng bộ và hoàn thiện các chính sách pháp lý liên quan đến tự chủ đại học. Đảm bảo phù hợp với thực tế, phát huy giá trị, chủ động các trường, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Thứ hai, các trường phải chủ động sáng tạo hơn nữa trong các mô hình phát triển; Có trách nhiệm đề xuất hướng phát triển, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình, giúp phát huy sức mạnh đội ngũ của cơ sở trong hội nhập quốc tế và nâng tầm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ ba, cần có sự thống nhất trong trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ,... cũng phải cùng chung suy nghĩ và chia sẻ về tự chủ đại học.
Tự chủ đại học không phải là để các trường tự lo. Tự chủ đại học là tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất, phát huy vai trò sáng tạo, chịu trách nhiệm và giải trình của các trường để sử dụng tốt nhất nguồn lực của nhà nước đầu tư, huy động thêm nguồn lực xã hội hợp lý, có lộ trình để tăng quy mô đầu tư cho giáo dục một cách hiệu quả.
Tự chủ cũng không có nghĩa là cắt ngân sách. Các trường không được thương mại hóa giáo dục, mà phải quan tâm đến sứ mệnh của mình để có những nguồn thu tốt hơn, thu hút nhiều người học, từ đó nâng cao bài toán chất lượng.
Về phía các cơ quan quản lý, quan niệm chỉ tập trung vào cắt giảm nhân sự cũng cần phải xem lại và phải xác định đây là sự nghiệp lâu dài, cần có sự đầu tư hợp lý và đủ mạnh. Trong thời buổi công nghệ đang phát triển rất nhanh, chúng ta tiết kiệm “một đồng đào tạo”, để rồi sản phẩm đào tạo ra không chất lượng thì đó mới là sự lãng phí. Sự đầu tư phải đồng bộ, hợp lý.
_____
Phóng viên: Để nhắc đến vai trò của báo chí đối với truyền thông chính sách tự chủ đại học thì Đại biểu sẽ đề cập đến những gì?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa: Truyền thông chính sách là công việc chung của tất cả các Bộ, ban ngành, chứ không chỉ riêng báo chí. Tuy nhiên, báo chí là cầu nối đặc biệt trong công tác này. Báo chí với vai trò truyền thông nói chung và truyền thông về chính sách tự chủ đại học nói riêng đã thực sự tạo ra một diễn đàn công khai, rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực thi và đánh giá chính sách.
Cụ thể, báo chí đã góp phần tạo ra sự đồng thuận và hiểu biết sâu sắc về tự chủ đại học. Thông qua đó, xã hội đã hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn, điều kiện cụ thể của giáo dục đại học Việt Nam nói chung và điều kiện của từng đại học/trường đại học nói riêng.
Đồng thời, báo chí cũng góp phần mở rộng đường để các cơ sở giáo dục đại học phát huy được vai trò tự chủ của mình một cách hiệu quả theo Luật 34 và các văn bản, chính sách của Đảng.
Thông qua báo chí, chúng ta cũng nhìn nhận được thêm những kinh nghiệm, cách làm hay để học tập đồng thời, thấy rõ được những vướng mắc cần điều chỉnh để hoàn thiện hơn về chính sách pháp luật, cũng như đưa tự chủ đại học đạt hiệu quả như định hướng đưa ra.
Báo chí là một “mặt trận” vừa xây vừa chống, phát hiện những điển hình tiên tiến, những cái tốt; Đồng thời cũng chỉ ra những tiêu cực, khúc mắc cần giải quyết.
Tuy nhiên, tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tránh “tô hồng” về tự chủ đại học. Tự chủ đại học không phải “chiếc đũa thần” để giải quyết hết những vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam, mà đây chỉ là hướng mở để chúng ta phấn đấu đến những mục tiêu cao hơn.
Bởi còn nhiều vấn đề nội tại của giáo dục đại học còn yếu kém không phải do tự chủ đại học đem đến. Dù không giải quyết được hết các vấn đề, nhưng Luật 34 đã tạo ra nhiều cơ hội để giáo dục đại học phát triển. Như Bác Hồ đã nói: “Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Quan điểm của báo chí truyền thông cũng phải luôn rõ ràng, rành mạch, khách quan và trung thực như vậy.
_____
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa!