Không đảm bảo nguồn thu, trường ĐH tự chủ tài chính dễ đứng trước nguy cơ xoá sổ

20/04/2023 06:36
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tự chủ tài chính đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là các cơ sở đóng trên địa bàn địa phương có kinh tế còn khó khăn.

Vào cuối tháng 3/2023, Hội đồng quản trị của Đại học Iowa Wesleyan ở Mount Pleaseant (Mỹ) đã nhất trí bỏ phiếu đóng cửa trường này từ tháng 5/2023 tới đây sau 181 năm hoạt động.

Theo thông cáo báo chí của trường đại học này, quyết định đóng cửa trường được đưa ra do những thách thức về tài chính ngày càng gia tăng.

Điều này cho thấy, tự chủ tài chính là điều tất yếu tại các cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường. Tuy nhiên, nếu không có sự quản trị, chiến lược phát triển nhà trường hợp lý để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút tuyển sinh, trường có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa bất cứ khi nào.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, sự phát triển và tồn tại của một cơ sở giáo dục đại học không đơn thuần chỉ có mỗi yếu tố tài chính tác động đến.

Tuy nhiên, tài chính cũng giống như máu trong cơ thể, muốn cơ thể hoạt động hay tồn tại được thì máu phải có đủ và phải lưu thông tốt. Trường đại học muốn tồn tại được từ chương trình đào tạo, nhân lực,... cũng đều phải có đủ tài chính cần có để vận hành và phát triển.

Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong giờ học thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong giờ học thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Cũng theo thầy Tùng, việc tự chủ tài chính toàn phần sẽ giúp các trường có được những nguồn đầu tư lớn để thuận lợi hơn trong việc phát triển.

Hiện tại, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đang tự chủ tài chính một phần chi thường xuyên, nhưng để thuận lợi phát triển hơn, trường đã xây dựng kế hoạch đảm bảo tiến tới tự chủ tài chính toàn bộ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ những kinh nghiệm của các trường đã tự chủ tài chính hoàn toàn, theo thầy Tùng, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thực hiện đối với các trường đại học là các cơ chế, chính sách, văn bản chưa đồng bộ nên chưa giúp các trường được tự chủ thực sự.

Bên cạnh đó, mỗi trường cũng có những khó khăn riêng mang tính đặc thù, đặc trưng riêng của mình nên cũng sẽ có những vướng mắc nhất định khi thực hiện tự chủ tài chính.

Hiện, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã và đang triển khai 02 nhóm giải pháp chính để khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra khi thực hiện tự chủ tài chính.

Đối với Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng nguồn thu, trường đang tiến hành rà soát lại để phát triển các hoạt động chuyên môn, giảng dạy, khoa học công nghệ, hoạt động dịch vụ làm sao để nâng cao được nguồn thu cho nhà trường.

Đối với Nhóm giải pháp thứ hai là tiết kiệm, giảm chi phí, trường cũng đang tiến hành tinh gọn cơ cấu cán bộ nhằm nâng cao chất lượng và năng lực của cán bộ; từng bước điều chỉnh các chi phí bất hợp lý trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, nhà nước, các Bộ, ban ngành có liên quan cần có những điều chỉnh trong chính sách, cơ chế cho phù hợp như trong Luật đầu tư công, Luật giáo dục,... với các đơn vị trường trực thuộc.

Từ đầu năm 2022, Đại học Huế và các đơn vị đã bắt đầu thực hiện lộ trình tự chủ, trong đó có Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Luật thực hiện tự chủ tài chính ở nhóm 1 (mức 1) là tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết, việc không còn nguồn ngân sách nhà nước làm giảm bớt nguồn thu nên cũng gây ra khó khăn nhất định cho nhà trường.

Mặt khác, thu nhập của người dân tại khu vực miền Trung tương đối thấp nên học phí của các trường thuộc khu vực như Trường Đại học Luật, Đại học Huế cũng không thể thu cao. Bởi vậy, nhà trường cũng phải tính toán một cách chặt chẽ để cân đối được tài chính, đảm bảo được việc phát triển nhà trường trong mọi mặt.

Đoàn tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Luật, Đại học Huế tư vấn trực tiếp cho thí sinh tại tỉnh Quảng Trị trong Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2023 (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Đoàn tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Luật, Đại học Huế tư vấn trực tiếp cho thí sinh tại tỉnh Quảng Trị trong Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2023 (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Theo thầy Phương, trường đại học là nơi đào tạo và nghiên cứu khoa học, do đó, nguồn thu của trường cũng xuất phát từ hai việc này. Nếu trường đại học đảm bảo được nguồn thu tất nhiên sẽ tồn tại, nhưng nếu không đảm bảo được nguồn thu, không thể trả lương cho cán bộ, viên chức sẽ dẫn đến bế tắc, đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Việc thực hiện tự chủ đối với các trường đại học trong hiện tại và tương lai đều phải đứng trước nhiều thách thức và đòi hỏi sự thích ứng phù hợp.

Đặc biệt là mô hình tổ chức bộ máy của trường đại học hiện nay gần như mô hình hoạt động của một doanh nghiệp. Do vậy, các trường phải thay đổi từ mô hình truyền thống - quản lý và điều hành mang tính hành chính thành mô quản trị đại học. Và để làm được việc này phải có quá trình thay đổi, đòi hỏi những người trong ban lãnh đạo nhà trường phải tư duy, sáng tạo nhiều hơn về cách thức, tổ chức hoạt động,...

Để việc tự chủ tài chính được diễn ra thuận lợi, các trường phải tinh gọn bộ máy tổ chức một cách hợp lý, không tuyển dụng nhân sự thừa trong các phòng, ban, đơn vị gây lãng phí nguồn thu.

Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao sản phẩm, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút nguồn tuyển sinh.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, có những trường có lịch sử hình thành, đào tạo rất lâu đời nhưng đến thời điểm hiện tại, việc đào tạo nguồn nhân lực của họ không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội, nên không tuyển sinh được.

Thế nhưng, đối với thể chế và tình hình của nước ta hiện nay, nhu cầu nhân lực về ngành luật vẫn đang cần rất nhiều. Do vậy, trong bối cảnh ở nước ta có đến vài chục cơ sở giáo dục đại học đào tạo luật như hiện nay, phải đào tạo được chuyên sâu, có chất lượng, phát huy được thế mạnh của mình, sinh viên khi ra trường dễ dàng tìm kiếm công việc thì nguồn thu của trường mới không đáng lo ngại.

Tường San