Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng tăng chỉ tiêu đào tạo và mở thêm nhiều ngành học mới để thu hút thí sinh. Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (gọi tắt Luật số 34) cho phép các trường đại học được tự chủ toàn diện, từ học thuật, tổ chức nhân sự đến tài chính.
Một trong những quyền tự chủ có thể xem là cuộc cách mạng lớn, đó là việc cho phép các trường đại học được phép tự chủ trong mở ngành. Theo đó, trường đại học được phép tự chủ mở ngành với yêu cầu đảm bảo phù hợp với xã hội và người học, nhu cầu nguồn nhân lực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo cùng các điều kiện về đảm bảo chất lượng; đồng thời phải được sự thông qua của Hội đồng đại học/Hội đồng trường/Hội đồng quản trị.
Trong khi đó, trước khi Luật số 34 ra đời, "đặc quyền" tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành chỉ dành cho Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia. Đối với các cơ sở giáo dục còn lại khi muốn mở ngành đều phải xin phép và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mới được phép mở (Theo Luật Giáo dục đại học 2012).
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học (2020-2021, 2021-2022, 2022-2023) thực hiện tự chủ đại học, đã có 832 ngành được các trường đại học tự chủ mở.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chiếu theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang cho thấy, hiện Trường có 68 ngành đào tạo. Các ngành đào tạo của Trường Đại học Văn Lang đa dạng các lĩnh vực (trừ sư phạm) từ nghệ thuật, kinh doanh, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nông nghiệp, sức khỏe,...
Ảnh chụp màn hình |
Trong tổng số 68 ngành đào tạo của Trường, có nhiều ngành đào tạo được mở từ năm 1995 (khi mới thành lập trường) vẫn được duy trì đào tạo đến nay như Kinh doanh thương mại, Kiến trúc, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng, Ngôn ngữ Anh, Kỹ thuật phần mềm,...
Theo số liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Văn Lang, kể từ khi Luật số 34 có hiệu lực (từ 1/7/2019), hàng năm Trường đều mở thêm một số ngành học mới.
Đáng chú ý, năm 2020 là năm học ghi nhận số lượng các ngành bắt đầu đào tạo có số lượng lớn nhất - 17 ngành. Từ năm 2020 đến năm 2023, trong vòng 4 năm, tổng số ngành đào tạo được Trường Đại học Văn Lang mở mới là 36 ngành.
Trong tổng số 68 ngành đào tạo của trường, các ngành đào tạo do cơ quan có thẩm quyền cấp phép và các ngành do trường tự chủ mở của Trường Đại học Văn Lang có tỷ lệ xấp xỉ ngang nhau: 33/68 ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp phép, 35/68 ngành do trường tự chủ.
Trong đó, các ngành đào tạo từ năm 2018 trở về trước phần lớn đều do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Từ năm 2019 trở đi, đa phần các ngành mới mở đều do Trường tự chủ mở ngành, trừ một số ngành sau đây do cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Công nghệ kỹ thuật ô tô (2019), Răng – Hàm – Mặt (2020), Nông nghiệp công nghệ cao (2020), Y khoa (2022).
Một số ngành học “hot” do Trường Đại học Văn Lang tự chủ mở trong những năm gần đây như: Công nghệ sinh học y dược (2019), Công nghệ điện ảnh, truyền hình (2022), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (2022), Công nghệ tài chính (2023), Kỹ thuật hàng không (2023),…
Tại đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Văn Lang thông báo tuyển sinh 62 ngành với tổng chỉ tiêu là 16.440 sinh viên. Trong đó, có 5 ngành có chỉ tiêu từ 1000 sinh viên: Truyền thông đa phương tiện (1000 sinh viên), Công nghệ thông tin (1000 sinh viên), Quản trị kinh doanh (1300 sinh viên), Quan hệ công chúng (1400 sinh viên), Marketing (1700 sinh viên). Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó, chỉ tiêu phần lớn ở 2 phương thức sau này.
Ngành có chỉ tiêu ít nhất là Công nghệ điện ảnh, truyền hình với 10 sinh viên. Một số ngành khác có chỉ tiêu 20 - 30 sinh viên/ngành: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật nhiệt, Hệ thống thông tin, Công nghệ sinh học, Bảo hộ lao động,...
Marketing là ngành có chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất năm 2023 với tổng chỉ tiêu dự kiến là 1700 sinh viên. Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Văn Lang. |
Năm 2022, phóng viên không tìm thấy thông tin công khai chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo của Trường Đại học Văn Lang. Theo đó, đề án chỉ cung cấp tên các ngành tuyển sinh, mã ngành, mã phương thức xét tuyển và tổ hợp môn xét tuyển, không có chỉ tiêu dự kiến (Chi tiết xem ảnh bên dưới).
Ảnh chụp Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Văn Lang |
Năm 2021, tổng chỉ tiêu dự kiến của Trường là 8.665 sinh viên. Trong đó, một số ngành có chỉ tiêu lớn như Ngôn ngữ Anh (840), Quản trị kinh doanh (720), Marketing (560), Công nghệ Kỹ thuật ô tô (500),... Như vậy, tổng chỉ tiêu năm nay của Trường Đại học Văn Lang gần gấp đôi so với năm 2021, tăng 89,73%.
Theo công bố trên website, Trường Đại học Văn Lang xác định tầm nhìn sẽ trở thành một trong những trường đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất Châu Á vào năm 2030. Theo đó, 1 trong 10 mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Văn Lang giai đoạn 2020-2025 nhằm đạt tầm nhìn đề ra cho năm 2030 là nâng cấp thành công từ mô hình “trường đại học” lên “đại học”.
Đây là một trong những cơ sở giáo dục đại học có quy mô sinh viên lớn của nước ta hiện nay. Trường Đại học Văn Lang là trường đại học tư thục, thành lập năm 1995. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu hiện đang đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Chủ tịch Hội đồng trường hiện nay là bà Bùi Thị Vân Anh, thay thế cho ông Nguyễn Cao Trí - người từng đảm nhận vị trí này trước đó.