Thực hiện tự chủ mà không tăng học phí, Nhà nước nên có hỗ trợ cho các trường ĐH

13/08/2023 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không được cấp bù phần thâm hụt từ việc không tăng học phí thì trường đại học sẽ rất khó trong đầu tư các khoản chi.

Việc điều chỉnh Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về học phí theo hướng không tăng học phí năm học mới 2023-2024 khiến trường đại học gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên; đặc biệt, số tiền cho sinh viên vay để hỗ trợ học tập (căn cứ vào mức thu học phí và sinh hoạt phí theo vùng) không tăng thêm.

Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác – Chính trị sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết Phòng đã thông báo cho sinh viên về việc không tăng học phí. Qua nắm bắt tâm tư của sinh viên, thầy Thành cho hay các em rất vui mừng trước thông tin này.

Tuy nhiên, theo thầy Thành, quy mô tuyển sinh năm 2023 của trường giảm từ 25-30% so với năm học trước nên cùng với việc không tăng học phí dẫn đến doanh thu từ học phí của trường giảm đi đáng kể.

Sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: website nhà trường).

“Không được tăng học phí trong khi chi tiền lương giảng viên bắt buộc tăng lên từ ngày 1/7/2023 (lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng/giảng viên) khiến số tiền dành để đầu tư cho nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo, mở ngành nghề mới,... bị ảnh hưởng", thầy Thành chia sẻ khó khăn.

Về phía người học, thầy Thành cho biết, theo số liệu khảo sát của Phòng Công tác – Chính trị sinh viên, năm học vừa qua, trong số sinh viên được nhận học bổng có 40% sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Song, hiện học bổng và số tiền cho sinh viên vay vốn lại căn cứ vào mức học phí.

Cụ thể, theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/03/2022, hiệu lực thi hành từ 19/05/2022, mức vay vốn tối đa là 4.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng, nhưng không vượt quá mức tối đa nói trên.

“Trên cơ sở pháp lý, học phí không tăng đồng nghĩa với việc số tiền sinh viên được vay hàng tháng cũng sẽ không tăng. Điều này ảnh hưởng chủ yếu đến những sinh viên nghèo - nhóm rất cần được nhận hỗ trợ”, thầy Thành chia sẻ.

Cũng theo thầy Thành, khi các trường đại học đang từng bước tự chủ nhưng không được tăng học phí, thắt chặt công tác tuyển sinh, câu hỏi đặt ra là lấy nguồn thu ở đâu để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo và mở ngành nghề mới. Trong đó, nếu không có các ngành nghề mới thì sẽ rất khó thu hút người học, tụt hậu so với xu hướng việc làm.

Góp ý cho sửa đổi Nghị định số 81/2021 của Chính phủ, theo thầy Thành, nên quy định có ngành không tăng học phí để đáp ứng quan điểm xã hội học tập. Nhưng cũng có ngành nên được tăng học phí để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo của ngành học (ví dụ như lĩnh vực kỹ thuật, hóa chất, y khoa...).

Bên cạnh đó, Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/8/2019 về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo có thể là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021.

Ngoài ra, cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học, không tăng học phí, theo thầy Thành, Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán về việc tham mưu, đề xuất hỗ trợ cho các trường đại học.

“Hiện nay, việc không tăng học phí trong điều kiện vật giá leo thang khiến nhà trường khó khăn. Giữa năm 2023, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được cấp 30-40 tỷ đồng (các năm sau sẽ giảm dần). Nếu không được cấp bù phần thâm hụt từ việc không tăng học phí thì trường sẽ rất khó trong đầu tư các khoản chi (lương thưởng, cơ sở vật chất, mở ngành...)”, thầy Thành cho biết.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long - Trưởng Phòng Đào tạo - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, động thái đầu tiên của học viện trước yêu cầu chưa tăng học phí năm học 2023-2024 là điều chỉnh và thông báo tới người học về mức học phí mới so với dự kiến trong Đề án tuyển sinh năm 2023.

Cụ thể, trước đó, trong Đề án tuyển sinh được công bố vào đầu tháng 2/2023, học viện dự kiến tín chỉ hệ đại học chính quy dao động từ 370.000-400.000 đồng/tín chỉ.

Tuy nhiên, thực hiện không tăng học phí năm học 2023 – 2024, học viện điều chỉnh giảm mức học phí theo hướng duy trì như năm học trước (khoảng từ 300.000-310.000 đồng/tín chỉ). Thông báo này sẽ được đăng tải trên website của học viện trong thời gian tới.

Cũng theo thầy Long, đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, học phí là một nguồn thu chính. Do đó, không được tăng học phí khiến học viện khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, thứ nhất, chi tăng tiền lương để cải thiện thu nhập cho giảng viên bị hạn chế.

Thứ hai, chi cho các hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo; nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học; chi đầu tư cơ sở vật chất,… cũng bị ảnh hưởng, nhất là trong điều kiện nhiều hoạt động không thể cắt giảm nguồn chi.

Theo thầy Long, không tăng học phí khiến việc chi để giữ chân, tạo chính sách thu hút giảng viên giỏi ở lại trường cống hiến hết mình là một bài toán nan giải, thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Chưa kể, nguồn thu từ học phí hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn, cũng như chất lượng của công tác giáo dục đào tạo, nhất là đầu tư cho chương trình thực hành của sinh viên.

Ngọc Mai