Để thực hiện sứ mệnh thời kỳ mới, ĐH địa phương rất cần hỗ trợ từ chính quyền

10/05/2024 06:24
Nhật Lệ

GDVN - Sự ra đời của các cơ sở giáo dục đại học địa phương là một quyết sách của Chính phủ để thực hiện sự phân tầng trong giáo dục đại học.

Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” vào ngày 10/5/2024 tại Trường Đại học Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Đánh giá hoạt động và những kiến nghị thúc đẩy các trường đại học địa phương phát triển

Đánh giá vai trò, tầm quan trọng của việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương; Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức khẳng định: Hằng năm, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học tại một trong những trường đại học trực thuộc Câu lạc bộ.

Năm nay, Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Hạ Long với chủ đề “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”. Hội thảo lần này là cơ hội để các trường đại học địa phương cùng nhau:

"Một là, đánh giá, nhận định những đóng góp của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (trường đại học địa phương) trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với nhiệm vụ, sứ mệnh của một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Hai là, đánh giá tác động, hiệu quả của các cơ chế, chính sách của địa phương trong thời gian qua đối với cơ sở giáo dục đại học địa phương (về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút cán bộ có trình độ cao, sử dụng nhân lực sau đào tạo…) trong sự phát triển của trường đại học địa phương trong hệ thống giáo dục đại học cả nước;

Ba là, đề xuất, kiến nghị với các địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách để các trường đại học địa phương tiếp tục phát triển và thực hiện được nhiệm vụ, sứ mệnh của cơ sở giáo dục đại học địa phương phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

Cuối cùng là kiến nghị, đề xuất bộ chủ quản tham mưu bổ sung trong Luật, Nghị định để làm rõ vai trò của các trường đại học địa phương; tạo cơ hội công bằng, bình đẳng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đại học, trường đại học thuộc các bộ, ngành", thầy Dũng thông tin.

thay-dung-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo Chủ nhiệm câu lạc bộ, một trong những nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng đó là tham gia phản biện cơ chế chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của hội thảo lần này.

Nội dung này là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng địa phương áp dụng các lý thuyết, lý luận nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của giảng viên được triển khai thực tiễn, áp dụng trong điều kiện thực tế của địa phương; là cơ hội để đội ngũ giảng viên của các nhà trường khẳng định được vị thế của mình và là cơ sở để các trường đại học địa phương khẳng định uy tín, trách nhiệm của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sự ra đời của các trường đại học địa phương thực hiện sự phân tầng trong giáo dục đại học

Thầy Dũng thông tin, trong buổi hội thảo, Ban giám hiệu Trường Đại học Hồng Đức có bài tham luận về “Vai trò của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các trường đại học địa phương, nhìn từ trường hợp Trường Đại học Hồng Đức”.

Bài tham luận sẽ nêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội 1996 - 2000 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, năm 1996 đã xác định giải pháp “thực hiện quy hoạch sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu, xây dựng các đại học đa lĩnh vực ở các trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Phát triển các đại học và cao đẳng địa phương để đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ”.

Triển khai chủ trương này, năm 1997 các trường đại học địa phương trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được triển khai thí điểm. Đến nay, đã có 26 cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm các trường đại học này được thành lập. Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Quảng Nam là 2 trường đại học đầu tiên được thành lập (1997) và gần đây nhất là Trường Đại học Khánh Hòa (2015).

Trường đại học địa phương là một nhóm các cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình “trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh” và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự ra đời của các trường đại học địa phương là một quyết sách của Chính phủ để thực hiện sự phân tầng trong giáo dục đại học. Việc phân tầng này được triển khai với 2 mục đích chính:

Thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh;

Tạo điều kiện cho con em ở các địa phương xa trung tâm có điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học. Từ đó các địa phương này sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó.

Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 của Chính phủ thì việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học là sự sắp xếp thành các nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu, định hướng đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Nghị định này. Cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Như vậy, bản chất thực sự của sự phân tầng chính là việc chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học.

Thực tế với hơn 26 năm xây dựng và phát triển đã chứng minh các trường đại học địa phương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc phát triển giáo dục đại học tại địa phương. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện và hoàn thành được vai trò và sứ mệnh trong thời kỳ mới, các cơ sở giáo dục đại học địa phương rất cần đến sự hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền địa phương.

Truong-dh-hong-duc.jpg
Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 1997. (Ảnh: website nhà trường)

Vai trò của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các trường đại học địa phương

Theo Luật giáo dục đại học (2018), các cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng. Các cơ sở giáo dục đại học được chia thành 2 loại: Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu; Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động.

Trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học công lập, các cơ sở giáo dục đại học địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của quốc gia nói riêng.

Căn cứ vào các Quyết định thành lập, các trường đại học địa phương là cơ sở giáo dục đại học “trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh”. Tại Khoản 5, Điều 105, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 đã nêu rõ “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn;

Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý;

Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương;

Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương…”.

Như vậy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đến việc phát triển giáo dục của địa bàn mình trong đó có các trường đại học địa phương. Hay nói một cách khác, chính quyền địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các hoạt động thiết yếu (điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học), quyết định đến không chỉ tiến trình phát triển mà cả sự “sống còn” của các trường đại học địa phương.

Tuy nhiên, tham luận của Trường Đại học Hồng Đức cũng chỉ ra một bước ngoặt lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học địa phương đó là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho phép giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường và sau đó là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, vấn đề tự chủ của các trường đại học chính thức được luật hóa trong đó quyền tự chủ đại học được giao cho Hội đồng trường. Điều này mặc dù tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các nhà trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới sự phát triển thực chất và bền vững nhưng lại đặt các cơ sở giáo dục đại học địa phương vào những khó khăn và thách thức mới trong đó có trách nhiệm giải trình trước xã hội, đặc biệt đặt vị trí các trường đại học địa phương ngang bằng với các cơ sở giáo dục đại học Trung ương.

Như vậy, về cơ bản, trong những năm đầu khi đi vào hoạt động, các trường đại học địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đầu tư về cơ sở vật chất và cấp kinh phí hoạt động. Sau đó, căn cứ vào lộ trình, tùy theo quy mô tuyển sinh và các hoạt động dịch vụ có thu, nhà trường sẽ bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Theo đánh giá chung, sau hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, các trường đại học địa phương đã cơ bản thực hiện được sứ mệnh phục vụ cộng đồng tại địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, đi cùng với sự chuyển động của cơ chế chính sách và tác động của điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội môi trường, các cơ sở giáo dục đại học địa phương đã bộc lộ nhiều khó khăn như đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng cũng như cơ cấu; một số ngành/chuyên ngành đào tạo vẫn mang tính truyền thống không còn đủ sức hấp dẫn đối với người học; công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, có sự chênh lệch rõ ràng giữa một số ngành/chuyên ngành đào tạo (có ngành tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành lại không tuyển được sinh viên nào); việc tuyển sinh các ngành thuộc khối đào tạo giáo viên phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu đặt hàng của tỉnh; chưa có nhiều giảng viên đầu ngành, nhóm nghiên cứu mạnh mang tính liên ngành hay mũi nhọn dẫn dắt hoạt động khoa học và công nghệ của trường; nguồn thu chưa đa dạng và có xu hướng giảm…

Tham luận cũng chỉ ra có nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những hạn chế này như: Nhà nước chưa xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho các trường đại học địa phương, đặt các cơ sở giáo dục này ngang bằng với các trường đại học trung ương; Sự cạnh tranh gay gắt trong hoạt động tuyển sinh; Sự thiếu hấp dẫn của môi trường địa phương xa trung tâm kinh tế lớn; Nhiều ngành đào tạo không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội nên khó để thu hút được các thí sinh; Nhu cầu nguồn lao động đối với một số ngành nghề truyền thống đặc biệt là nghề giáo viên ngày càng hạn chế; Việc đào tạo trình độ cao đẳng không còn nằm trong khối giáo dục đại học; Việc hợp tác giữa các trường đại học địa phương và doanh nghiệp chưa được diễn ra trên diện rộng nên nguồn thu, nguồn cung cấp nhân lực bị hạn chế.

Để giải quyết được những bài toán khó khăn này, mỗi cơ sở giáo dục đại học địa phương đã xây dựng những giải pháp căn bản, riêng biệt trên cơ sở của điều kiện thực tế trong đó tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Và thực tế đã chứng minh rằng, tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền từng địa phương mỗi cơ sở giáo dục đại học địa phương lại “xây dựng” một bức tranh tổng thể khác nhau.

Cụ thể, nếu trường nào nhận được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền địa phương sẽ có nhiều động lực để phát triển, từng bước trở thành một trường đại học phát triển, có uy tín và vị thế trong các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Trường hợp này được nhìn thấy rõ ở Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Hạ Long. Và trái ngược lại nếu không có sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cơ sở giáo dục này rất dễ rơi vào nguy cơ không tiếp tục hoạt động được (một số trường phải nợ lương của viên chức, người lao động trong thời gian dài). Thậm chí phải đối mặt với việc sáp nhập với các đại học quốc gia, đại học vùng (Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam). Kết quả này hoàn toàn không phù hợp với sứ mệnh được đặt ra cho các trường đại học địa phương, làm thay đổi nhiệm vụ phân tầng trong giáo dục đại học từ đó có thể làm suy yếu Hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.

Cũng trong bài tham luận này, Trường Đại học Hồng Đức mong muốn tiếp tục nhận được sự tạo điều kiện, cơ chế chính sách của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

Tiếp tục được ủy ban nhân dân tỉnh giao những cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực để Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục phát triển như cơ chế thu hút giảng viên có trình độ cao; tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với những ngành, lĩnh vực trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh; cơ chế đặt hàng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các sở, ban, ngành, địa phương đang có nhu cầu.

Tiếp tục được ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trên cơ sở năng lực của nhà trường và nhu cầu của các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh.

Tiếp tục được ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người học là cán bộ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi theo học tại Trường Đại học Hồng Đức.

Nhật Lệ