Kiến nghị cho phép trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng

18/02/2024 06:22
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cần có văn bản hướng dẫn cho các trường đại học địa phương trong việc được đào tạo trình độ cao đẳng để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước nhiều khó khăn, một số trường đại học địa phương lựa chọn phương án trở thành các trường thành viên, đơn vị trực thuộc của đại học quốc gia, đại học vùng. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, cần cho phép các trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.

Luật không cấm nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho hay, hiện nay, nhiều trường đại học địa phương đang đứng trước vô vàn khó khăn nên rất cần có giải pháp khắc phục phù hợp. Theo đó, thầy Đức đề xuất rằng, cần cho phép các trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng bởi giải pháp này sẽ giải quyết được nhiều bài toán khó.

Ảnh minh họa (Nguồn: Trường Đại học Đồng Nai).

Ảnh minh họa (Nguồn: Trường Đại học Đồng Nai).

Trước hết, có thể thấy rằng, sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học đều là đào tạo nhân lực cho phát triển của đất nước nói chung và địa phương nói riêng, tuy nhiên, trường đại học địa phương thường có phân khúc thị trường khác với các trường đại học ở thành phố lớn. Bởi, dù ở tỉnh, thành nào, người học thường có nhu cầu lựa chọn tham gia học đại học tại các thành phố lớn, còn các em có hoàn cảnh khó khăn hơn mới chọn học ở địa phương.

Do đó, việc cho phép các trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng sẽ giải quyết được bài toán nhân lực cho chính địa phương đó.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, hiện nay nhiều trường đại học địa phương có số lượng giảng viên bị dư nhưng thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên nên không mở được những ngành học mà xã hội có nhu cầu.

Thực tế, một số trường đại học địa phương có tiền thân là trường cao đẳng nên đến nay vẫn có giảng viên không thể đứng lớp dẫn tới thu nhập thấp. Không những vậy, hàm lượng nghiên cứu khoa học của các trường này cũng không cao.

Ngoài ra còn có tình trạng, nhiều giảng viên lựa chọn chuyển đến các cơ sở giáo dục đại học khác để đảm bảo thu nhập, vì vậy, ở một số trường đại học địa phương, số lượng giảng viên đang bị giảm dần.

Đơn cử như Trường Đại học Đồng Nai vốn cũng phát triển từ một trường cao đẳng, vài năm trước, khối kỹ thuật của trường do không mở được ngành nên nhiều năm liền giảng viên của khối ngành này không thể thực hiện công việc giảng dạy. Đến năm ngoái, trường mới mở được 2 mã ngành đào tạo của khối ngành này.

Chính vì vậy, việc cho các trường đại học địa phương đào tạo bậc cao đẳng có thể giúp các trường “lấy ngắn nuôi dài”, vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho giảng viên để họ tiếp tục gắn bó với nhà trường, không phải chuyển đến nơi xa xôi làm việc; vừa giúp trường có thời gian chuẩn bị đội ngũ trình độ cao để có thể duy trì hoạt động đào tạo.

Cũng theo thầy Đức, để thực hiện giải pháp này không khó vì bản thân các trường đại học địa phương đã có sẵn nguồn lực về đào tạo trình độ cao đẳng, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo những ngành học mà địa phương và xã hội có nhu cầu.

Hơn nữa, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, trường đại học địa phương cũng đào tạo cả trình cao đẳng và đại học. Vậy nên, việc cho phép trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời cũng đáp ứng được nguồn nhân lực xã hội đang cần.

Không những vậy, Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng không cấm điều này. Cụ thể, Điều 37 về Tổ chức và quản lý đào tạo của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số: 34/2018/QH14) nêu rõ: “Căn cứ vào nhu cầu của địa phương và đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn cung cấp các chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học; đào tạo chuyển tiếp cho trường đại học khác”.

Tuy nhiên, theo thầy Đức, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho các trường đại học địa phương thực hiện việc đào tạo các trình độ dưới đại học như vậy.

Do đó, thầy Đức kiến nghị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nên có văn bản hướng dẫn cho các trường đại học địa phương trong việc được đào tạo trình độ cao đẳng để giải quyết những khó khăn trước mắt, mở thêm một hướng đi cho các trường để chăm lo cho đời sống của cán bộ, giảng viên nhà trường.

Bởi, sự tồn tại của hệ thống các trường đại học địa phương là rất quan trọng khi là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực sát sườn nhất với nhu cầu của chính địa phương đó.

Theo thầy Đức, không phải cứ đi học tại các trường đại học ở thành phố lớn mới phục vụ được nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai khi tuyển dụng cũng ưu tiên người địa phương hơn để tránh trường hợp người lao động nhảy việc, ảnh hưởng đến tiến độ và năng suất, công việc của họ.

Kiến nghị địa phương quan tâm, đầu tư cho các trường đại học địa phương

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo ,Trường Đại học Phú Yên cho rằng, hiện nay, đào tạo bậc đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, còn bậc cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Do đó, nếu cho phép các trường đại học địa phương được đào tạo trình độ cao đẳng có thể dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý, đào tạo.

Bên cạnh đó, việc này có thể ảnh hưởng đến tình hình tuyển sinh của các trường cao đẳng trên cùng địa bàn.

Cũng theo thầy Đăng, hiện nay trường đại học địa phương gặp nhiều hạn chế do mọi thứ đều thiếu, từ đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất nên phải tinh gọn lại nhiều ngành nhưng đồng thời cũng thay đổi các ngành học phù hợp với sự phát triển theo định hướng kinh tế - xã hội của địa phương.

Thầy Đăng cho rằng, để khắc phục những khó khăn còn tồn tại này, các địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho các trường đại học trực thuộc, đặc biệt là đầu tư về mặt công nghệ, bởi chỉ có công nghệ mới có thể rút ngắn khoảng cách giữa các trường đại học trung ương với trường đại học địa phương. Đơn cử, như khi các trường đại học địa phương muốn mời giảng viên ở các trường đại học lớn tham gia thỉnh giảng trực tuyến để hỗ trợ cho nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho hay, trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang.

Sau khi sáp nhập, khoa nghệ thuật của trường có năng lực đào tạo tương đối tốt với gần 50 giảng viên, thế nhưng, việc có giảng viên nghệ thuật trình độ tiến sĩ trở lên để được đào tạo hệ đại học là rất khó khăn với nhà trường. Mặc dù đã thành lập 8 năm nay nhưng trường vẫn chưa thể mở được ngành nghệ thuật nào thuộc bậc đại học.

Do đó, trường đã kiến nghị được đào tạo hệ cao đẳng với nhóm ngành nghệ thuật chứ không xin đào tạo những ngành khác và được phép đào tạo nhóm ngành nghệ thuật trình độ cao đẳng đến năm 2025. Thầy Phiến bày tỏ, nguyện vọng của trường cũng mong muốn được tiếp tục đào tạo trình độ cao đẳng đối với riêng nhóm ngành này.

Mặt khác, thầy Phiến cho biết thêm, hiện nay các trường đại học địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên so với các cơ sở giáo dục đại học thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương; khó khăn trong việc được giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ;

Một số trường đại học địa phương do phát triển từ nền tảng là các trường cao đẳng nên cơ sở vật chất vẫn chưa được đầu tư, tuy nhiên, khó khăn này dần dần các cấp chính quyền địa phương có thể hỗ trợ và khắc phục được.

Tường San