Có biên chế tư vấn học sinh trong trường học là một bước tiến bộ

24/05/2024 06:33
Thùy Trang

GDVN - Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, chức danh tư vấn học sinh rất cần thiết nhưng vận hành vị trí đó thế nào để phát huy hết nhiệm vụ là vấn đề cần quan tâm.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh ngày càng được các nhà trường quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Khi Thông tư này được ban hành, công tác tư vấn tâm lý học sinh trong trường học được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu, chuyển biến tích cực hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, trước đây theo quy định các trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo, đề xuất biên chế cho vị trí tư vấn học sinh. Đây là một bước tiến bộ, khi dự thảo thông qua, các trường sẽ định danh được cán bộ tham vấn tâm lý học đường.

Cùng quan điểm, cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Mai (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay nhà trường có 2 giáo viên phụ trách việc tham vấn tâm lý cho học sinh. Hai giáo viên khi làm tại vị trí này sẽ được đi tập huấn về tâm lý học sinh, tham vấn học sinh.

922c4cdec59665c83c87.jpg
Một tiết học Giáo dục giới tính tại Trường Trung học cơ sở Phương Mai (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Mỗi tuần, phòng tham vấn tâm lý sẽ làm việc 2-3 ngày, 2 giáo viên sẽ chia lịch để phụ trách. Các cô vừa phải lo việc giảng dạy nhưng vẫn phải sắp xếp thời gian để có thể tham vấn tâm lý cho học sinh theo lịch trực hàng tuần. Nhà trường cũng tạo điều kiện, giảm số tiết để cân bằng với thời gian tư vấn cho học sinh.

Các thầy cô tham vấn tâm lý ở trường hiện chỉ có mức hỗ trợ “ít ỏi” hàng tháng là 200.000 đồng/ giáo viên. Nếu có định danh cho viên chức “tư vấn học sinh”, chuyên làm nhiệm vụ tư vấn, làm việc đúng chuyên môn, có bảng lương rõ ràng… thì các giáo viên trong trường sẽ không phải kiêm nhiệm nhiều việc, từ đó có thể tập trung vào chuyên môn giảng dạy của mình hơn.

Cần đội ngũ chuyên nghiệp chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc có một vị trí chuyên biệt, có chuyên môn về tâm lý trong trường học rất quan trọng.

Thứ nhất, học sinh phổ thông đang ở độ tuổi thay đổi tâm sinh lý rất cần được hỗ trợ, chia sẻ. Hơn nữa, hiện nay, học sinh còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài xã hội và cả trên không gian mạng.

Tùy điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình, có những gia đình không nhận thức được hoặc không chăm sóc đầy đủ con cái, gia đình chưa cởi mở trong việc chia sẻ các vấn đề về tâm sinh lý với các con. Do đó, ở trường cần có một bộ phận chuyên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, bởi giáo viên chủ nhiệm không phải lúc nào cũng đủ thời gian cũng như không đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để tháo gỡ những khó khăn ấy.

Thứ hai, các trường hiện nay đang định hướng giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện, đặc biệt là giúp cho học sinh nhận thức được năng lực, sở trường của bản thân, từ đó đi đến định hướng nghề nghiệp đúng và phù hợp. Để làm được việc này cũng cần dựa vào các phòng tư vấn có chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn.

Thứ ba, trong xã hội phát triển và biến động không ngừng, nhà trường cần chủ động quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh bằng việc xây dựng đội ngũ tham vấn tâm lý để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Trong khi đó, theo cô Hạnh, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là nơi bồi dưỡng, chăm sóc tâm hồn học sinh. Do vậy, thầy cô giáo phải có sự trao đổi, chia sẻ, thấu hiểu với học trò của mình.

“Lứa tuổi trung học cơ sở là lứa tuổi mới lớn đang phát triển về tâm sinh lý. Trong giai đoạn này, các em thường có nhiều điều lo ngại hoặc khó tâm sự với bố mẹ. Phòng tham vấn học đường là nơi để học sinh có thể chia sẻ những khó khăn về tâm lý hoặc những điều thắc mắc mà bản thân chưa có lời giải. Chính vì vậy, việc đưa chức danh “tư vấn học sinh” vào biên chế là rất cần thiết”, cô Hạnh bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, trong môi trường sư phạm, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa trò với trò và giữa trò với phụ huynh hiện nay đã có những diễn biến khác trước đây.

“Sự tiếp nhận kiến thức của một con người nói chung và một đứa trẻ nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái, tâm lý tiếp nhận. Chúng ta vẫn thường có một câu là “tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng”, khi học sinh có tâm lý thoải mái thì các em sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn”, thầy Mạnh nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Mạnh, hiện nay, trong quá trình đến trường đôi khi học sinh gặp phải những vấn đề khó khăn, thậm chí bế tắc, nhiều em rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng và cần được hỗ trợ. Lúc này, rất cần người thầy không chỉ đơn thuần là người cung cấp kiến thức mà còn là chỗ dựa về tinh thần để các em chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình.

443733490_469544118806992_894683830917118537_n.jpg
Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: NVCC

Vận hành vị trí “tư vấn học sinh” thế nào cho hiệu quả?

Có nhiều vị trí việc làm rất quan trọng và cần thiết trong trường học, nhưng câu chuyện vận hành vị trí việc làm đó như thế nào mới là vấn đề cần quan tâm.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra trong "Dự thảo Thông tư quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập" có nêu rõ nhiệm vụ cũng như bảng hệ số lương cho chức danh “tư vấn học sinh” nhưng chưa nhắc đến “định biên” của chức danh này, tức là bao nhiêu học sinh thì cần có một người phụ trách tư vấn tâm lý.

Chính vì thế, theo thầy Lâm cần quy định rõ số học sinh cho mỗi nhân viên tư vấn để tránh tình trạng quá tải công việc, đảm bảo công tác tư vấn được vận hành hiệu quả.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hạnh cũng có đề xuất khi đưa chức danh “tư vấn học sinh” vào biên chế ở mỗi trường, về quy hoạch số lượng nhân sự cho vị trí “tư vấn học sinh” sẽ tùy thuộc vào quy mô của từng trường.

Nếu trường có quy mô lớn, khoảng 40 - 50 lớp học, có thể xem xét sử dụng 2-3 nhân viên tư vấn; quy mô 30 lớp học thì có thể là 1-2 nhân viên tư vấn; quy mô nhỏ hơn thì chỉ cần 1 nhân viên là có thể đảm bảo. Về cơ sở vật chất, mỗi trường cần đầu tư một phòng tham vấn phù hợp từ cảnh quan cho đến vị trí để thuận tiện cho cả học sinh và giáo viên.

"Vị trí tư vấn học sinh sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong việc vận hành nhà trường. Tuy nhiên, sắp xếp vị trí này như thế nào cho phù hợp thì còn phụ thuộc vào những gì nhà trường đã, đang và sẽ có trong tương lai, thậm chí còn phụ thuộc vào quan điểm triết lý giáo dục của nhà trường", cô Hạnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, công việc tư vấn tâm lý là một công việc đặc thù, mang tính cá nhân cao, cần có tính bảo mật cho mỗi học sinh. Cơ sở vật chất, phương tiện kết nối là những điểm cần lưu ý khi chức danh này chính thức được đưa vào trường học. Chỉ có như vậy thì học sinh mới sẵn sàng mở lòng chia sẻ.

Cũng theo thầy Mạnh, việc tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng nhưng nếu các trường chỉ trông cậy vào một nhân sự tại vị trí đó cho khoảng vài trăm học sinh, thậm chí cả nghìn học sinh của một trường sẽ dẫn đến quá tải.

Trước khi chức danh “tư vấn học sinh” được bổ nhiệm chính thức trong trường học, thầy cô làm công tác quản lý, giáo viên chủ nhiệm phải phát huy tốt nhất vai trò của mình.

Mỗi thầy cô trong lớp học phải là một nhà tư vấn tâm lý. Mỗi trường cần phải nêu cao vai trò tư vấn tâm lý của từng thầy cô, sau đó mới tính đến một vị trí chuyên nghiệp. Vị trí chuyên nghiệp là cần thiết để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề giáo viên chủ nhiệm chưa tìm ra lời giải. Không nên có quan điểm rằng có vị trí “tư vấn học sinh” thì vai trò hỗ trợ tâm lý của các thầy cô khác trong trường bị coi nhẹ”, thầy Mạnh nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, trong một vài năm tới, cả nước cần vài trăm nghìn người làm công tác “tư vấn học sinh”, điều này đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo điều kiện cho vị trí này. Khi chưa có nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu cho vị trí “tư vấn học sinh”, các trường có thể vận dụng chính nguồn lực có sẵn là các thầy cô trong trường.

Đồng quan điểm, cô Hạnh chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn luôn là người đồng hành sát sao nhất cùng học sinh trong học tập. Các thầy cô đều cần chú ý đến việc tham vấn tâm lý học sinh, trách nhiệm tham vấn tâm lý không chỉ thuộc về một mình thầy cô tư vấn.

Các thầy cô “tư vấn học sinh” sẽ có chuyên môn để tư vấn những tình huống cần thiết và khó chia sẻ, học sinh có thể gặp trực tiếp để nhận được tư vấn. Hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô giảng dạy bộ môn cũng cần theo sát các em. Không nên chờ đến khi học sinh yêu cầu tư vấn mới giải quyết vấn đề. Các em cần được theo dõi thường xuyên, chỉ cần một thay đổi về thái độ hay hành vi, giáo viên chủ nhiệm cũng cần nắm bắt được.

Việc có thầy cô tham vấn không làm giảm vai trò của giáo viên chủ nhiệm hay các thầy cô bộ môn. Các thầy cô cần chung tay để giáo dục học sinh một cách tốt nhất. Sự hợp tác và trao đổi giữa các thầy cô là cần thiết để tạo ra một môi trường giúp học sinh nhận được sự tư vấn kịp thời và đầy đủ nhất.

Theo Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập:

Tại Điều 9, khoản 1 quy định: Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

b) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

c) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Thùy Trang