Cùng với chăm sóc sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh hiện được nhiều cơ sở giáo dục quan tâm, tại nhiều trường học đã có giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn đứng trước nhiều thách thức, cán bộ tư vấn tâm lý ở nhiều nơi chỉ là kiêm nhiệm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp còn hạn chế.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Theo đó, viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học có nhiệm vụ chính như: tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh.
Công tác tư vấn trong nhà trường hầu hết do giáo viên kiêm nhiệm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đặng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người vừa giảng dạy và làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Bên cạnh đó, các thầy, cô, giáo viên bộ môn cũng sẽ đảm nhiệm vị trí này, tuy nhiên chưa thể bao quát và nắm rõ về hoàn cảnh cũng như tình hình của từng học sinh như giáo viên chủ nhiệm.
Theo cô Vân Anh, tình trạng học sinh bị stress, gặp vấn đề về khủng hoảng tâm lý diễn ra không ít, cùng với đó, nhiều phụ huynh cũng có nhu cầu gửi gắm con của họ cho nhà trường.
Vì vậy, trong trường học quả thực cần có một nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy giáo viên sư phạm đúng ngành ra trường đã được học qua các môn như Tâm lý học nhưng không chuyên sâu nên việc có một đội ngũ hay một nhân viên chuyên tư vấn tâm lý là vô cùng quan trọng.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, tùy vào quy mô, số lượng học sinh mà mỗi trường nên có số lượng về nhân viên tư vấn cho hợp lí.
Hiện nay, tình trạng học sinh bị áp lực học hành, trầm cảm, bạo lực học đường hay gặp phải những cám dỗ xã hội là những vấn nạn có thể thấy thường xuyên trong các trường học.
Nhà trường cần thành lập một tổ tư vấn có ít nhất 3 thầy cô đảm nhiệm vị trí này, bởi một trường học có hàng nghìn học sinh, nếu chỉ có một biên chế thực sự không đáp ứng được nhu cầu của các em.
Cũng theo thầy Phú, viên chức tư vấn tâm lý trong nhà trường cần có kinh nghiệm, vì đặc thù của ngành giáo dục là cần những người có sự trải nghiệm để nắm bắt được chiều hướng tâm sinh lý của học sinh. Tâm lý học đường rất quan trọng, nếu không có kinh nghiệm, chưa trải qua những tình huống mà học sinh thường gặp thì sẽ không thể tư vấn hay giải quyết vấn đề cho các em.
Chia sẻ thêm về công tác tư vấn học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết, tại Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân, hiện nay, hiệu trưởng chính là người tư vấn học đường của nhà trường.
Nhà trường xây dựng mạng lưới tiếp nhận thông tin để bất cứ thầy, cô nào cũng có thể trở thành một tư vấn viên. Chỉ những trường hợp đặc biệt, chưa giải quyết được sẽ chia sẻ lại với hiệu trưởng để có cách can thiệp kịp thời và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, qua fanpage, nhà trường cũng thông báo số điện thoại của ban giám hiệu, giáo viên tư vấn để học sinh và phụ huynh có thể liên hệ.
“Fanpage, tin nhắn của tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi của học trò, hầu hết học sinh muốn tư vấn về việc học, về tình bạn… nên cần tư vấn với người đứng đầu nhà trường để có cách giải quyết hay can thiệp kịp thời.
Nhà trường phải bảo vệ học trò, bởi khi các em có sự cố mới cần đến thầy cô và muốn chia sẻ. Trước tiên giáo viên phải đồng cảm, chân tình trong cách giải quyết để học sinh an tâm, cảm thấy sự việc trình bày được giải quyết an ổn mới có thể chuyên tâm học hành”, thầy Phú chia sẻ.
Có viên chức về công tác tư vấn học sinh là điều cần thiết
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, học sinh có nhiều áp lực hơn trước và có nhiều vấn đề mà các em không thể tự giải quyết được, nên việc có một người chuyên tư vấn tâm lý cho các em là rất quan trọng và cần thiết.
Nói thêm về những nguyên nhân gây ra các vấn đề về tâm lý cho học sinh, cô Quyên cho biết, có nhiều nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp, trong đó sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và giờ là 5.0 khiến học sinh chạy theo và bị phân tâm bởi công nghệ. Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội khi có quá nhiều thông tin cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến tâm lý của các em.
Có một viên chức tư vấn tâm lý cho học sinh là việc rất cần thiết. Hiện nay, ở Mỹ, ngay cả các trường mầm non cũng có một chuyên gia tâm lý tư vấn riêng cho trường học, nhiệm vụ của họ sẽ là lắng nghe, theo dõi, quan sát và làm việc với phụ huynh khi thấy các em có vấn đề.
Góp ý để công tác tư vấn trong trường học ngày càng hoàn thiện hơn, cô Quyên cho rằng, hiện nay việc tư vấn tâm lý cho học sinh đều đến từ kinh nghiệm cá nhân của mỗi thầy cô giáo. Nhân viên tư vấn không nhất thiết là người duy nhất trong trường tư vấn mà họ có thể phối hợp, hỗ trợ cùng giáo viên để giáo viên có thêm kiến thức và kĩ năng hỗ trợ cho học sinh.
Vì vậy, nếu giáo viên có thể kết nối với nhau và chia sẻ với nhau về kiến thức, kỹ năng thì công tác tư vấn cho học sinh sẽ hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân, để tuyển dụng được viên chức về công tác tư vấn học sinh, cần giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng từng trường. Tuy nhiên cần thành lập tổ tư vấn ít nhất 3 người bởi nhìn từ thực trạng hiện nay, có rất nhiều học sinh gặp các vấn đề như bạo lực học đường, sức khỏe, tâm lý nên nếu chỉ 1 người sẽ không thể bao quát và giải quyết được hết vấn đề của học sinh.
Bên cạnh việc có biên chế giáo viên tâm lý, nhà trường cần tăng cường các hoạt động tập thể tích cực, vui chơi, giải trí nhằm giúp học sinh không sa vào những hoạt động tiêu cực.
Đồng quan điểm, cô Vân Anh cho rằng, trước hết người đảm nhiệm vị trí này nên là các chuyên gia tư vấn, sau đó kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ngày càng hiệu quả, bởi nếu làm độc lập sẽ gặp khó khăn, vì không thể nắm được hoàn cảnh của từng học sinh trong trường.