Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.
Điểm đáng chú ý của Dự thảo là căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện kế hoạch và hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Trong khi đó, quy định cũ không có nội dung về ghép các phòng học bộ môn mà tách riêng quy định cho từng học bộ môn cụ thể là Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ và phòng đa chức năng.
Đạt chuẩn cơ sở vật chất là “bước đệm” phát triển lý tưởng cho các em học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Đình Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Khương Đình cho biết: Những Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là những tiêu chuẩn quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo cho việc các trường thực hiện tốt, đạt chuẩn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm tạo không gian học tập tốt, phát triển toàn diện và an toàn cho người học, câu chuyện cốt yếu của các trường học nên thực hiện là đầu tư xây dựng, thường xuyên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; định hướng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học; đảm bảo quỹ đất cho các cơ sở giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục và đào tạo.
Đối với Trường Trung học phổ thông Khương Đình, theo thầy Xuân, tiêu chuẩn cơ sở vật chất của nhà trường hiện tại đang ở mức độ cao nhất. Đây là một trong những trường trung học phổ thông ở Thủ đô có điều kiện cơ sở vật chất thuộc diện tốt, đầy đủ các phòng chức năng phục vụ các bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Ngoại ngữ, Khoa học - Công nghệ.
Số lượng các phòng học phục vụ công việc giảng dạy và học tập của những thầy cô giáo và các em học sinh được đầy đủ sẽ góp phần giúp việc bố trí thời gian biểu sử dụng cơ sở vật chất được thuận lợi, hợp lý và hiệu quả.
Cùng bàn luận về vấn đề này, thầy Lê Thanh Quân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 chia sẻ: Có thể nói, việc trường học đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất được coi là “bước đệm lý tưởng” cho quá trình học tập, rèn luyện và phát triển của các em học sinh.
Trước đây, có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng giáo dục Việt Nam còn hơi nặng về lý thuyết và thiên về tính hàn lâm. Điều đó đồng nghĩa với việc học sinh ít được tham gia, trải nghiệm thực hành, bởi vì các em chủ yếu học những nội dung kiến thức liên quan đến mặt lý thuyết, rồi sau đó mới bắt nhịp với thực hành.
Song, hiện nay, chúng ta nhận thấy rằng phương pháp giảng dạy đó không mang lại nhiều hiệu quả bằng việc để cho các em học sinh được tham gia hoạt động thực hành trước, rồi sau đó mới đúc rút ra lý thuyết. Chính vì vậy, nếu các cơ sở đào tạo thực hiện tốt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đầy đủ về phòng chức năng thì điều này có thể góp phần tạo ra sự sự hứng thú, niềm đam mê tìm hiểu, khám phá cho các em học sinh.
Từ đó, người học sẽ có động lực học hỏi, ghi nhớ và tiếp thu những nội dung kiến thức lý thuyết. Song, theo quan điểm của thầy Quân, nếu một trường học có đầy đủ điều kiện phục vụ cho các bộ môn đặc thù thì đó là một điều lý tưởng mà mỗi cơ sở đào tạo nên có. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt những quy định như vậy ở tất cả các trường học trên cả nước hiện nay là không dễ, cần cân nhắc xây dựng và đầu tư sao cho phù hợp.
Đối với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5, học sinh không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động thực hành các thí nghiệm bộ môn Khoa học, mà còn được sử dụng thí nghiệm ảo ở phòng thư viện ảo. Từ đó, các em học sinh có thể định lượng được kết quả cuối cùng ở phòng thí nghiệm một cách chính xác. Điều này giúp người học được thực hành thí nghiệm nhiều lần, nghiệm thu được nhiều kết quả và tiếp thu kiến thức sâu sắc hơn.
Ngoài ra, thầy Quân cho hay, các cơ sở giáo dục cũng cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đảm bảo quy hoạch và làm đúng về số lớp, số phòng chức năng, số thiết bị trợ giảng, diện tích đất,... theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ghép phòng bộ môn giúp hoạt động dạy và học được linh hoạt hơn
Một số điểm sửa đổi đáng chú ý về cơ sở vật chất trường tiểu học, đối với yêu cầu khối phòng học tập, dự thảo quy định phòng học bộ môn cần có tối thiểu 03 phòng để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ.
Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện kế hoạch và hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Trong khi đó, quy định cũ không có nội dung về ghép các phòng học bộ môn mà tách riêng quy định cho từng phòng học bộ môn cụ thể: Phòng học bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật: có tối thiểu 01 phòng; Phòng học bộ môn Khoa học - Công nghệ: có tối thiểu 01 phòng; Phòng học bộ môn Tin học: có tối thiểu 01 phòng; Phòng học bộ môn Ngoại ngữ: có tối thiểu 01 phòng; Phòng đa chức năng: có tối thiểu 01 phòng.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Thanh Quân cho rằng, quy định mới trong Dự thảo hoàn toàn phù hợp với tình hình điều kiện của đất nước và bối cảnh của xã hội hiện nay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, có thể nói, phương thức giảng dạy của các giáo viên hiện nay đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Chính vì vậy, nếu mỗi bộ môn đặc thù trong trường bắt buộc có riêng một phòng chức năng khác nhau thì có thể dẫn đến tình trạng lãng phí, chưa tối ưu hiệu quả sử dụng. Đối với một số cơ sở đào tạo có số lượng học sinh đông, để nhà trường có đủ số phòng học riêng cho từng môn vật lý, hoá học,... thì sẽ khó đáp ứng được.
Nhất là trong thời kỳ phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, nhiều cơ sở đào tạo ứng dụng hiệu quả vào quá trình giảng dạy, học tập rất thuận tiện và nhiều lợi ích. Các công cụ thí nghiệm, giáo cụ minh hoạ trực quan bằng công nghệ rất đa dạng, phong phú và dễ dàng vận dụng hơn so với những vật dụng thực tế trước đây.
Ví dụ, khi giáo viên giảng dạy nội dung về môn Địa lý, nhà trường hoàn toàn có thể sử dụng triệt để, khai thác tối ưu, trình chiếu đa dạng các nguồn tư liệu hình ảnh 3D, video clip, thư viện ảo,... song song với hoạt động trải nghiệm thực tế của các em học sinh. Nguồn tư liệu phong phú từ công nghệ kỹ thuật hiện đại này sẽ được cung cấp, lồng ghép trong khoảng từ 10 đến 15 phút trong mỗi tiết dạy để người học cảm thấy hứng thú hơn với kiến thức bài giảng.
Đồng thời, hoạt động này giúp tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thiểu số phòng chức năng mà vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo. Ngược lại, nếu như một cơ sở giáo dục không sử dụng tối ưu tần suất và chức năng của các phòng học, thì chúng ta sẽ không thể tránh khỏi sự lãng phí.
Vì vậy, theo thầy Lê Thanh Quân, Dự thảo đổi mới về việc ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc là rất phù hợp và thiết thực. Điều này không chỉ giúp các trường học có thể bố trí, khai thác, tối ưu hoá không gian của cơ sở đào tạo; mà còn có thể phân bổ linh hoạt, hợp lý hoá về chi phí vận hành nhân sự, kế hoạch xây dựng thời khóa biểu nhà trường.
Bổ sung thêm về vấn đề này, thầy Hoàng Đình Xuân chia sẻ, Dự thảo góp phần tạo điều kiện để một số trường học chưa đầy đủ về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, số phòng học chức năng sẽ có giải pháp mới nhằm tháo gỡ cho những khó khăn về mặt tài chính, nguồn đầu tư, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Song, nếu nhà trường có đủ điều kiện tách riêng các phòng học chức năng thì cũng mang lại một số thuận lợi riêng nhất định.
Bởi lẽ, công tác quản lý đào tạo có thể chủ động bố trí giờ dạy, thời khóa biểu giữa các môn học được dễ dàng hơn. Hơn nữa, mỗi phòng học có thể phát huy tối đa chức năng giáo dục riêng cho mỗi bộ môn đó, đồng thời, khâu bảo quản cơ sở vật chất cũng được thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, về những mặt hạn chế còn thách thức hiện nay, một số cơ sở giáo dục còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt về diện tích đất cũng như điều kiện tài chính để đầu tư. Một số trường không chỉ ở khu vực nội thành, trong trung tâm thành phố lớn mà còn ở những vùng miền xa xôi, khó khăn vẫn gặp tình trạng eo hẹp nhất định về quỹ đất.
Chẳng hạn, một số cơ sở đào tạo ở Thủ đô hay trong trung tâm những thành phố lớn, mật độ dân số đông đúc nhưng diện tích đất lại nhỏ, dẫn đến tình trạng để đạt được tiêu chuẩn trang bị đầy đủ số phòng học chức năng theo Quy định thì sẽ phải chấp nhận một giải pháp là nâng lên nhiều tầng hơn. Còn nếu có những quy định giới hạn về mặt số tầng được phép xây dựng, thì nhà trường đó có thể đối mặt với khó khăn trong khâu thiết kế, đảm bảo tiêu chuẩn về các phòng cho việc dạy và học.
Mặt khác, đối với những cơ sở đào tạo đã có đủ quỹ đất đáp ứng Quy định tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thì chúng ta nên có những định hướng quy hoạch sớm để có thể xây dựng và triển khai tầm nhìn được xa hơn trong tương lai phát triển lâu dài.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Khương Đình cũng chia sẻ, để tạo điều kiện cho các trường đảm bảo việc dạy và học đạt chuẩn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn, những người làm giáo dục đồng thời cũng mong muốn các cấp lãnh đạo Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường cảnh quan cho các em học sinh - thế hệ trẻ của đất nước.
Tiêu chuẩn cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục được sử dụng làm căn cứ để xác định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục. Xác định mức độ đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các cơ sở giáo dục. Đây cũng là căn cứ để thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập).