Tủ SGK dùng chung: Lan tỏa ý nghĩa việc tái sử dụng sách trong cộng đồng

30/10/2024 06:52
Thùy Trang

GDVN -Tủ sách giáo khoa dùng chung đang góp phần giúp học sinh khó khăn thêm cơ hội tiếp cận kiến thức, đồng thời lan tỏa ý nghĩa việc tái sử dụng SGK trong cộng đồng.

Ở nhiều nơi có hoàn cảnh khó khăn, thư viện không chỉ là một căn phòng chứa sách mà còn là cánh cửa mở ra thế giới tri thức cho các em học sinh. Đây là nơi các em có thể tiếp cận nhiều loại sách và tài liệu, mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng ước mơ từ những trang sách.

Với điều kiện kinh phí eo hẹp, còn nhiều khó khăn, nhiều ngôi trường vẫn kiên trì nỗ lực, các thầy cô đã không ngừng vận động, tìm cách bổ sung từng quyển sách giáo khoa, từng đầu sách tham khảo để làm phong phú thư viện cho các em học sinh.

Thầy Phạm Văn Lý - hiệu trưởng nhà trường Trường Trung học cơ sở An Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho hay, thư viện trường nhà trường là một bộ phận quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh, cán bộ và nhân viên trong trường.

z5969313359408_d4390945b3e8d756b1b846063fd24386.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: NVCC.

Mọi hoạt động của thư viện đều hướng tới mục tiêu thu hút các em học sinh và thầy cô, mang đến nguồn sách và tài liệu bổ ích, giúp học sinh và thầy cô dễ dàng tiếp cận, lựa chọn và sử dụng hiệu quả. Thư viện không ngừng nỗ lực tăng cường vốn tài liệu, xây dựng một kho sách phong phú, đa dạng nhằm nâng cao khả năng tự học, mở rộng kiến thức và tạo không gian giải trí lành mạnh cho học sinh, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập và phát triển của các em.

Mỗi năm học thư viện của trường đều có các hoạt động thu hút bạn đọc đến thư viện để mượn sách như giới thiệu sách vào các chủ điểm của các tháng trong năm học, tuyên truyền văn hóa đọc, hoạt động tiết đọc tại thư viện bảo đảm tối thiểu 3 tiết/học kỳ/lớp, hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu 1 tiết/học kỳ/ môn học. Cán bộ chuyên trách còn thực hiện liên thông thư viện bằng hình thức luân chuyển tài nguyên thông tin dưới dạng in ấn với thư viện Nguyễn Đình Chiểu và thư viện huyện Châu Thành 2 lần/ năm học.

Thư viện trường đã bổ sung nguồn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với số lượng sách đảm bảo cho nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh. Hè năm học 2023-2024, thư viện trường được Nhóm thiện nguyện Bách khoa xây dựng khóa 2000 trao tặng tổng cộng 420 bản sách giáo khoa lớp 6, 7, 8.

Năm học 2024-2025, thông qua Nhà sách thiết bị Bến Tre, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ “Tủ sách giáo khoa dùng chung” cho một số trường học trong tỉnh Bến Tre trong đó có Trường Trung học cơ sở An Phước.

z5969313369141_2d8db2d1f374c56b5044bbecc12a50f0.jpg
Học sinh hoạt động tiết học tại thư viện. Ảnh: NTCC.

Hiện tại thư viện được trang bị 4 tủ sách chuyên biệt gồm sách Lịch sử, Đạo đức, Pháp luật, sách trưng bày, 1 khu ngăn tủ dành riêng cho sách giáo khoa dùng chung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 3 kệ sách riêng cho các lĩnh vực như giáo khoa, nghiệp vụ, tham khảo, thiếu nhi và 1 kệ sách dành riêng cho sách được trao tặng của các nhóm thiện nguyện.

Bên cạnh đó, mỗi năm thư viện còn tổ chức quyên góp sách cùng bạn đến trường từ việc tặng sách giáo khoa đã qua sử dụng của học sinh để tặng lại cho các em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo kịp thời để các em sử dụng đầy đủ bộ sách giáo khoa phục vụ cho việc học tập của mình, đồng thời đẩy mạnh việc tái sử dụng sách giáo khoa.

Với các hoạt động trên, thư viện trường Trung học cơ sở An Phước hướng đến thu hút người dùng tham gia các phong trào hoạt động tại thư viện nhiều hơn, giúp học sinh nâng cao nhận thức cũng như vai trò quan trọng của văn hóa đọc hiện nay trong việc học tập và giảng dạy trong nhà trường, từ đó phát huy hiệu quả hoạt động của thư viện trường học.

Còn tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cô Trần Thị Yến Phượng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm khuyến khích thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách cho học sinh. Thư viện xanh của trường đã trở thành điểm đến lý tưởng, nơi các em có thể mượn và đọc sách hàng tuần tuy nhiên. Đối với những trường hợp gia đình quá khó khăn, thư viện sẽ cho học sinh mượn sách để học, đến cuối năm các em sẽ trả lại để phục vụ cho những thế hệ tiếp theo.

Thư viện là nguồn tri thức quý giá cho học sinh, tuy nhiên nguồn sách tại đây vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Là một trường nhỏ với ngân sách hạn hẹp, mỗi năm, nhà trường chỉ có thể mua bổ sung cho mỗi khối 5 bộ sách giáo khoa theo chương trình mới. Tuy nhiên, lượng sách tham khảo vẫn thiếu, ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

z5969313328564_48ed8b75fd866effb55888ff54d62daa.jpg
Học sinh tỉnh Bến Tre tham gia Chương trình "Hành trình văn hóa" và các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Ảnh: NVCC.

Theo cô Yến Phượng, việc đầu tư cho sách giáo khoa và tài liệu tham khảo là một khó khăn lớn. Thư viện hiện chủ yếu cung cấp sách giáo khoa cho giáo viên để phục vụ công tác giảng dạy, nhưng nếu có thêm sách tham khảo, chất lượng dạy học và hiệu quả học tập của học sinh sẽ được cải thiện đáng kể. Trong nhiều trường hợp thiếu sách, giáo viên phải tận dụng tài liệu trực tuyến để đảm bảo bài giảng không bị gián đoạn.

Vào cuối năm học, nhà trường cũng vận động học sinh giữ gìn sách sau khi học xong và quyên góp, ủng hộ lại những bộ sách giáo khoa vào thư viện, để có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn gia đình học sinh tại địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên việc quyên tặng sách lại cho thư viện gặp nhiều trở ngại, nhiều em phải giữ lại sách cho anh chị em trong nhà sử dụng tiếp. Điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn khiến việc bổ sung sách cho thư viện trở thành một thách thức lớn.

Thư viện nhà trường đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các hoạt động xã hội hóa, với hy vọng có thêm nguồn sách cho học sinh. Năm học 2024 -2025, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cũng là một trong những trường được nhận “Tủ sách giáo khoa dùng chung” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cô Phương chia sẻ, sự hỗ trợ từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông qua việc tặng sách giáo khoa đã mang lại nhiều thuận lợi cho trường. Nhờ có nguồn sách này, thư viện có thêm tài liệu để cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn, giúp các em tiếp cận sách vở dễ dàng hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Sự giúp đỡ từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chỉ bổ sung cho thư viện xanh của trường mà còn thu hút các em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đọc sách. Việc này góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng tự học, mở ra thêm nhiều cơ hội tiếp cận tri thức cho học sinh vùng khó khăn.

Đầu tháng 8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khởi động Chương trình Tủ sách giáo khoa dùng chung cho năm học 2024-2025 với việc trao tặng 9 tủ sách trị giá 232 triệu đồng cho các thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở của tỉnh Bến Tre.

Với Chương trình trao tặng Tủ sách giáo khoa dùng chung năm học 2024 -2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến trao tặng khoảng 1.000 bộ sách cho các trường/điểm trường trung học cơ sở ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên toàn quốc. Mỗi tủ sách gồm 90 bộ sách giáo khoa và sáu bộ sách giáo viên từ lớp 6 đến lớp 8 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng bổ sung khoảng 30.000 bộ sách giáo khoa và 2.000 bộ sách giáo viên lớp 5 vào các "Tủ sách giáo khoa dùng chung" cấp tiểu học (mỗi tủ sách gồm 30 bộ sách giáo khoa và 2 bộ sách giáo viên) theo danh sách các trường tiểu học đã được tặng năm 2023.

Thùy Trang