Một bộ phận người tiêu dùng vẫn có quan niệm sai lệch rằng, sách giáo khoa giả tuy in ấn trái phép nhưng nội dung vẫn y như sách thật, không ảnh hưởng gì đến học sinh. Chính quan niệm sai lệch đó đã kéo theo nhiều hệ lụy khi vẫn chấp nhận cho sách giả trà trộn.
Có những cuốn sách giáo khoa giả không chỉ in sai, in thiếu nội dung, mà còn ẩn giấu nhiều nguy hại cho việc học tập của học sinh.
Sách giáo khoa giả in lỗi, thiếu trang, chất lượng kém
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Đào Nguyễn Hoài Thương (Hà Nội), có em trai đang học lớp 11 cho biết: “Cách đây 2 tháng, tôi đã từng mua nhầm phải một cuốn sách giáo khoa kém chất lượng tại một nhà sách ở Hà Nội.
Cuốn sách giáo khoa Toán (lớp 11, tập 1) - bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có bìa ngoài như sách thật, nhưng bên trong lại bị thiếu nhiều trang và đánh số lộn xộn. Mặt sau sách vẫn có tem chống hàng giả như sách thật. Tuy nhiên, sau khi so sánh với một cuốn sách giáo khoa khác, tôi mới phát hiện ra, sách giả không có dòng chữ: “Kích hoạt tem để mở học liệu điện tử” ở bìa sau”.
“Tôi mua sách từ hồi đầu tháng 8/2024, và không hề để ý. Phải đến khi em trai tôi đi học, mới phát hiện ra. Tôi cho rằng, chính nhà sách này đã vì lợi nhuận mà lấy sách qua một kênh không chính thống. Bởi, nếu là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, sẽ kiểm tra chặt chẽ các bước trước khi in ấn, phát hành,... không thể bỏ sót một cuốn sách in lỗi đến chục trang như vậy.
Tuy nhiên, do sách đã mua lâu, tôi không còn giữ hóa đơn, nên nhà sách không chịu trách nhiệm. Thái độ của nhân viên nhà sách cũng thể hiện họ không quan tâm đến việc họ đang bán sách giả, kém chất lượng.
Cuốn sách chỉ có giá 18.000 đồng, nhưng cũng là một bài học kinh nghiệm, tôi sẽ không quay lại nhà sách đó nữa. Cá nhân tôi là người từng học ngành xuất bản, nên tôi không thể chấp nhận trước những cuốn sách như vậy. Qua vụ việc này, tôi mong muốn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp thanh, kiểm tra chất lượng sách giáo khoa đang lưu hành trên thị trường, để những cuốn sách chất lượng thực sự đến tay học sinh” - chị Thương bày tỏ.
Một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, chị từng đặt mua sách giáo khoa cho con từ một người thanh lý sách trên mạng xã hội, vì chủ quan, quá tin tưởng vào nội dung quảng cáo, kèm theo mức giá khá “hời” so với giá bìa.
Khi nhận hàng, chị biết ngay mình mua phải sách giả, vì các trang sách không đều nhau, chất lượng giấy kém, lỗi phông chữ, hình ảnh và chữ được in nhòe mờ. Chị tìm cách liên lạc với người bán để yêu cầu hoàn tiền, thì chỉ nhận được sự im lặng. Bộ sách tưởng được mua với giá “hời”, nay lại trở thành “khoản lỗ” vì không thể sử dụng.
Sau sự cố này, vị phụ huynh quyết định đăng ký mua sách tại trường: “Nhà trường có thông báo có thể mua sách giúp học sinh, nên tôi đăng ký mua luôn cho con. Vì sách từ phía nhà trường được đặt từ các nhà xuất bản, nên phụ huynh có thể yên tâm và tin tưởng. Đặc biệt, khi đăng ký mua sách giáo khoa ở trường, sẽ có đủ bộ, không cần phải ra ngoài nhà sách để nhặt từng cuốn, khá bất tiện”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Khuất Thị Thúy Xoan, giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý tại Hệ thống giáo dục Vinschool phân tích: “Sách giả có thể mang đến những thông tin, góc nhìn sai lệch cho học sinh. Đặc biệt, những thông tin không được kiểm định sẽ gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của thầy cô và việc học tập, tư duy của học sinh.
Điển hình như trong môn Lịch sử và Địa lý tôi đang giảng dạy, sách giả có thể in lẫn lộn giữa đường liền và đường cách đoạn dẫn đến sai kiến thức về biên giới, lãnh thổ...
Đối với những địa danh, nhân vật, dấu mốc sự kiện lịch sử, chỉ cần sai một dấu, một con số, cũng có thể khiến toàn bộ nội dung không chuẩn xác. Đây là những lỗi sai nguy hại, nhưng nếu người sử dụng không quan sát kỹ có thể không phát hiện ra”.
Cô Xoan cũng cho biết thêm, hiện tại ở Hệ thống giáo dục Vinschool, toàn bộ học sinh đăng ký mua sách giáo khoa thông qua nhà trường, để bảo vệ bản quyền và tránh tình trạng mua phải sách giáo khoa giả.
Cần tăng cường kiểm tra những nhà in nhỏ lẻ
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc - người được độc giả biết đến không chỉ qua nhiều tác phẩm truyện ngắn mà còn bởi thường xuyên đồng hành cùng phụ huynh, học sinh trong lĩnh vực giáo dục, rất lo ngại về tình hình sách giáo khoa giả.
“Trước hết, phải khẳng định, mọi xuất bản phẩm đều có nguy cơ bị in lậu, nhưng sách giáo khoa, sách tham khảo bị in lậu là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ở đây chính là các em học sinh.
Việc sách giáo khoa bị in lậu với số lượng nhiều như thời gian qua các cơ quan chức năng công bố, chứng minh vì lợi nhuận nên những người sản xuất sách giả bất chấp tất cả.
Khi sách giả, sách lậu len lỏi vào thị trường, những đơn vị làm sách thật sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, vì thị phần bị thu hẹp, bao công sức của đội ngũ tác giả cùng nhà xuất bản bị xâm phạm.
Sách lậu khiến ngân sách thất thu, kéo theo đó là sự khó kiểm soát về chất lượng và nội dung. Nếu không ngăn chặn kịp thời, thị phần sách giả và sách lậu nhiều sẽ khiến những người làm sách chân chính gặp khó.
Cơ chế giải quyết và xử lý đã có, nhưng những đơn vị phát hành sách lậu, sách giả cũng có nhiều cách đối phó, đó là vấn nạn chung” - nhà văn phân tích.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc cũng chỉ ra: “Tâm lý thích mua sách giá rẻ hoặc muốn mua sắm nhanh gọn trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách giả có thể dễ dàng lưu thông.
Đặc biệt, với sách giáo khoa bán theo bộ từ 10-20 cuốn, người tiêu dùng không thể kiểm tra chất lượng từng cuốn để phân biệt đâu là sách thật, đâu là sách giả.
Khi mua sách qua các kênh trực tuyến, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin về người bán, xem đây có phải nguồn chính thống, đáng tin cậy hay không”.
Về phía cơ quan chức năng, nhà văn Bùi Ngọc Phúc bày tỏ: “Theo tôi, ngoài việc kiểm tra khâu lưu thông các xuất bản phẩm như tại các nhà sách, sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh kiểm tra từ “nguồn”, nghĩa là những nhà in nhỏ lẻ, những kho tập kết sách.
Có như vậy, mới giải quyết dứt điểm nạn in và phát hành sách lậu, sách giả nói chung và những bộ sách giáo khoa giả nói riêng.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính những nhà xuất bản cũng cần tích cực bảo vệ sản phẩm của mình theo nhiều cách khác nhau, cũng như làm chủ kênh phân phối”.
Bên cạnh tem chống hàng giả, năm nay, sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có phần mã số in dưới tem cào.
Khi kích hoạt mã cào sau mỗi cuốn sách giáo khoa tại trang Hành trang số, học sinh sẽ mở miễn phí học liệu điện tử và toàn bộ tính năng hỗ trợ. Ở các cuốn sách giả, mã cào bị làm giả, sao chép nhân bản nên sẽ không kích hoạt được [1].
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc đánh giá, đây cũng là một trong những hình thức mà các nhà xuất bản có thể tăng cường để góp phần kiểm soát chất lượng sách trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-huong-dan-cach-phan-biet-sach-giao-khoa-that-voi-sach-gia-post243801.gd