Hà Nội yêu cầu các trường tổ chức học tại thư viện tối thiểu 2-3 tiết/học kỳ/lớp

22/09/2024 06:11
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường đảm bảo tối thiểu 2-3 tiết/học kỳ/lớp, nội dung do hiệu trưởng nhà trường quy định phù hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản số 3172/SGDĐT-CTTT-KHCN về hướng dẫn công tác thư viện trường học năm học 2024-2025.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cộng đồng về tác dụng, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, chung tay xây dựng hệ thống thư viện trường học.

Học sinh nghĩa tân.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân đọc sách trong thư viện của nhà trường. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Các đơn vị triển khai phần mềm quản lý thư viện bao gồm phần mềm quản lý thư viện số kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và khoa học liệu số của ngành, tăng cường chia sẻ tài liệu số hóa giữa thư viện của các đơn vị.

Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, thường xuyên bổ sung tài liệu, đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần với các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp với từng cấp học.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động như: ngày hội đọc sách, trưng bày sách, phong trào "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay", tích cực tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc", các triển lãm sách,... Chủ động tổ chức giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của học sinh.

Thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hóa xã; phối hợp với sở văn hóa và thể thao, Thư viện Hà Nội, thư viện quốc gia,... tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện của các nhà trường có điều kiện tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhằm phục vụ học sinh và cộng đồng,... Bảo đảm chất lượng khi mua sách in; đa dạng, chú trọng sách, tài liệu về giáo dục kỹ năng sống, tinh thần tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, thái độ ứng xử văn minh, giàu lòng nhân ái.

Các đơn vị đảm bảo kinh phí hoạt động cho thư viện theo quy định để xây dựng thư viện số, mua sắm sách nói, sách điện tử, nâng cấp thiết bị,...

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên thư viện trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thư viện. Chuẩn hóa và ổn định đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thực hiện định mức biên chế cán bộ thư viện và chế độ phụ cấp cho viên chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành.

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiết học tại thư viện sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện nhà trường, đảm bảo tối thiểu 2-3 tiết/học kỳ/lớp, nội dung do hiệu trưởng nhà trường quy định phù hợp.

Hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu 1 tiết/học kỳ/môn học hoặc liên môn do hiệu trưởng quy định.

Học sinh học 1 buổi/ngày được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu có trong thư viện vào đầu giờ học, ra chơi, cuối buổi học.

Sở cũng yêu cầu các trường thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ yêu sách, STEM/STEAM,... Thực hiện nghiêm túc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thẩm định thư viện trường học đạt chuẩn trở lên.

Các đơn vị trường học trực thuộc Sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch năm học về công tác thư viện đảm bảo nguyên tắc 4 rõ (rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm đến từng thành viên, rõ thời gian, rõ kinh phí hoạt động) hoàn thành trước ngày 10/10/2024.

Ngọc Mai