Thực hiện CTGDPT 2018, trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ không còn phù hợp?

17/11/2024 08:21
Trần Văn Tâm - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Tây Ninh

GDVN - Tuyển sinh đại học bằng học bạ là không công bằng với học sinh, vì không có một thước đo nào dùng chung cho tất cả các trường trung học trên cả nước.

Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học năm 2025, nhiều trường đại học như Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội,… đã công bố bỏ xét tuyển bằng điểm học bạ, sẽ thay thế bằng những phương thức khác hợp lý, chính xác hơn.

Người viết là giáo viên trung học phổ thông cho rằng, phương thức xét học bạ không còn phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kiểm tra đánh giá không chỉ có bài kiểm tra

Trong học bạ của học sinh có điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá học sinh bằng điểm số có nhiều hình thức khác nhau nên không thể lấy kết quả trong học bạ để làm tiêu chí so sánh, xét tuyển đại học.

Điều 3, Thông tư 22 nêu mục đích đánh giá (đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ) là “nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học”.

Điều 6, Thông tư 22 cũng nêu: “Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập”.

Điều 7, Thông tư 22 có nêu: “Đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập”.

Theo đó, hình thức đánh giá bằng điểm số rất đa dạng, không theo một quy chuẩn cụ thể nào và không tương đương nhau ở các trường. Chẳng hạn như đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn vừa qua của các trường khác nhau:

unnamed.jpg
unnamed (1).jpg

Theo đó, cùng thời gian kiểm tra 90 phút nhưng số câu giữa phần Đọc và Viết khác nhau: có đề là 6 câu – 1 câu, có đề là 5 câu – 2 câu. Tỷ lệ % giữa các mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng có đề là 25 - 45 - 30; có đề thì 22,5 - 35 - 42,5.

Mục đích của kiểm tra, đánh giá là nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động học tập, giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường sử dụng kết quả đánh giá để xét học sinh được lên lớp, không được lên lớp hay đánh giá lại trong kỳ nghỉ hè.

Còn theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (kèm theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nêu mục đích tổ chức thi: “Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ”.

Như vậy, rõ ràng, kết quả điểm số trong học bạ của học sinh trung học phổ thông không phù hợp dùng để xét tuyển đại học; còn kết quả thi trung học phổ thông quốc gia mới phù hợp dùng để xét tuyển đại học.

Các trường trung học phổ thông chưa có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục thống nhất

Theo Thông tư 22, các trường có thể dùng hình thức kiểm tra đánh giá khác nhau, tùy theo mô hình trường và chất lượng đầu vào nên không thể so sánh điểm học bạ của học sinh ở các trường khác nhau.

Chẳng hạn, học sinh trường chuyên với trường bình thường, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp với trường trung học phổ thông, học sinh trường ngoài công lập với trường công lập.

Chỉ so sánh điểm số học bạ chính xác khi các hình thức kiểm tra giống nhau; cấu trúc, định dạng đề kiểm tra và thời gian hoàn thành giống nhau.

Bên cạnh đó, vấn nạn “bệnh thành tích” trong giáo dục vẫn còn đó do nhiều nguyên nhân. Điểm học bạ có thể bị can thiệp “làm đẹp” để chạy theo thành tích, phục vụ xét tuyển đại học.

Hơn nữa, mỗi trường trung học có cách quản lý chất lượng giảng dạy và học tập riêng, cấu trúc định dạng đề kiểm tra riêng, cách chấm điểm riêng, địa phương này cho điểm chặt địa phương kia cho điểm lỏng bởi các trường trung học chưa có hệ thống quản lý, giám sát, kiểm định chất lượng thống nhất.

Đó là nguyên nhân đẩy điểm tuyển sinh bằng học bạ những năm gần đây chạm ngưỡng 30 điểm.

Cuối cùng, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được lựa chọn học theo tổ hợp môn khác nhau, điểm học bạ sẽ khác nhau nên việc xét tuyển bằng phương thức này không còn phù hợp.

Khảo sát chất lượng học tập của sinh viên xét tuyển bằng học bạ chỉ có tính chất tham khảo không mang ý nghĩa kết luận

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từng áp dụng năm phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển bằng học bạ (tính 6 học kỳ) chiếm 10% chỉ tiêu.

Năm 2024, trường công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy của sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ và sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong các năm gần nhất (từ 2020 đến 2022) như sau: 3.19, 3.22, 2.69 và 2.94, 3.06, 2.85 (theo thang điểm 4.0; dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên của trường).

Đây chỉ là kết quả phân tích của một trường đại học cụ thể thuộc hàng tốp chất lượng, uy tín; ưu tiên xét tuyển những học sinh giỏi từ các trường trung học phổ thông trong cả nước với chỉ tiêu chỉ có 10%.

Theo Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu phân bổ cho phương thức xét kết quả học bạ chỉ khoảng 10% là rất ít so với tổng chỉ tiêu của trường nên việc đánh giá kết quả học tập này cũng chỉ mang tính tham khảo chứ không mang ý nghĩa kết luận. [1]

Trong khi đó, nhiều trường đại học địa phương và một số trường ngoài công lập, chỉ tiêu xét điểm học bạ chiếm tỷ lệ cao.

Theo kết quả thống kê của một trường đại học công lập địa phương, có đến 20% sinh viên (tương đương hơn 1.000 em) xếp loại yếu kém có đầu vào từ phương thức xét kết quả học bạ. Các sinh viên này nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 - 2 học kỳ đầu.[2]

Rõ ràng, không có cơ sở để khẳng định sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng học bạ có kết quả học tập tốt bằng hoặc tốt hơn phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Tóm lại, tuyển sinh đại học bằng học bạ là không công bằng với học sinh, vì không có một thước đo nào dùng chung cho tất cả các trường trung học trên cả nước.

Khi nào còn xét tuyển bằng học bạ thì còn điểm ảo và việc dạy thực chất, học thực chất sẽ khó thực hiện hiệu quả.

Do đó, các trường đại học cần phân tích, đánh giá hiệu quả của các phương thức tuyển sinh trên cơ sở khoa học để đảm bảo công bằng và tuyển được sinh viên chất lượng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/truong-dh-cong-bo-ket-qua-hoc-tap-cua-sv-xet-hoc-ba-cao-hon-diem-thi-tot-nghiep-post240692.gd

[2] https://thanhnien.vn/ket-qua-hoc-tap-sinh-vien-xet-bang-hoc-ba-vi-sao-khac-biet-giua-cac-truong-185240201201834812.htm

Trần Văn Tâm - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Tây Ninh