Dạy thêm học thêm là câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn là đề tài bàn tán của nhiều người. Mới đây, chuyện dạy thêm, học thêm lại trở thành đề tài được dư luận quan tâm khi các đại biểu nêu kiến nghị tại nghị trường Quốc hội.
Dư luận thì vẫn luôn có 2 chiều hướng, người tán thành việc dạy thêm học thêm vì đó là nhu cầu của người học. Người cương quyết phản đối vì cho rằng đã thay đổi chương trình, cách đánh giá mà học sinh vẫn phải đi học thêm, thì vấn đề nằm ở đâu?
Ảnh minh họa: Báo Lao động |
Người ta đổ lỗi nhiều cho giáo viên, nào là do thầy cô tạo áp lực, đối xử không công bằng nên mới phải đi học thêm, nào là trên lớp dạy "ém" kiến thức để mang về nhà dạy thêm nhằm hút học trò…
Là giáo viên, người viết không phủ nhận chuyện trong nghề vẫn có những thầy cô giáo dạy thêm không trong sáng. Tuy nhiên, ngay cả những thầy cô giáo nói không với dạy thêm thì học sinh do mình chủ nhiệm cũng phải tất tả tìm kiếm chỗ học thêm nơi khác. Học thêm đã trở thành nhu cầu của nhiều người.
Căn bệnh thành tích khiến tình trạng học thêm gia tăng?
Trong rất nhiều lý do khiến tình trạng dạy thêm học thêm khó có thể chấm dứt phải kể đến nguyên nhân sâu xa đó là việc bệnh thành tích còn quá nặng và học sinh yếu kém ít có được cơ hội ở lại lớp.
Cách đây khoảng 30 năm, tôi đã là một cô giáo tiểu học. Khi ấy, chúng tôi cũng không nghe đến cụm từ "bệnh" thành tích. Việc đánh giá học sinh thời ấy cũng vô cùng nghiêm khắc.
Cuối năm, mỗi lớp ít nhất cũng có vài ba học sinh phải lưu ban, thậm chí có năm, một lớp học ở trường tôi có tới 7 em không được lên lớp. Vì thế, cứ mỗi khi học sinh nào lơ là trong học tập, thầy cô chúng tôi chỉ cần dọa sẽ cho ở lại lớp là thấy chăm ngoan lên nhiều.
Khi học sinh yếu được ở lại lớp (giống như đã được sàng lọc qua mỗi năm), chất lượng học sinh thay đổi rõ rệt và nhu cầu học thêm của phụ huynh cũng không có nhiều.
Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi không bao giờ còn mang câu nói “không chịu học hành, cuối năm sẽ cho ở lại lớp” ra hù học sinh được nữa.
Bởi, chuyện ở lại lớp với học sinh bây giờ là vô cùng khó. Nhiều thầy cô còn đùa rằng giờ là “được” ở lại lớp chứ không còn phải ở lại lớp như trước đây.
Chỉ tiêu thi đua đang là thước đo năng lực và lòng nhiệt tình của giáo viên?
Lật giở bảng thành tích thi đua của bất kỳ trường tiểu học nào trong cả nước, tỉ lệ 100% sẽ xuất hiện khá nhiều. Một lớp học với sĩ số chuẩn là 35 học sinh (trong thực tế ở nhiều địa phương sĩ số lên đến 50 em/lớp), có những học sinh vô cùng chậm. Có những em lực học đã yếu lại không có người bảo ban, chăm sóc khi ở nhà nên dù giáo viên có nỗ lực kèm cặp, hỗ trợ nhưng vẫn học trước quên sau.
Dù yếu kém như thế nhưng cuối năm các em vẫn được đẩy lên lớp. Kiến thức lớp dưới chưa nắm chắc, kiến thức lớp trên sẽ khó nạp vào nên mỗi ngày một đuối dần.
Trong một lớp mà trình độ học sinh lại quá chênh lệch, giáo viên dành thì giờ kèm cặp thêm học sinh yếu kém thì những học sinh khác sẽ lơ là và ngược lại.
Ngoài việc học sinh yếu kém mất cơ hội ở lại lớp thì tỉ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập cũng được nhiều trường học quan tâm. Trong bản thành tích cá nhân cuối năm, nhiều trường cũng đưa lên "bàn cân" xem lớp nào đạt nhiều thành tích tốt để đánh giá giáo viên về năng lực và lòng nhiệt huyết.
Khi mọi mong muốn của nhà trường, của giáo viên và phụ huynh đều dồn vào đứa trẻ thì chuyện học thêm cũng sẽ trở thành nhu cầu tất yếu.
Học sinh yếu kém, học sinh cần nâng cao kiến thức đều phải đi học thêm
Một tiết học bậc tiểu học 35 phút. Bao nhiêu phút dành cho việc triển khai bài mới? Hướng dẫn thực hành? Bao nhiêu phút dành cho học sinh khá giỏi, rồi học sinh yếu kém? Lớp càng nhiều học sinh yếu kém thì nhóm đối tượng học sinh trung bình, khá, giỏi càng thiệt thòi.
Làm thế nào để giáo viên có thể truyền đạt tất cả kiến thức chuẩn theo yêu cầu với lượng thời gian trên lớp có hạn với khá nhiều nhóm học lực chênh nhau như thế?
Thầy cô có nỗ lực lắm cũng có thể chỉ dừng ở việc truyền đạt kiến thức mới và hướng dẫn luyện tập thực hành chung cho cả lớp, còn việc dạy phân hóa theo từng nhóm đối tượng sẽ chẳng có thời gian.
Thường thì số lượng mỗi lớp học thêm không đông. Nhiều thầy cô chia lớp học thêm theo nhóm học lực. Học sinh yếu, kém, trung bình học chung. Học sinh khá, giỏi hoặc học sinh xuất sắc thành các nhóm khác nhau.
Giáo viên dạy thêm với thời gian từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng một môn, sẽ có khá nhiều thời gian để dạy và kèm cặp riêng theo nhu cầu.
Có lẽ đây chính là nguyên nhân để một số ý kiến cho rằng, trên lớp dạy thầy cô "ém" kiến thức, dạy nửa vời để dành về nhà dạy ở lớp học thêm.
Khi học thêm là nhu cầu thì dạy thêm không có gì đáng lên án. Thầy cô dạy thêm cũng phải đầu tư công sức của mình, tận tình kèm cặp để học trò học ngày một tốt hơn. Chỉ đáng lên án khi ai đó mang danh người thầy để tạo áp lực, bắt học sinh phải đi học theo ý mình nhằm thu lợi bất chính.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.