Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 đó là xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hướng: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố”.
Lâu nay, vấn đề xét tốt nghiệp có tỷ lệ học bạ luôn là chủ đề được quan tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc sử dụng tỷ lệ 30% điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp đã có nhiều hạn chế, nảy sinh việc “làm đẹp học bạ”, nay lại tăng lên 50% thì càng đáng lo ngại hơn.
Không lo không minh bạch vì đã có hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành
Trao đổi với với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội cho biết, bất cứ một phương thức nào được đề xuất và thực hiện cũng đều có 2 mặt.
Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những điểm thuận lợi và tích cực để từ đó tìm kiếm những giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại.
Theo thầy Long, so sánh với tỷ lệ trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12 thì việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% để xét công nhận tốt nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý.
Hơn hết, khi sử dụng kết quả của cả 3 năm học tại bậc trung học phổ thông sẽ phát huy khả năng đánh giá toàn bộ cả quá trình tích lũy của học sinh thay vì chỉ dựa theo kết quả học tập ở năm học cuối cấp.
Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thái độ học tập của người học khi phải có sự chủ động, đầu tư và tập trung cao độ ngay từ năm học đầu cấp.
Trước sự lo ngại của dư luận về một số điều tiêu cực và bất cập trong thực tiễn, thầy Long cho rằng điều này không hẳn là thiếu căn cứ.
Trên thực tế, kiểm soát được những biểu hiện tiêu cực luôn là một vấn đề nan giải và cần nhiều thời gian khống chế, đặc biệt hơn tại môi trường giáo dục thì rất khó có thể đảm bảo rằng sẽ có một giải pháp triệt để giải quyết những hạn chế còn tồn tại đó.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo ở từng địa phương cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể cho từng đơn vị cũng như đưa ra những yêu cầu đảm bảo kiến thức đầu ra cho từng môn học.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành và các tỉnh thành đều sử đang chung trên một hệ thống dữ liệu nên phần nào đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và rõ ràng.
Với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, mọi kết quả học tập, kiểm tra đánh giá thường xuyên đều được nhập lên hệ thống một cách công khai và việc chỉnh sửa hay thay đổi đều được lưu vết rõ ràng.
Khi đó, Sở, Bộ Giáo dục vào Đào tạo có thể trực tiếp quản lý và giám sát quá trình thực hiện tại từng trường và với những trường hợp vi phạm thì sẽ có cơ sở để xử lý.
Ngoài ra, theo đánh giá của thầy Long, để tỷ lệ 50% - 50% như dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông phát huy được toàn diện những điểm tích cực và hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực thì vai trò, trách nhiệm của giáo viên và nhà trường vô cùng quan trọng.
Theo đó, cần làm rõ và nâng cao trách nhiệm của người quản lý, lãnh đạo tại các trường Trung học phổ thông trong việc chỉ đạo công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá nghiêm túc và minh bạch trong nội bộ nhà trường.
Trên thực tế, thầy cô là người tham gia giảng dạy, đánh giá và đưa ra điểm số cuối cùng cho người học nên cần được giám sát chặt chẽ dưới sự quản lý của lãnh đạo nhà trường.
Thế nên, tại mỗi cơ sở đào tạo cần chủ động và tự giác làm chặt công tác quản lý và đánh giá thực chất năng lực người học để đảm bảo chất lượng đầu ra không có sự chênh lệch với kết quả tại các kỳ thi, kiểm tra đánh giá nội bộ trong trường.
Nếu giáo viên thực hiện tốt và làm đúng trách nhiệm cũng như giữ vững lương tâm nghề nghiệp thì phương thức này sẽ phát huy được hiệu quả tích cực đúng như kỳ vọng.
“Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội, từ trước tới nay công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá luôn được ban giám hiệu nhất quán với giáo viên phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch, nói không với “chạy đua thành tích" và chú trọng 100% đến việc nâng cao trình độ học tập của học sinh.
Theo đó, nhà trường luôn có sự giám sát chặt chẽ, đối sánh kết quả học tập trên lớp với kết quả bài thi ở các đợt kiểm tra tại trường.
Nhờ đó, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh trong trường luôn có sự ổn định và không có nhiều chênh lệch so với kết quả các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên trên lớp.
Thực hiện tốt điều này đã giúp nhà trường luôn cảm thấy tự tin và an tâm về năng lực, sức học thực chất của các em có thể đạt yêu cầu để xét tốt nghiệp cũng như chinh phục kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với nhiều kết quả cao", thầy Long chia sẻ.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra để kiểm soát chặt chẽ tiêu cực trong nhà trường
Đồng tình với dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 của Bộ về việc dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho hay, việc nâng lên tỷ lệ từ30% lên 50% là điều rất cần thiết và hợp lý, phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi bao giờ cũng mang theo nhiều ảnh hưởng khác nhau. Vì vậy cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khách quan ở cả hai mặt để có sự cân đối, chỉnh sửa sao cho hiệu quả và hài hoà.
Nhìn vào điểm tích cực, sự đổi mới trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp là hoàn toàn đồng bộ với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi giúp học sinh vừa làm chủ kiến thức phổ thông, vừa biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống.
Mặt khác, nếu áp dụng quy định sửa đổi này sẽ khiến học sinh thay đổi mục tiêu học tập bởi cách tính này yêu cầu học sinh phải đạt kết quả tốt trong cả 3 năm học thay vì chỉ chờ đến lớp 12 mới cố gắng học tập để đủ điều kiện xét tốt nghiệp như trước đó.
Thế nhưng, nhìn nhận từ thực tế khi tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% thì có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng “làm đẹp học bạ” tăng lên.
Và nếu không kiểm soát tốt thì tỷ lệ này sẽ ảnh hưởng tới việc dạy và học ở bậc trung học phổ thông.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cũng đặc biệt lưu ý rằng, các trường trung học phổ thông cần nhìn nhận đúng đắn mục tiêu và hiệu quả mà phương thức này hướng đến để từ đó nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong khâu quản lý, tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá.
Theo đó, nhà trường cần chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng về kết quả học tập của học sinh và phải có biện pháp kiểm tra chéo hay đánh giá độc lập từ cơ quan quản lý.
Nếu có sự kiểm soát chặt chẽ và quy trình đánh giá được thực hiện đúng đắn thì việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học bạ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho hệ thống giáo dục.
Thực tế hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cũng đã có sự chỉ đạo đối với các trường thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế đối ta những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục phổ thông.
Thứ nhất là việc hướng dẫn rõ ràng về quy chế chuyên môn cũng như công tác kiểm tra đánh giá.
Theo đó, Sở đã ban hành các hướng dẫn chi tiết về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức thi cử nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong toàn hệ thống giáo dục. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về các các phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh một cách công bằng và chính xác cũng như cách phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá tại các mô đun thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là mô đun 3: “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra và thanh tra tại các trường học để đảm bảo việc thực hiện đúng các quy định về giáo dục và đánh giá học sinh. Bên cạnh đó thiết lập các kênh phản hồi và báo cáo để học sinh, phụ huynh và giáo viên có thể báo cáo và phản hồi các vấn đề liên quan đến việc đánh giá và chất lượng giáo dục. Qua đó giúp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tiêu cực.
Cuối cùng là việc thực hiện giám sát và công khai minh bạch trong quá trình xét tuyển và công nhận kết quả học tập của học sinh để hạn chế việc "làm đẹp học bạ” hoặc các hành vi không đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, khi sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập lên 50% thì rất cần có thêm những quy định để đảm bảo “dạy thật - học thật - thi thật” tại các trường.
Việc đánh giá học sinh theo quy định bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đánh giá phải bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.
Khi đó, đề kiểm tra cần được xây dựng phù hợp với chuẩn kiến thức - kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, phải đạt được các mức độ ( nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao).
Đối với đề kiểm tra cuối kỳ có thể là đề chung do Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề ( áp dụng với cấp trung học cơ sở trở xuống) và Sở Giáo dục và Đào đối với cấp trung học phổ thông.
Đối với khâu chấm bài thi thì được thực hiện chấm chung theo tổ (phân công cặp chấm) như chấm thi tốt nghiệp dưới sự kiểm tra, giám sát của Ban giám hiệu các trường, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trên thực tế, nếu làm chặt khâu quản lý, kiểm tra và giám sát sẽ giúp hạn chế những biểu hiện tiêu cực và phát huy tối đa hiệu quả khi thay đổi từ 30% lên 50% kết quả học tập của 3 năm học bậc trung học phổ thông trong việc xét công nhận tốt nghiệp.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các trường đại học nếu thực sự chú trọng chất lượng đầu vào thì nên giảm tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ , ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp...
Việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ góp phần hạn chế việc chạy theo thành tích, làm đẹp học bạ, tạo sự công bằng trong xét tuyển đại học cho các em học sinh”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đề xuất.