Giáo viên chỉ ra điểm mới của SGK Hóa học giúp học sinh thích thú hơn với môn học

08/07/2025 10:04
Phương Thảo

GDVN - SGK Hóa học mới không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng mà còn mở ra cơ hội để học sinh phát triển năng lực, tư duy và khả năng vận dụng vào thực tiễn.

Với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 không còn đơn thuần là tài liệu cung cấp kiến thức, mà trở thành công cụ tổ chức các hoạt động học tập tích cực, tích hợp thực tiễn, thí nghiệm và liên môn.

Đối với môn Hóa học, sách giáo khoa thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang được nhiều nhà trường sử dụng và đánh giá cao.

Học sinh thấy môn Hóa học gần gũi, dễ tiếp cận hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thái Sơn - Tổ trưởng bộ môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông A Túc (Quảng Trị) chia sẻ: “Hiện nay tại nhà trường môn Hóa học đang được giảng dạy theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Một trong những điểm đáng ghi nhận là sách giáo khoa đã bổ sung những kiến thức mới, cập nhật với khoa học hiện đại và gần gũi hơn với cuộc sống, như khái niệm về phức chất hay năng lượng liên kết.

Bên cạnh đó, thay vì tập trung vào các dạng bài tập thiên về tính toán khô khan, sách giáo khoa Hóa học mới khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức Hóa học để giải thích các hiện tượng trong đời sống, thực hành thí nghiệm và giải quyết vấn đề. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng giáo dục STEM và phát triển năng lực cá nhân.

Đồng thời, việc lồng ghép những nội dung thực hành, ứng dụng, các đề xuất hoạt động khám phá trong sách giáo khoa Hóa học đã tạo điều kiện để giáo viên thiết kế bài giảng đa dạng, phát triển kỹ năng nghiên cứu, phân tích và giải quyết vấn đề cho học sinh, đây là những năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến”.

trong-6-o-trang-truyen-tranh.png
Sách giáo khoa Hóa học mới khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức Hóa học để giải thích các hiện tượng trong đời sống thay vì tính toán phi thực tế. Ảnh: website Trường Trung học phổ thông A Túc

Thầy Nguyễn Thái Sơn cũng chỉ ra những điểm nổi bật trong sách giáo khoa Hóa học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mang tính thực tiễn cao và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

“Rõ ràng nhất là hệ thống câu hỏi, bài tập trong cả sách giáo khoa và sách bài tập đều được thiết kế theo hướng mở, tăng cường kết nối với thực tế, gợi mở tình huống gắn liền với đời sống. Học sinh không chỉ trả lời kiến thức lý thuyết mà còn phải suy nghĩ cách vận dụng vào những bối cảnh cụ thể từ môi trường, thực phẩm đến hóa chất gia dụng.

So với sách giáo khoa chương trình cũ, khối lượng kiến thức về tính toán đã giảm đáng kể, thay vào đó là tăng cường tính ứng dụng và tư duy logic. Học sinh cảm thấy môn Hóa học “dễ thở” hơn, bớt áp lực và đặc biệt là gần gũi hơn. Học sinh tích cực trao đổi, chủ động học hỏi và bày tỏ sự hứng thú vì thấy Hóa học không còn xa lạ hay “khó nhằn” như trước kia”, thầy Sơn cho hay.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Thân Thị Minh Đức - Phó tổ trưởng Tổ Hóa - Sinh - Kinh tế nông nghiệp, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (Bắc Ninh) đánh giá cao cách sách giáo khoa Hóa học thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phân chia nội dung bài học một cách rõ ràng và logic.

Theo cô Minh Đức, các bài học được thiết kế ổn định về cấu trúc, mục tiêu giúp giáo viên dễ định hướng, tổ chức dạy học hơn so với sách giáo khoa cũ. Cùng với đó, sách giáo khoa Hóa học mới chú trọng gợi mở vấn đề, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo hướng khám phá, thay vì chỉ ghi nhớ máy móc.

“Trong mỗi bài học đều có phần ứng dụng thực tiễn, đặt ra những tình huống gần gũi để học sinh vận dụng kiến thức Hóa học vào giải quyết vấn đề thực tế. Đây là nền tảng tốt để giáo viên tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng giáo dục STEM hoặc dạy học dự án.

Chẳng hạn, giáo viên có thể phát triển những bài tập nhỏ để học sinh thiết kế sản phẩm, phân tích hiện tượng trong cuộc sống như nước rửa chén sinh học, xử lý rác thải,.... từ đó phát huy tư duy sáng tạo, năng lực hợp tác, trình bày, phản biện cho học sinh”, cô Đức chia sẻ.

screenshot-2025-06-24-234524.jpg
Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Phước Hòa - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp (Khánh Hòa) đánh giá: “Trong ba bộ sách giáo khoa hiện hành, tôi đánh giá cao bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo vì có tính gần gũi, dễ tiếp cận. Nội dung sách được tinh giản hợp lý, không quá nặng về lý thuyết hàn lâm mà tập trung vào kiến thức cốt lõi, dễ ghi nhớ, dễ vận dụng.

Về hình thức, sách giáo khoa Hóa học theo chương trình mới có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, giúp học sinh hình dung tốt hơn các hiện tượng hóa học vốn trừu tượng. Cách trình bày rõ ràng, có hệ thống câu hỏi gợi mở ngay trong bài học khiến học sinh chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức”.

Cô Hòa cũng cho rằng, sách giáo khoa Hóa học mới đã được thiết kế với tinh thần “mở”, tạo nhiều khoảng trống để giáo viên linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực. Mặc dù việc áp dụng phương pháp nào vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động và sáng tạo của giáo viên, nhưng rõ ràng nội dung sách hiện nay đã đi theo hướng gợi mở, dẫn dắt học sinh tự tìm hiểu, thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức thụ động như trước.

Mặt khác, với hoạt động thực hành thí nghiệm, sách giáo khoa cũ đưa những thí nghiệm đa số là nghiêng về lý thuyết nhiều hơn. Trong khi đó, hiện nay theo sách giáo khoa mới, những bài mà giáo viên muốn chứng minh tính chất hóa học thì có thể dùng những chất phản ứng cụ thể, gần gũi với cuộc sống. Qua đó, các em dễ hình dung hơn rất nhiều.

Ví dụ, khi dạy về phản ứng oxi hóa – khử, thay vì sử dụng các hóa chất phức tạp, tôi tổ chức một thí nghiệm đơn giản sử dụng sắt (từ đinh sắt nhỏ) và nước muối loãng. Học sinh quan sát hiện tượng rỉ sét xuất hiện nhanh hơn khi có mặt muối và không khí, từ đó hiểu được quá trình oxi hóa sắt tạo thành sắt oxit, chính là hiện tượng ăn mòn kim loại trong đời sống.

Từ thí nghiệm này, các em được mở rộng thảo luận: Vì sao nên sơn bảo vệ cầu thép? Vì sao không để dụng cụ nhà bếp bằng kim loại tiếp xúc với nước biển? Thí nghiệm không chỉ giúp học sinh hiểu bản chất hóa học của phản ứng oxi hóa – khử, mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ vật liệu, ứng dụng Hóa học trong công nghiệp và đời sống.

Đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, phát huy tính chủ động của học sinh

Không chỉ gây dấu ấn về hình thức và nội dung, sách giáo khoa Hóa học của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn góp phần thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời rèn luyện cho học sinh tính chủ động, khả năng tư duy và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Theo cô Thân Thị Minh Đức, điểm dễ nhận thấy là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đòi hỏi tính chủ động rất cao từ phía học sinh. Nếu học sinh vẫn quen kiểu học thụ động, chờ thầy cô giảng bài thì sẽ rất khó theo kịp. Nhưng nếu các em chịu khó đọc trước bài, tìm tài liệu liên quan thì việc tiếp thu lại rất hiệu quả và hứng thú hơn.

Nhiều nội dung trong sách giáo khoa Hóa học không trình bày theo kiểu “cho sẵn” mà chỉ nêu vấn đề, dẫn dắt học sinh đặt câu hỏi, khơi gợi tư duy độc lập và khả năng tự tìm câu trả lời của học sinh. Qua đó giúp hình thành năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng tự học, những năng lực quan trọng của công dân thời đại 4.0.

Một điểm đáng lưu ý là việc đổi mới sách giáo khoa Hóa học trong chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ dừng lại ở việc cập nhật nội dung, tinh giản kiến thức hay tăng tính thực tiễn, mà còn đặt ra yêu cầu thay đổi toàn diện đối với phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Sách đã được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đồng nghĩa với việc lớp học không còn là nơi truyền đạt kiến thức một chiều mà cần trở thành môi trường học tập tích cực, sáng tạo, gắn với thực hành và trải nghiệm.

Chia sẻ về nội dung này, cô Đức cho hay: “Tôi cũng phải “tự làm mới” mình rất nhiều, sách giáo khoa mới yêu cầu giáo viên không chỉ có kiến thức vững mà còn phải cập nhật công nghệ, sử dụng phần mềm hỗ trợ, thiết kế bài giảng theo hướng tích cực, sáng tạo.

Đồng thời tìm kiếm thêm học liệu trực tuyến để bổ sung kiến thức nâng cao hoặc giải thích thêm các phần sách chưa khai thác sâu. So với chương trình cũ, giáo viên bây giờ cần đầu tư nhiều thời gian hơn để chuẩn bị bài giảng, nhưng đổi lại là sự tương tác với học sinh cao hơn, lớp học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn”.

z6361331941212-cac7a0b92b8851c4840345a414eeac32.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn trong giờ học môn Hóa học. Ảnh: website nhà trường

Còn theo cô Nguyễn Thị Phước Hòa, nội dung sách giáo khoa Hóa học theo chương trình mới ngoài có nhiều hoạt động hướng tới cá nhân người học, làm thay đổi cách học của học sinh thì còn yêu cầu giáo viên phải sử dụng phối hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật và hình thức dạy học tích cực.

“Khi giáo viên biết cách linh hoạt khai thác nội dung sách giáo khoa, kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực như tổ chức hoạt động nhóm, dạy học dự án, thí nghiệm minh họa, liên hệ thực tiễn hoặc gợi mở vấn đề để học sinh thảo luận, khám phá thì tiết học trở nên sinh động hơn rất nhiều.

Thực tế cho thấy, học sinh rất hào hứng và tích cực tham gia vào các hoạt động học như vậy. Những giờ học không còn bị giới hạn bởi bảng đen, phấn trắng hay công thức khô khan, mà thay vào đó là những tình huống gắn với đời sống, các thí nghiệm đơn giản nhưng giàu ý nghĩa, hoặc các hoạt động học tập mà các em được đóng vai trò là người tìm hiểu, khám phá, hợp tác và trình bày kết quả.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc vai trò của người giáo viên không còn là người “truyền đạt” thuần túy, mà phải trở thành người thiết kế, tổ chức, điều phối và hỗ trợ hoạt động học tập. Giáo viên phải dành thời gian nhiều hơn để chuẩn bị bài, tìm kiếm học liệu mở, tận dụng công nghệ, cá thể hóa nhiệm vụ học tập phù hợp với năng lực học sinh”, cô Hòa nhìn nhận.

Phương Thảo