EMagazine

Dự án Găng tay xúc giác công nghệ cao của SV HUST kỳ vọng có thể thương mại hóa

Dự án Găng tay xúc giác công nghệ cao của SV HUST kỳ vọng có thể thương mại hóa

08/05/2025 06:40
Bài và ảnh: Yên Đan
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từng trải qua suy giảm chức năng vận động, Trưởng nhóm dự án mong muốn tạo sản phẩm giúp người bệnh duy trì động lực, tập luyện hiệu quả hơn.

Vừa qua, Lễ trao giải và bế mạc cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV Startup 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc thi năm nay thu hút 775 dự án của học sinh, sinh viên tranh tài. Đây cũng là năm đầu tiên, cuộc thi có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các ý tưởng khởi nghiệp năm nay chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Nhiều dự án trong số này đã triển khai thực tế và có lãi.

Trong đó, dự án Nghiên cứu ứng dụng hệ thống phục hồi chức năng sử dụng găng tay xúc giác công nghệ cao của nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội vinh dự là một trong 15 dự án giành giải Nhất cuộc thi SV Startup năm 2025.

Ý tưởng dự án lấy cảm hứng từ câu chuyện thực tế của bản thân

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Mai Bá Nghĩa - sinh viên năm 4 Khoa Kỹ thuật cơ điện tử, Trường Cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Trưởng nhóm dự án Nghiên cứu ứng dụng hệ thống phục hồi chức năng sử dụng găng tay xúc giác công nghệ cao cho biết: “Hệ thống phục hồi chức năng sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) kết hợp với găng tay xúc giác nhằm mang đến một giải pháp hiện đại và linh hoạt cho quá trình phục hồi chức năng vận động.

anh2.jpg

Với hệ thống này, bệnh nhân sẽ đeo kính VR và găng tay xúc giác để tham gia vào các bài tập phục hồi trong môi trường ảo được thiết kế như những trò chơi tương tác sinh động. Việc luyện tập trong không gian ảo không chỉ làm tăng hứng thú mà còn nâng cao hiệu quả trị liệu, giúp bệnh nhân duy trì động lực luyện tập lâu dài. Đồng thời, hệ thống cho phép các bác sĩ theo dõi chi tiết quá trình tập luyện, phân tích dữ liệu thu thập được và điều chỉnh liệu trình phù hợp với từng cá nhân, từ đó tối ưu hóa kết quả điều trị”.

Chia sẻ về lý do thực hiện dự án này, Nghĩa chia sẻ, ý tưởng của sản phẩm bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và trải nghiệm thực tế của bản thân. Cách đây hơn chục năm, Nghĩa từng bị tai nạn, đến nay, tay trái của em vẫn chưa đáp ứng tốt các hoạt động thường ngày. Khi tìm hiểu về vấn đề mình đang gặp phải, Nghĩa mới biết bản thân là một trong hai triệu người trên thế giới bị suy giảm chức năng vận động.

“Sau khi phẫu thuật, quá trình phục hồi chức năng rất khó khăn. Khi tôi đến khoa Vật lý trị liệu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi nhận thấy mỗi bệnh nhân phải tập luyện trực tiếp với bác sĩ và khi hồi phục một chút, bệnh nhân được cho về nhà và phải tự tập tiếp. Do số lượng bác sĩ không đủ, việc phục hồi chức năng càng trở nên hạn chế.

Hơn thế nữa, tôi cũng nhận thấy, người bệnh rất dễ mất động lực và không duy trì tập luyện đều đặn khi ở nhà. Chính vì vậy, tôi muốn tạo ra một sản phẩm có thể giúp mọi người duy trì động lực và tập luyện hiệu quả hơn”, Nghĩa cho hay.

Tại Việt Nam, rất nhiều người bệnh cũng tương tự tình trạng như Nghĩa. Trong khi đó, với 10.000 người dân, Việt Nam mới chỉ có 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng, trong khi mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 0,5-1 người trên 10.000 dân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn trong khi tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng và thiếu động lực tập luyện, cộng với chi phí chưa phù hợp với túi tiền của người Việt. Tất cả những lý do đó đã trở thành động lực để Nghĩa và cộng sự không ngừng sáng tạo và nghiên cứu thành công sản phẩm.

“Nhóm chúng tôi phát triển dự án từ phòng Lab của Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, nhóm nhận được rất nhiều sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các thầy cô trong trường. Tuy vậy, khó khăn lớn đầu tiên mà tôi cùng đồng đội gặp phải là không có kinh phí để nghiên cứu, trong khi quá trình phát triển sản phẩm đòi hỏi phải thử nghiệm rất nhiều lần, tỉ lệ sản phẩm bị hỏng hoặc phải bỏ đi cũng khá cao.

May mắn là trước đó tôi đã tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ, được các thầy định hướng, hỗ trợ đi thi và vinh dự đạt giải Nhất. Nhờ khoản tiền thưởng từ cuộc thi, chúng tôi có thêm nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Sau khi hoàn thiện được phiên bản đầu tiên, nhóm lại đối mặt với một khó khăn mới là tìm nơi để thử nghiệm sản phẩm thực tế. Chúng tôi đã chủ động liên hệ với các thầy cô trong trường, nhờ họ kết nối và hỗ trợ để có thể triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, cụ thể là tại hai khoa: Khoa Lão và Khoa Châm cứu.

Khi bắt đầu thử nghiệm tại bệnh viện, nhóm đã khá bất ngờ trước phản ứng của bệnh nhân. Ngay từ lúc trải nghiệm đầu tiên, những bệnh nhân lớn tuổi đã rất chú ý và hào hứng tập luyện trong không gian ảo mà sản phẩm tạo ra mà không cần phải giải thích kỹ. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn không muốn dừng tập khi hết lượt. Khi được hỏi ý kiến, các bệnh nhân chia sẻ rằng trải nghiệm tập luyện với hệ thống mới rất thú vị, không nhàm chán như cách tập truyền thống, nên họ dễ có động lực duy trì việc tập luyện hơn”, Nghĩa nhớ lại.

anh2.jpg

Về chuyên môn, Nghĩa bày tỏ, các bác sĩ đánh giá sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ bệnh nhân tốt trong việc duy trì vận động thường xuyên. Mặt khác, sản phẩm này phù hợp với đối tượng bệnh nhân đã vận động nhẹ nhàng và muốn tăng tốc độ phục hồi chức năng. Mặc dù, để sản phẩm có thể ứng dụng thực tế, nhóm dự án vẫn còn phải cải tiến nhiều, từ việc nâng cao độ chính xác của cảm biến đến việc tối ưu hóa phần mềm cho dễ sử dụng hơn, nhưng những phản hồi tích cực ban đầu đã tiếp thêm cho nhóm rất nhiều động lực để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

“Theo tôi, xét về tính khả thi, dự án có nhiều nền tảng thuận lợi để triển khai. Các công nghệ chính như kính thực tế ảo (VR) và găng tay xúc giác đã được thương mại hóa, có thể tùy chỉnh theo yêu cầu chuyên môn mà không cần phát triển từ đầu. Việc dự kiến hợp tác với các công ty sản xuất phần cứng và đơn vị nghiên cứu y sinh học cũng góp phần đảm bảo khả năng triển khai, kiểm soát chất lượng và tối ưu chi phí sản xuất.

Về tính độc đáo, dự án khai thác đồng thời công nghệ môi trường ảo, phản hồi xúc giác và kết nối không dây, nhằm tạo ra trải nghiệm phục hồi chức năng cá nhân hóa, thuận tiện sử dụng tại nhà. Hệ thống có thể thu nhận chuyển động, phản hồi rung và lực, đồng thời cung cấp dữ liệu thời gian thực hỗ trợ bác sĩ theo dõi và điều chỉnh bài tập.

Về chi phí, việc sản xuất trong nước được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá thành so với thiết bị nhập khẩu, tuy nhiên cần tính toán cụ thể để đánh giá mức độ cạnh tranh thực tế. Nếu triển khai hiệu quả, dự án có thể mang lại các giá trị xã hội như cải thiện hiệu quả phục hồi chức năng, giảm gánh nặng chăm sóc cho gia đình bệnh nhân, tiết kiệm chi phí điều trị dài hạn và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế.

Tuy vậy, việc thương mại hóa và đưa sản phẩm vào thực tiễn sẽ cần đánh giá thêm về mức độ chấp nhận của người dùng, khả năng tích hợp vào quy trình điều trị hiện tại cũng như các yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng”, Nghĩa nêu quan điểm.

Kỳ vọng sản phẩm sẽ sớm đi vào thị trường, đóng góp tích cực cho ngành Y tế

Chia sẻ thêm về dự án, Tiến sĩ Trương Công Tuấn - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, quá trình để nhận được sự hỗ trợ tại Đại học Bách Khoa được chia thành các bước rõ ràng.

anh3.jpg

Thứ nhất, các bạn sinh viên sẽ tham gia vào các câu lạc bộ sinh viên và các khóa học kỹ năng về đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm. Đây là cơ hội để các bạn trang bị những kiến thức nền tảng, xây dựng những kỹ năng cần thiết trong hành trình sáng tạo.

Thứ hai, thông qua hoạt động đào tạo và môi trường cộng đồng, các bạn sẽ được ghép nhóm và kết nối với nhau để cùng xây dựng và phát triển các dự án. Đây là giai đoạn mà các bạn có thể hợp tác, trao đổi ý tưởng và bắt tay vào thực hiện những dự án sáng tạo của mình.

Thứ ba, trường sẽ tổ chức các cuộc thi để các bạn có thể thể hiện ý tưởng và sản phẩm của mình. Các cuộc thi này là cơ hội quý giá để các bạn nhận được góp ý từ các chuyên gia công nghệ, hoàn thiện sản phẩm của mình, cũng như nhận tư vấn về cách thương mại hóa sản phẩm từ các chuyên gia tài chính và những người có kinh nghiệm thực tế.

Thứ tư, sau các cuộc thi, các dự án sẽ được trường đánh giá, thẩm định để đưa vào giai đoạn ươm tạo. Đây là giai đoạn quan trọng mà các bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ hệ sinh thái Bách Khoa, giúp dự án tiếp tục phát triển. Trong quá trình ươm tạo, các bạn sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đăng ký sáng chế và nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

“Với mô hình này, chúng tôi có nhiều đơn vị khác nhau sẵn sàng hỗ trợ các bạn sinh viên. Khi sản phẩm của bạn đã hoàn thiện về mặt công nghệ, các giảng viên sẽ tham gia góp ý và hỗ trợ để giúp các bạn hoàn thiện công nghệ, tiến xa hơn trong quá trình phát triển sản phẩm.

Về quá trình hỗ trợ tinh thần và kinh phí cho các dự án tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi cam kết hỗ trợ sinh viên ngay từ những bước đầu tiên, từ khi các ý tưởng mới chỉ hình thành cho đến khi các sản phẩm được hoàn thiện và đưa vào thực tế.

Đầu tiên, về mặt chuyên môn, các bạn sinh viên sẽ nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các người hướng dẫn và chuyên gia trong suốt quá trình phát triển sản phẩm. Những cuộc thi sáng tạo là một phần quan trọng trong quá trình này. Các cuộc thi tại Bách Khoa có một format riêng, giúp các đội thi không chỉ được trau dồi kỹ năng mà còn nhận được nguồn hỗ trợ từ nhà trường để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Với nhóm của Nghĩa, dự án tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ đã được cấp ít nhất 20 triệu đồng để hoàn thiện sản phẩm, giúp các bạn có thể đầu tư vào những bước tiếp theo trong quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, giải thưởng của cuộc thi cũng rất hấp dẫn. Các dự án đạt giải Nhất có cơ hội nhận được khoản tiền lên đến 50 triệu đồng, một nguồn kinh phí quan trọng giúp các bạn tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ngoài những cuộc thi, Đại học Bách Khoa Hà Nội còn có một quỹ đầu tư đặc biệt mang tên BK Fund. Quỹ BK Fund là Quỹ đầu tư hình thành từ mạng lưới cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, là một thành tố trong hệ sinh thái đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là một nguồn tài chính và chuyên môn rất quan trọng giúp các bạn sinh viên có thể biến ý tưởng thành hiện thực, phát triển thành các dự án kinh doanh thành công”, thầy Tuấn thông tin.

Theo thầy Tuấn, ngoài sự hỗ trợ từ hệ sinh thái Bách khoa, dự án của Nghĩa và đồng đội đã được một công ty Nhật Bản đồng hành và đang trong quá trình thương thảo để phát triển tiếp sản phẩm này trở thành sản phẩm thương mại. Đây là tín hiệu đáng mừng vì sản phẩm đã được ghi nhận và hoàn toàn có thể thương mại hóa trong tương lai gần.

“Tôi kỳ vọng hệ thống phục hồi chức năng sử dụng găng tay xúc giác công nghệ cao không chỉ dừng lại ở một cuộc thi mà sẽ được đưa vào thị trường và đóng góp tích cực cho ngành Y tế, tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng điều trị và phục hồi cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sản phẩm này sẽ nhận được sự đón nhận rộng rãi từ các cơ sở y tế, bệnh viện và các trung tâm phục hồi chức năng, đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể vừa nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, vừa cải thiện vận động cho bệnh nhân, giúp họ lấy lại khả năng tự lập và sớm quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường”, thầy Tuấn bày tỏ.

Bài và ảnh: Yên Đan