Đề xuất đưa giảng dạy, tư vấn, hỗ trợ SV khởi nghiệp vào nhiệm vụ của giảng viên

03/02/2025 06:46
Khánh Hòa

GDVN- Lãnh đạo CSGDĐH đề xuất đưa việc giảng dạy-tư vấn-hỗ trợ SV khởi nghiệp vào quy định nhiệm vụ giảng viên; đồng thời xây dựng giáo trình chuẩn hóa cho các trường.

Việc xây dựng cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, tự quản trị cuộc đời là nhiệm vụ và sứ mệnh hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học, nơi đào tạo những thế hệ tương lai của đất nước.

Doanh nghiệp, công ty cùng tham gia giảng dạy nội dung khởi nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho biết: “Nhà trường đã đưa môn học Kỹ năng tư duy sáng tạo và Khởi nghiệp với 2 tín chỉ vào chương trình đào tạo. Nội dung môn học nhằm trang bị kiến thức lý thuyết chung về khởi nghiệp, công nghệ và chuyển đổi số. Ngoài ra, giúp sinh viên có kỹ năng hình thành ý tưởng và lập kế hoạch kinh doanh; kỹ năng về tìm kiếm, khám phá, vận dụng công nghệ, chuyển đổi số; kỹ năng khai thác có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ sinh thái kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nhiều workshop, talkshow về khởi nghiệp thông qua việc mời các doanh nhân, cá nhân khởi nghiệp xuất sắc để truyền cảm hứng cho sinh viên. Đặc biệt, nhà trường đặt hàng các diễn giả trên chia sẻ về những khó khăn, thất bại giúp sinh viên bớt đi những vấp ngã trên con đường khởi nghiệp.

Đối với một số chuyên ngành, nhà trường định hướng đưa môn Quản lý dự án vào khung chương trình đào tạo hệ chính quy. Đây là môn học giúp sinh viên có kiến thức, kỹ năng để khởi sự, lập kế hoạch và quản lý một dự án khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư để tặng học bổng, tài trợ, hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp”.

thay-Song-2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp bằng cách lập doanh nghiệp sau 5 năm chỉ ở mức trên 7%. Tôi đánh giá, tỷ lệ này là thấp. Vì vậy, việc đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn trong trường đại học là rất cần thiết, có vai trò quyết định để sinh viên ra trường tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp thành công.

Trường Đại học Thành Đông đã đưa môn Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính thức của trường từ năm 2018, gồm 2 tín chỉ. Giảng viên giảng dạy là giảng viên cơ hữu của trường và các giảng viên thỉnh giảng đang đảm đương vị trí quản lý, chủ doanh nghiệp, công ty cùng tham gia giảng dạy. Để mời được những giảng viên là doanh nhân này, nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhà trường mong muốn sinh viên có địa điểm thực tập ngay từ khi các em đang học tập tại trường cũng như có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc khởi nghiệp thành công nhờ học tập kinh nghiệm của các giảng viên là doanh nhân”.

thay-Hùng.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông. Ảnh: NVCC.

Còn tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, nhà trường đã đưa nội dung môn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo với 2 tín chỉ vào chương trình đào tạo cho tất cả các ngành đào tạo hiện có. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khoá về tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Nhà trường cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối và tạo sân chơi, khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang chia sẻ: “Việc đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình học của nhà trường (nói riêng) và các cơ sở giáo dục đại học (nói chung) là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Môn học này giúp trang bị cho sinh viên những kỹ năng quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Để thành công, cần đảm bảo môn học này được thiết kế, giảng dạy, điều chỉnh sát thực tiễn, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế của sinh viên và xã hội”.

thay-Duong.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Ảnh: NVCC.

Chính sách khởi nghiệp cho sinh viên còn chưa đồng bộ và còn “độ trễ”

Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Bảo Dương cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp tại các trường đại học hiện nay. Cụ thể: “Phong trào khởi nghiệp của sinh viên còn chưa sôi nổi là do chính sách chưa đồng bộ và còn “độ trễ”. Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được ban hành, nhưng không có sự nhất quán trong việc triển khai giữa các cấp chính quyền và nhà trường. Việc thiếu quy định cụ thể về tài trợ vốn, cơ chế hợp tác doanh nghiệp và trường học, hoặc các hỗ trợ pháp lý cho sinh viên khởi nghiệp.

Một số hoạt động khởi nghiệp, cuộc thi được tổ chức còn mang tính phong trào. Hiện đang thiếu các chương trình dài hạn hoặc các bước tiếp theo giúp sinh viên triển khai ý tưởng thành dự án thực tế. Các nội dung đào tạo khởi nghiệp chưa thực sự bám sát nhu cầu thị trường hoặc chưa đi kèm những kỹ năng quan trọng như quản trị rủi ro, gọi vốn, xây dựng sản phẩm thực tế.

Thời gian của sinh viên ở trường không dài, trong khi phần lớn các dự án cần một thời gian dài hơi hơn. Hơn nữa, điều kiện, hoàn cảnh của sinh viên trước và sau khi ra trường rất khác nhau. Nếu không có sự thiết kế bài bản, hỗ trợ dài hạn, sinh viên sẽ khó có thể theo đuổi các ý tưởng khởi nghiệp ban đầu.

Các cơ sở giáo dục đại học chưa đủ nguồn lực để có không gian chuyên biệt cho hoạt động khởi nghiệp như các vườn ươm, trại sản xuất thử nghiệm, nhà xưởng, phòng thí nghiệm sáng tạo, hoặc trung tâm hỗ trợ tư vấn. Việc đầu tư cho cơ sở vật chất phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn lực xã hội hóa còn rất hạn chế”.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song, để giúp sinh viên xây dựng tinh thần khởi nghiệp và có kiến thức, kỹ năng phù hợp, thầy cô đóng vai trò rất quan trọng.

“Giảng viên phải là người có thể truyền cảm hứng, “truyền lửa” nhằm hun đúc tinh thần khởi nghiệp và tự làm mới chính mình, giúp sinh viên có động lực khởi nghiệp.

Để hỗ trợ khởi nghiệp, đã có hàng loạt văn bản, chính sách ra đời như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chỉ thị số 9/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030, cho thấy tầm quan trọng của khởi nghiệp trong định hướng phát triển của nước ta.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay còn mang tính chung chung, chưa được phân hóa rõ ràng để phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể. Việc xây dựng và phát triển các tổ chức ươm tạo, công tác huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và chuyên sâu.

Đặc biệt chính sách hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Thủ tục về vay vốn, gọi vốn, giải ngân cho doanh nghiệp khởi nghiệp còn khó khăn. Hơn nữa, thủ tục về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp còn tốn nhiều thời gian và thủ tục phức tạp” - thầy Song phân tích.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song cũng đánh giá, các ý tưởng khởi nghiệp hiện tại chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn với nhu cầu của người dân, cộng đồng, dẫn đến không thu hút được nguồn lực đầu tư từ các quỹ.

Đưa việc giảng dạy - tư vấn - hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp vào quy định nhiệm vụ giảng viên

Từ những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song nhấn mạnh, cần chuẩn hóa công tác đào tạo, đội ngũ giảng viên, chương trình giảng dạy. Trong đó, nền móng của đổi mới sáng tạo phải trang bị được tư duy phản biện, từ đó, các dự án được nảy sinh từ cái nhìn đa chiều, rộng hơn, sâu hơn, có tính sáng tạo và thực tiễn cao hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao nên sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp, cần trang bị kiến thức về vận dụng công nghệ, chuyển đổi số cho các chủ dự án. Khởi nghiệp là lĩnh vực rủi ro lớn nên cần có thêm chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Ngoài những khó khăn về chính sách hỗ trợ, thầy Song cũng nhận định, việc các cơ sở giáo dục đại học chưa thúc đẩy được hoạt động khởi nghiệp, còn có một số nguyên nhân khác.

“Việt Nam chưa thực sự có văn hóa khởi nghiệp, người Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, rủi ro, còn tư duy an toàn và thiếu tư duy phản biện. Từ đó, dẫn đến việc hạn chế đưa ý tưởng, cơ hội vào thực tiễn.

Đội ngũ giảng viên thuộc “thế hệ trước”, tinh thần khởi nghiệp chưa được đề cao, không truyền cảm hứng cho sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần đưa nhiệm vụ giảng dạy - tư vấn - hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp vào quy định nhiệm vụ của giảng viên. Các trường đại học cần tập huấn và đào tạo bài bản, khuyến khích cả về vật chất, tinh thần cho đội ngũ giảng viên về khởi nghiệp. Đồng thời, nhà trường cần tận dụng lực lượng cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp để chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về khởi nghiệp cho sinh viên.

Mặt khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là các cơ quan chức năng về chính sách, các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ quan truyền thông, các vườn ươm khởi nghiệp. Trường đại học cần chủ động kết nối với các bộ phận trên để giúp sinh viên trang bị kiến thức, kinh nghiệm và đưa ý tưởng vào thực tiễn.

Ngoài ra, các dự án khởi nghiệp của sinh viên thường có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Để có nhiều dự án khởi nghiệp ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, cần vận dụng công nghệ và chuyển đổi số. Nhà trường cần trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ cho sinh viên có ý định khởi nghiệp cũng như kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại” - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông phân tích thêm.

sinh-vien-nong-lam.jpg
Nhóm sinh viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tham gia Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Kết nối các điểm đến du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Ảnh: NTCC.

Cùng quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng cũng cho rằng: “Nguyên nhân chính cũng như “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách dẫn đến việc chưa thúc đẩy được hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học đến từ cả 2 phía. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, chưa có nguồn kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp. Các trường đại học chưa coi hoạt động khởi nghiệp là việc của nhà trường nên chưa chủ động đào tạo, gắn bó mật thiết với doanh nghiệp, chưa chủ động đào tạo đội ngũ giảng viên, cấp kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn. Đây là quy định phải thực hiện, đồng thời, cấp một khoản kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp.

Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở các trường đại học, lãnh đạo trường phải nhận thức đúng về vai trò hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên, phải hiểu sinh viên sau khi ra trường khởi nghiệp thành công sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước đúng tinh thần “doanh nghiệp mạnh, đất nước hùng cường”.

Để nâng cao hiệu quả triển khai giảng dạy nội dung khởi nghiệp trong trường đại học, cũng như nâng cao hiệu quả của phong trào khởi nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương đề xuất xây dựng giáo trình chuẩn hóa: “Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn với nội dung cập nhật theo xu hướng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bổ sung các chuyên đề chuyên sâu như quản lý tài chính khởi nghiệp, marketing kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.

Sử dụng mô hình học tập trải nghiệm, mô phỏng kinh doanh và dự án thực tế, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quá trình khởi nghiệp. Tạo không gian học tập linh hoạt như phòng lab khởi nghiệp, co-working space, hoặc trung tâm đổi mới sáng tạo. Tạo cơ hội để sinh viên gặp gỡ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần” nhằm giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp và nhận được sự hỗ trợ tài chính.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kỹ năng sư phạm tiên tiến cho giảng viên. Khuyến khích giảng viên tham gia các dự án thực tế hoặc hợp tác với doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mời các doanh nhân thành công, nhà đầu tư hoặc cố vấn khởi nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên”.

Khánh Hòa